Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng khiến người đời nể phục

(VOH) - Gia Cát Lượng là một nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc, ông là người hiến nhiều kế hay giúp Lưu Bị làm nên việc lớn.

Những câu chuyện về Gia Cát Lượng đã không còn xa lạ với chúng ta, đặc biệt là trong phim chiến quốc Trung Quốc, hình ảnh Gia Cát Lượng xuất hiện dày đặc.

Khổng Minh - Gia Cát Lượng là ai?

Gia Cát Lượng được biết đến là quân sư tài ba đã giúp Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng có khả năng đoán mưu lập kế như thần, là người tài đức song toàn, nếu nói tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, thì tuyệt trí chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý nhưng Gia Cát Lượng không muốn làm đế vương mà chỉ muốn làm đại hiền thần phò tá minh chủ lập nên nghiệp lớn, lòng trung thành của ông được người đời vô cùng kính nể.

Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng khiến người đời nể phục 1
 

Đôi nét về Gia Cát Lượng:

  • Tên thật: Gia Cát Lượng (諸葛亮)
  • Tên gọi khác: Gia Cát Vũ Hầu (诸葛武侯)
  • Tự: Khổng Minh (孔明)
  • Hiệu: Ngọa Long tiên sinh (臥龍先生)
  • Thuỵ hiệu: Trung Vũ Hầu (忠武侯)
  • Quê quán: Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán.
  • Năm sinh: sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu 181 thời Hán Linh Đế, mất năm 234.
  • Chức vụ: quân sư, chính trị gia, Thừa Tướng
  • Cha: Gia Cát Khuê
  • Hôn phối: Hoàng Nguyệt Anh, con gái ẩn sĩ Hoàng Thừa Ngạn, dung mạo cực kỳ xấu, bà là một trong “ngũ xú Trung Hoa”.  
  • Con trai: Gia Cát Chiêm
  • Con nuôi: Gia Cát Kiều

Xem thêm: Những câu nói hay của Khổng Tử dạy người quân tử cách sống ở đời

Những câu nói hay của Khổng Minh - Gia Cát Lượng

Là người tài đức vẹn toàn, có chí cao nhưng không ham danh vọng, Gia Cát Lượng được người đời ngưỡng mộ, kính trọng. Những câu nói lúc sinh thời của ông được xem là “câu nói vàng”, hiểu thấu được nó sẽ vô cùng lợi ích.

Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng về cách đối nhân xử thế, ứng xử ở đời

  1. Nguyên văn: Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu kỷ.
  • Dịch: Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.
  • Nghĩa: Đây là tiêu chuẩn của người quân tử với bề trên, đặc biệt là bậc trung thần trong thời chiến quốc luôn lấy câu nói này làm trọng. Thay vì đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, bậc trung thần luôn làm theo mệnh lệnh của chủ nhân dù có hy sinh thân mình cũng phải hoàn thành sứ mệnh được giao.                
  1. Nguyên văn: Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy.
  • Dịch: Không vì có tài mà kiêu với người, không vì được sủng ái mà tác oai tác quái.
  • Nghĩa: Người có tài mà phô trương thì cũng hoá kẻ tầm thường, đặc biệt là ỷ mình có tài mà không nghe góp ý từ người khác, luôn làm theo ý mình thì dễ dàng thất bại. Còn những ai cậy quyền mà hống hách chỉ khiến người đời coi khinh, khi người chống lưng thất thế họ sớm muộn cũng có kết cục tồi tệ.  
  1. Nguyên văn: Thiện tướng giả, tất hữu bác văn đa trí giả vi phúc tâm, do trầm thẩm cẩn mật giả vi nhĩ mục, dũng hãn thiện địch giả vi trảo nha.
  • Dịch: Bậc tướng giỏi, ắt có người học rộng tài trí làm tâm phúc, có người trầm tĩnh thận trọng cẩn mật làm tai mắt, có người dũng mãnh thiện chiến làm móng vuốt.
  • Nghĩa: Dù là bậc tướng tài thì cũng không thể tự thân làm nên nghiệp lớn mà luôn cần có sự phò tá, trợ giúp của tập thể. Ví như Lưu Bị để có thể gây dựng nên cơ đồ là nhờ đến sự mưu lược của Gia Cát Lượng và những dũng tướng uy mãnh không màng hiểm nguy xông pha nơi sa trường.
  1. Nguyên văn: Cẩu toàn tính mạng ư loạn thế, bất cầu văn đạt ư chư hầu.
  • Dịch: Tạm cầu bảo toàn tính mạng thời loạn thế, không cầu hiển đạt nổi danh chư hầu.
  • Nghĩa: Trong lúc nguy nan trước hết hãy giữ sự sống còn, còn sống là còn cơ hội, đừng cầu hư danh, của cải chết đi thì cũng không hưởng được gì.  
  1. Nguyên văn: Quý nhi bất kiêu, thắng nghi bất bội, hiền nhi năng hạ, cương nhi năng nhẫn.
  • Dịch: Cao quý mà không kiêu ngạo, chiến thắng, lập công mà không tự mãn, hiền tài mà khiêm hạ giữ lễ với người dưới, chính trực mà bao dung nhẫn nại.
  • Nghĩa: Đây là tính cách cần có ở bậc quân tử, dù cho bản thân có là người giàu có, tài giỏi cũng không tự mãn, không kiêu căng, luôn bao dung, sống có đạo đức.
  1. Nguyên văn: Thế lợi chi giao, nan dĩ kinh viễn.
  • Dịch: Kết giao quyền thế, lợi ích, khó mà lâu bền.
  • Nghĩa: Phàm thì mối quan hệ nào vì lợi ích thì cũng mau chóng đổ vỡ, không có sự chân thành và hy sinh thì làm sau mà bền chặt.
nhung-cau-noi-hay-cua-khong-minh-gia-cat-luong-voh-4
  1. Nguyên văn: Hữu nan, tắc dĩ thân tiên chi, hữu công, tắc dĩ thân hậu chi.
  • Dịch: Khi khó khăn, hãy đi đầu, khi nhận bổng lộc, hãy lùi về phía sau.
  • Nghĩa: Bậc trượng phu là người không ngại hiểm nguy, thấy khó khăn luôn xong pha đi đầu không màng bản thân, không vì danh lợi. Niềm vui, bổng lộc cũng nhường cho người cần hơn. Người có được tính cách này luôn khiến người đời trọng dụng, kính nể.
  1. Nguyên văn: Vật dĩ thân quý nhi tiện nhân, vật dĩ độc kiến nhi vi chúng, vật thị công năng nhi thất tín.
  • Dịch: Đừng vì thân thể cao quý mà coi rẻ người khác. Đừng vì cách nhìn của một mình mình mà đi ngược lại với tất cả mọi người. Đừng vì bản thân mình có năng lực mà mất chữ tín.
  • Nghĩa: Sống ở đời đừng tự cho bản thân mình là thanh cao, cũng đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác mà bắt mọi người phải phục tùng mình, và cũng đừng vì có một chút tài cáng mà không giữ lời.
  1. Nguyên văn: Hôi hoằng chí sĩ chi khí, bất nghi vọng tự phỉ bạc.
  • Dịch: Khí khái bậc chí sĩ ôm hoài bão to lớn không nên xem nhẹ mình mà mất tự trọng.
  • Nghĩa: Làm bậc quân tử ôm chí lớn sống không kiêu ngạo nhưng cũng không được xem nhẹ mình mà thiếu tự tin, mất đi lòng tự trọng.    
  1. Nguyên văn: Viễn lự giả an, vô lự giả ngụy.
  • Dịch: Người nhìn xa trông rộng thì sẽ được bình an, người vô lo vô nghĩ sẽ gặp nguy hiểm.
  • Nghĩa: Sống ở đời việc gì cũng cần có sự chuẩn bị, có cái nhìn tổng thể sẽ tránh được nhiều chuyện chẳng lành, đừng sống quá vô tư đến khi có chuyện thì trở tay không kịp.
  1. Nguyên văn: Dục tư kỳ lợi, tất lự kỳ hại, dục tư kỳ thành, tất lự kỳ bại.
  • Dịch: Ham muốn quá nhiều về cái lợi thì sẽ lo lắng, sợ hãi về cái hại. Ham muốn quá nhiều về thành công thì sẽ sợ thất bại.
  • Nghĩa: Con người khi ham muốn càng nhiều, khát khao càng nhiều sẽ dễ mà thất vọng, mất niềm tin, chính vì vậy hãy cứ mơ ước và cố gắng nhưng cũng nên biết vị thế của mình là ở đâu mà có điểm dừng.
  1. Nguyên văn: Vạn sự cụ bị, chích khiếm đông phong.
  • Dịch: Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng đợi thời cơ để làm.
  • Nghĩa: Cũng giống như câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, việc lớn dù đã có sự chuẩn bị thấu đáo thì cũng nên đợi đúng lúc, đúng thời điểm thì mới có thể thành sự, chớ có nóng vội mà hư bột hư đường.
  1. Nguyên văn: Thân hiền thần, viễn tiểu nhân, thử tiên hán sở dĩ hưng long dã.
  • Dịch: Kết thân với hiền tài, tránh xa kẻ tiểu nhân. Nhờ thế mà nhà Hán phồn hưng.
  • Nghĩa: Có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ở cạnh người học rộng hiểu nhiều, hiền đức ta cũng học hỏi được nhiều điều, bên cạnh kẻ tiểu nhân sớm muộn cũng vạ lây, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
nhung-cau-noi-hay-cua-khong-minh-gia-cat-luong-voh-3
 

Xem thêm: Những câu nói về tâm đức khiến ta phải suy ngẫm - Hơn thua, danh lợi để được gì?

Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng về việc rèn giũa bản thân

  1. Nguyên văn: Hỷ bất ưng hỷ vô hỷ chi sự, nộ bất ưng nộ vô nộ chi vật.
  • Dịch: Vui cũng không nên vui với việc không đáng vui, giận cũng không nên giận với cái không đáng giận.
  • Nghĩa: Đối với bậc trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất thì trước những xúc cảm vui buồn cũng nên vui đúng cái vui, giận đúng cái giận, không thể tùy ý mà biểu hiện ra bên ngoài.
  1. Nguyên văn: Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.
  • Dịch: Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
  • Nghĩa: Những người sống trong nghèo khó thường có sức chịu đựng phi thường, cuộc sống đạm bạc giúp họ luôn muốn vươn lên phía trước. Còn cuộc sống sa hoa chỉ khiến người ta muốn hưởng thụ, mà quên đi cố gắng, không còn ý chí phấn đấu. Vì sao người xưa thường hay chọn nơi rừng sâu, núi hiểm, sống ẩn cư để tu hành, có phải là để không bị ảnh hưởng bởi những xô bồ cuộc sống, giúp tâm thanh tịnh để nhận ra nhiều điều, mới có thể tập trung hết tinh thần mà dùi mài kinh sử. Đồng thời, tịnh tâm ở đây còn có thể hiểu là không màng danh lợi, không mưu mô quỷ kế với người.  
  1. Nguyên văn: Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính.
  • Dịch: Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính.
  • Nghĩa: Ai cũng có những điểm mạnh riêng nhưng vì “lười nhác” mà chẳng chịu phát huy, rèn dũa nó thì sao có thể thành tài. Còn những người nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc thường sẽ có lối hành xử không tốt và thường đưa ra những quyết định sai lầm.
  1. Nguyên văn: Hữu văn sự tất hữu võ bị.
  • Dịch: Có việc văn ắt phải có phòng bị việc võ.
  • Nghĩa: Cuộc sống cần có sự chuẩn bị để lỡ như khi chuyện không như ý ập đến thì chúng ta cũng không bỡ ngỡ mà xoay sở kịp thời. Vào thời chiến, dù là việc ngoại giao (việc văn) thì hẳn là giữa các nước cũng có ẩn chứa mâu thuẫn, do đó luôn có sự phòng bị về quân sự (việc võ).
  1. Nguyên văn: Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị.
  • Dịch: Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ.
  • Nghĩa: Việc gì thì cũng nên làm từ những cái nhỏ, góp nhặt mà thành cái lớn. Mới bắt đầu mà muốn làm cái lớn ắt sẽ gặp nhiều khó khăn, việc cũng khó mà thành.
nhung-cau-noi-hay-cua-khong-minh-gia-cat-luong-voh-2
 
  1. Nguyên văn: Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.
  • Dịch: Phàm việc học, cần phải tĩnh, để thành tài, cần phải học, không học thì không lấy gì phát triển tài năng, không quyết chí thì không cách gì thành tựu việc học.
  • Nghĩa: Để thành tài là cả một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai. Kiến thức, sự uyên bác đều cần có thời gian mà rèn giũa mà tích luỹ. Và để trí óc được thông suốt cần chọn nơi yên tĩnh mà học hành như thế mới dễ tập trung mới có thể tiếp thu.  
  1. Nguyên văn: Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi.
  • Dịch: Trẻ khỏe không gắng sức, già cả chỉ đau thương.
  • Nghĩa: Lúc còn trẻ, còn sức khoẻ, còn có thể lao động thì cần cố gắng mà tích cóp cho tuổi già, đừng để đến khi không còn khả năng kiếm kế sinh nhai mà cũng không có của cải phòng thân sẽ vô cùng đau thương.
  1. Nguyên văn: Chí đương tồn cao viễn.
  • Dịch: Chí hướng nên cao xa.
  • Nghĩa: Sống ở đời muốn có thành công lớn thì phải mơ ước lớn. Có mơ ước lớn thì mới có động lực mà phấn đấu, mà cố gắng, nỗ lực.
  1. Nguyên văn: Phòng gian dĩ chính, khứ xa dĩ kiệm.
  • Dịch: Dùng sự chính trực, ngay thẳng để phòng kẻ gian.
  • Nghĩa: Dùng sự tiết kiệm để diệt trừ sự lãng phí. Sống ngay thẳng để không bị kẻ gian lợi dụng, lôi kéo. Tập tánh tiết kiệm để tránh những lãng phí không nên có.
nhung-cau-noi-hay-cua-khong-minh-gia-cat-luong-voh-1
 

Xem thêm: Những câu nói hay về thành công của người từng trải cho bạn bài học vô giá

Những câu nói hay của Khổng Minh Gia Cát Lượng về cách nhìn người trong thiên hạ

  1. Nguyên văn: Kỳ chi dĩ sự nhi quan kỳ tín.
  • Dịch: Giao công việc có kỳ hạn gấp rút cho một người để đánh giá chữ tín của họ.
  • Nghĩa: Người có chữ tín sẽ dùng mọi cách, dùng hết khả năng của mình để hoàn thành công việc. Để biết được một người có coi trọng lời hứa của mình hay không, hay chỉ nói suông cho xong việc, hứa nhưng không làm thì hãy giao việc cho họ trong thời gian gấp rút để xem họ sẽ dùng hết sức mà hoàn thành hay lươn lẹo lấp liếm đổ thừa.
  1. Nguyên văn: Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kỳ chí.
  • Dịch: Hỏi một người về những chuyện thị phi, đúng sai, phải trái để biết được chí hướng của họ.
  • Nghĩa: Nhận định của một người về sự việc nào đó sẽ giúp bạn biết được ý chí, tầm nhìn và tấm lòng của người đó. Người mưu trí, có đạo đức sẽ cho bạn đáp án đúng sai rõ ràng, không màng thị phi, tranh đua ở đời.
  1. Nguyên văn: Cùng chi dĩ từ biện nhi quan kỳ biến.
  • Dịch: Dùng lý lẽ, những câu hỏi vặn vẹo truy hỏi tới cùng để biết khả năng tùy biến của một người.
  • Nghĩa: Để biết được khả năng ứng biến của một người khi rơi vào đường cùng hãy đưa người đó vào những tình huống khó xử, đơn giản nhất là dùng những câu hỏi khó dồn dập mà thử họ.
  1. Nguyên văn: Tư chi dĩ kế mưu nhi quan kỳ thức.
  • Dịch: Sử dụng mưu kế để đánh giá kiến thức của đối phương.
  • Nghĩa: Một người có tài, hiểu biết và có khả năng phán đoán sẽ nhanh chóng vạch trần được mưu kế và thoát thân, hãy dùng mưu kế để thử người tài.
  1. Nguyên văn: Cáo chi dĩ họa nan nhi quan kỳ dũng.
  • Dịch: Đặt một người vào tình huống nguy hiểm, khó khăn, gian nan để đánh giá sự dũng cảm của họ.
  • Nghĩa: Chỉ khi rơi vào hiểm cảnh chúng ta mới có thể biết được sự can trường, mạnh mẽ của một người là như thế nào. Giữa thời bình thật khó mà đánh giá được ai sẽ là người không màn hiểm nguy nhảy vào lửa.
  1. Nguyên văn: Túy chi tửu nhi quan kỳ tính.
  • Dịch: Dùng rượu để đánh giá được tính cách của một người.
  • Nghĩa: Bản chất con người sẽ bộc lộ rõ ràng hơn khi say. Một người vẫn giữ được vẻ điềm đạm, chừng mực khi say là người có khí chất, đáng tin cậy. Còn người khi có rượu vào lời ra, làm chuyện xằng bậy thì là kẻ không nên thân thiết coi chừng mang họa vào thân.  
  1. Nguyên văn: Lâm chi dĩ lợi nhi quan kỳ liêm.
  • Dịch: Sử dụng bổng lộc, tiền tài, công danh để đánh giá sự liêm khiết của một người.
  • Nghĩa: Một người thanh liêm, trong sạch sẽ không vì tiền tài, danh lợi mà bán đứng người khác, dùng quyền hành mà đổi trắng thay đen. Người làm quan cao, chức lớn, giữ trọng trách quan trọng rất cần có đức tình này, và để thử được sự thanh liêm thì phải dùng đúng cái mà họ muốn để thử, ở đây chính là bổng lộc, tiền tài, công danh.
nhung-cau-noi-hay-cua-khong-minh-gia-cat-luong-voh
 

Gia Cát Lượng là vị quân sư tài ba đã góp phần không nhỏ lập nên nhà Thục Hán. Ông chẳng những am tường trận địa, là người phát minh ra nhiều thế trận hiểm mà còn tương thông phong thuỷ, bát quái, phán đoán được thời tiết, hướng gió. Hiểu hơn về những câu nói của Gia Cát Lượng sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích trong cuộc sống!

Nguồn ảnh: Internet