Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu ‘quân pháp bất vị thân’ nói về điều gì?

(VOH) - Trong số những câu nói của các bậc tiền nhân xưa, có câu nói ‘Quân pháp bất vị thân’, như một lời khẳng định về sự công bằng trong luật pháp, xã hội.

“Quân pháp bất vị thân” là một trong những câu thành ngữ được được các bậc tiền nhân tạo ra với ý nghĩa, pháp luật của vua không thiên vị bất kỳ ai đồng thời thể hiện sự công bằng trong luật pháp cũng như cuộc sống.

1. “Quân pháp bất vị thân” là gì?

“Quân pháp bất vị thân” là một câu nói sử dụng các yếu tố Hán Việt và xuất hiện từ rất sớm. Do đó, để nắm rõ câu nói này mang ý nghĩa cụ thể thế nào, trước tiên ta cần hiểu khái niệm của các cụm từ “quân pháp” là gì, và “bất vị thân” là gì. 

  • Quân pháp là pháp luật, quy tắc của một quốc gia mà ai cũng phải tuân thủ
  • Bất là không
  • Vị thân là thân phận, vị thế, địa vị

quan-phap-vi-than-voh-00

“Quân pháp bất vị thân”

Như vậy, có thể hiểu theo một nghĩa phổ quát nhất của câu “Quân pháp bất vị thân” đó là pháp luật của vua không thiên vị bất kỳ ai. 

Câu nói này bắt nguồn từ thuở xa xưa, khi mọi quyền hành hoàn toàn nằm trong tay nhà vua. “Quân pháp bất vị thân” như là lời khẳng định sự công bằng trong việc xử lý kẻ phạm tội với tất cả mọi người là như nhau, không thiên vị bất kỳ người nào, kể cả là con vua nếu phạm pháp thì cũng xử như thường dân.

Câu “Quân pháp bất vị thân” như một lời răn dạy của các bậc tiền nhân về những người đứng mũi chịu sào, đứng cân công lý thì nhất định phải minh bạch, công tâm. Với những việc sai trái phải xử lý triệt để, kẻ phạm tội phải được trừng trị thích đáng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, văn minh.

Xem thêm: Ý nghĩa câu thành ngữ 'giàu đổi bạn sang đổi vợ', những câu nói hay về tình vợ chồng

quan-phap-vi-than-voh-01

Mỗi người trong chúng ta cần có thái độ nghiêm túc và tích cực chấp hành luật pháp.

2. “Quân pháp bất vị thân” thể hiện đức tính gì?

“Quân pháp bất vị thân” quả thật đã nêu lên một bài học sâu sắc với cuộc sống trong vấn đề thực thi pháp luật và quan trọng nhất là đề cao được sự công bằng, nghiêm minh trong hệ thống pháp luật và trong xã hội. Một quốc gia phải ưu tiên sự công bằng giữa người dân mới đạt được sự phát triển bền vững.

Trong xã hội phong kiến, đã có một câu nói tương đương như câu “Quân pháp bất vị thân” đó là “Vương tử phạm pháp xử như thường dân”. Đây là một câu nói cho thấy không có một cá nhân nào trong xã hội có thể nằm ngoài sự quản lý của pháp luật.

Xét ở giai đoạn hiện tại thì câu nói đó lại càng đúng, bởi vì mỗi quốc gia điều có luật pháp, cho dù là con cháu của những người có chức có quyền nếu như coi thường pháp luật mà thực hiện những hành vi sai trái thì cũng đều được xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, không có ngoại lệ.

3. Luật pháp bất vị thân là gì?

"Luật pháp bất vị thân" là cách gọi khác của “Quân pháp bất vị thân”, được xem là một trong những nguyên lý cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền. Nguyên lý này được quán triệt chặt chẽ, rõ ràng trong thực thi pháp luật nhằm mang lại công bằng cho mọi người.

Hệ thống luật pháp được thiết lập để đảm bảo kỷ cương trong một quốc gia. Nghiêm trị người phạm tội để giúp xã hội ngày một phát triển và loại bỏ những nhân tố xấu, độc hại. Pháp luật luôn được thực thi nghiêm chỉnh, nhất là đối với những cơ quan quản lý nhà nước cấp cao nhất thì điều đó càng được coi trọng.

Vì vậy, việc thực hiện tốt pháp luật là điều vô cùng cần thiết, nên nhớ rằng pháp luật chỉ có đúng sai chứ không có phân biệt thân phận, chức vụ. Việc nghiêm minh xử phạt người vi phạm pháp luật chính là cơ sở tạo nên một xã hội phát triển bền vững.  

Xem thêm: ‘Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ’: Bí quyết cứu nguy khi lạc đường hay cần biết sự thật!

quan-phap-vi-than-voh-02

Pháp luật chỉ có đúng sai chứ không có phân biệt thân phận, chức vụ.

4. “Quân pháp bất vị thân” tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, những câu dưới đây có nghĩa tương tự như câu “quân pháp bất vị thân” mà chúng ta có thể áp dụng vào những ngữ cảnh phù hợp:

  • Orders are orders: Lệnh là lệnh và anh phải thực hiện mặc cho anh có thích nó hay không.
  • The law is the law: Luật là luật và anh phải tuân theo mặc cho luật đó có sai hay ngớ ngẩn thế nào.
  • Rules are Rules: Luật lệ là luật lệ và anh phải tuân theo luật lệ.

Ví dụ: I'm sorry but the law's the law (Trong ngữ cảnh phù hợp có thể dịch là: Tôi rất lấy làm tiếc nhưng quân pháp bất vị thân).

5. Những câu nói tương tự với "quân pháp bất vị thân"

Bên cạnh “quân pháp bất vị thân”, từ xa xưa, cha ông ta cũng đã để lại nhiều câu thành ngữ, tục ngữ hay liên quan đến đức tính công bằng, kỷ luật trong xã hội như: 

  1. Chí công vô tư
  2. Vua phạm tội cũng giống thứ dân
  3. Nghĩa bất dung tình
  4. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy
  5. Công ai nấy nhớ, tội ai nấy chịu
  6. Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước
  7. Rõ ràng phải trái phân minh
  8. Đất có lề, quê có thói
  9. Bênh lý, không bênh thân
  10. Cầm cân nảy mực

Xem thêm: 'Chiếc áo không làm nên thầy tu' – câu thành ngữ chứa đựng hàm ý sâu sắc không phải ai cũng rõ

quan-phap-vi-than-voh-03

“Quân pháp bất vị thân” là một câu nói ngắn gọn, xúc tích, thể hiện rõ một quan điểm về sự công bằng nghiêm chỉnh trong xã hội.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm rõ ý nghĩa của câu “quân pháp bất vị thân”, cũng như mang đến một bài học sâu sắc với cuộc sống trong vấn đề thực thi pháp luật. 

Nguồn ảnh: Internet