Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con dại cái mang’ nói về điều gì?

(VOH) - “Con dại cái mang” là câu tục ngữ không còn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa và những bài học ẩn sau câu tục ngữ đó ngay nhé!

Câu tục ngữ “Con dại cái mang” đã được đúc kết từ những kinh nghiệm sống của ông cha ta trong cuộc sống. Chính bởi vậy, câu nói ấy mang rất nhiều bài học nhân sinh sâu sắc, nhắc nhở chúng ta biết trân trọng tình cảm của cha mẹ hơn. 

1. “Con dại cái mang” là gì?

con-dai-cai-mang-voh-1

Ý nghĩa của "con dại cái mang"

Trong câu tục ngữ “Con dại cái mang” trước hết ta có thể thấy cặp từ “con và cái” được hiểu chính là “con” và “các đấng sinh thành” - người có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ những đứa con nên người. Thế nên, cha mẹ cũng chính là người luôn phải hứng chịu những định kiến, lời trách móc nếu những đứa con cái hành xử dại dột, làm điều sai trái. 

Câu tục ngữ “con dại cái mang” chính là lời nhắc nhở cho các bậc sinh thành rằng, sự dại dột, thiếu hiểu biết, bốc đồng và sai trái của mỗi đứa con thì người có lỗi lớn nhất chính là cha mẹ. Cũng giống như ý nghĩa của câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, sự nuông chiều, yêu thương thái quá của ông bà, cha mẹ sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự hư hỏng của con cái. 

Không chỉ vậy, những hành động xấu xa, phạm pháp hay vô giáo dục của con cái thì người bị đánh giá, chê trách luôn là các đấng sinh thành. Từ đó, câu tục ngữ mang hàm ý nhắc nhở phận làm con cũng cần chú ý cách hành xử, cử chỉ lời ăn tiếng nói cho đúng mực để gia đình, bố mẹ không bị đánh giá, quy chụp vào việc không biết dạy con. 

Vậy mới nói, cha mẹ vất vả 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, cùng biết bao vất vả đắng cay nuôi con khôn lớn, hết lòng giáo dục, định hướng con lớn lên trở thành người tài đức. Nhưng đôi khi chỉ cần một hành động sai trái của con trẻ là cha mẹ có thể sẽ bị đánh giá, mang tiếng cả cuộc đời. 

Xem thêm: Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa': Câu tục ngữ hay chỉ về các hiện tượng tự nhiên

2. “Con dại cái mang” muốn nói đến trách nhiệm của ai đối với trẻ em?

Các câu tục ngữ, thành ngữ luôn thể hiện rõ quan điểm đạo đức cùng những giá trị nhân đạo sâu sắc, đúng đắn của thế hệ cha ông. Quan niệm xưa luôn đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ và trách nhiệm của cha mẹ, của gia đình trong việc nuôi dưỡng con cái, điều đó được thể hiện rõ nét qua tục ngữ “con dại cái mang”.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con mình, nhưng chính những sự “yêu” không đúng cách, sự nuông chiều và bảo vệ thái quá khiến con cái không thể trưởng thành, không biết phân biệt trái phải, không biết hành xử đúng đắn. 

Sự dạy dỗ sai cách đó được thể hiện qua việc luôn bao che cho lỗi sai của con cái, không có những hình phạt trước những sai phạm của con. Từ những việc nhỏ nhất như vậy nhưng cũng tác động đến suy nghĩ, thói quen của con cái, từ đó mà dẫn đến những hành vi sai lệch về nhận thức. 

con-dai-cai-mang-voh-2

Trách nhiệm của cha mẹ trong nuôi dạy con cái

Gia đình chính là cái nôi để nuôi dưỡng con người, là tổ ấm và là nơi có sức ảnh hưởng nhất đến tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ. Mỗi đứa bé được hưởng sự giáo dục trong gia đình có nền tảng đạo đức tốt, có đầy đủ sự quan tâm yêu thương của cha mẹ, thì chúng sẽ trưởng thành và hiểu biết hơn hẳn những đứa trẻ khác. 

Từ xưa đến nay, bố mẹ và gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển, hình thành và trưởng thành của con trẻ. Mỗi đứa con đều là “gương phản chiếu” lại của các bậc cha mẹ. Những hành vi, lời nói, tư tưởng của bố mẹ luôn được con cái học theo và bắt chước. 

Người ta hay ví việc dạy dỗ con cái cũng như chăm bón những cái cây, nếu gia đình, bố mẹ “tỉa cành”, “tưới phân” đều đặn từ lúc cây còn nhỏ thì cái cây hay con cái sẽ đẹp đẽ và khỏe mạnh. Ngược lại nếu gia đình không giáo dục, con cái sẽ mất định hướng, không biết cách ứng xử, đối nhân xử thế,..

Qua đó ta càng thấy rõ được trách nhiệm lớn lao của gia đình, cha mẹ và cả ông bà trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái. Cha mẹ cần có trách nhiệm xây dựng tổ ấm gia đình, dành thời gian, tình yêu để nuôi dạy con cái. Hãy yêu thương con đúng cách, đừng để con lạc lối và trở nên hư hỏng nhé!

Xem thêm: Tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ và bài học gửi gắm phía sau

3. Một số câu danh ngôn về trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dạy con trẻ

  1. “Di sản tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái là chút ít thời gian mỗi ngày” - Orlando Aloysius Battista
  2. “Cha mẹ không phải là người tạo ra trẻ nhỏ, mà là người bảo hộ chúng” - Maria

con-dai-cai-mang-voh-3

  1. Làm cha mẹ là dẫn đường cho thế hệ sau và mở lòng bao dung cho thế hệ trước” Peter Krause
  2. “Mỗi đứa trẻ được nuông chiều đều trở thành đứa trẻ bị ghét bỏ. Không gì ác độc hơn là nuông chiều trẻ”- Alfred Adler
  3. “Sự thực thì dạy dỗ trẻ nhỏ là một công việc vất vả và dài lâu, phần thưởng không phải luôn luôn lập tức thấy được, công việc bị đánh giá thấp, và các bậc cha mẹ cũng là con người và hầu như cũng dễ tổn thương như con mình” - Benjamin Spock
  4. “Thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời không phải là tuổi học đại học mà là thời kỳ đầu tiên, giai đoạn từ khi sinh ra đến lúc 6 tuổi” - Maria Montessori
  5. “Trẻ con là những kẻ bắt chước bẩm sinh hành động giống như cha mẹ mình bất chấp mọi nỗ lực để dạy chúng cách xử thế” - Khuyết danh

Xem thêm: Cần cù bù thông minh’ - đức tính tốt để thành công trong cuộc sống

Việc giáo dục con cái ngay từ bé là việc quan trọng để hình thành cho con nhân cách và suy nghĩ tốt, tích cực. Cha mẹ và gia đình là những nhân tố có trách nhiệm và ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ, nhận định đó được cha ông ta nhắc nhở qua tục ngữ “Con dại cái mang”. Bởi vậy hãy dành thời gian cho con và dạy con đúng cách. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận