Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Tôn sư trọng đạo’ nói đến đạo lý làm người nào?

(VOH) - “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp, được đề cao từ ngàn đời của người Việt Nam xưa và nay. Cùng tìm hiểu ý nghĩa của câu nói đó qua bài viết này nhé!

Muốn thành công, thành tài chắc chắn phải trải qua con đường học hành, ôn luyện. Thầy cô là người có công lao vô cùng lớn trong việc rèn giũa mỗi người, bởi vậy, như một lẽ tự nhiên chúng ta cần phải biết “tôn sư trọng đạo”, giữ thái độ kính trọng các thầy cô của mình. 

1. Tôn sư trọng đạo là gì? 

ton-su-trong-dao-voh-0
Thế nào lè "tôn sư trọng đạo"

Đầu tiên, từ “tôn” trong “tôn sư” mang ý nghĩa là kính trọng, tôn trọng, tôn kính. “Sư” là chỉ người thầy, người đã có công dạy dỗ mỗi người. “Tôn sư” chính là một lời nhắc nhở mỗi chúng ta cần biết tôn trọng, cư xử đúng mực với thầy cô giáo của mình, dù có thể người thầy ấy chỉ dạy chúng ta 1 ngày. Biết kính trọng người dạy dỗ mình, cũng là một sự tôn trọng với chính bản thân ta. 

Vế thứ hai của câu nói “tôn sư trọng đạo” nhấn mạnh vào cụm từ “trọng đạo”. Từ “đạo” mang ý nghĩa là đạo đức, đạo lý. Từ “trọng” là nói đến việc mỗi chúng ta cần coi trọng “đạo” đức, hiểu rõ đạo lý trong cuộc sống cũng như phép cư xử, đối nhân xử thế. 

“Tôn sư trọng đạo” cũng như tôn trọng chính cha mẹ, tôn trọng chính chúng ta, bởi thầy cô là người cho ta con chữ, dạy dỗ, giúp ta nên người, ta cần có thái độ đúng mực, tôn trọng theo đúng đạo lý làm người. Đây là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy. Dù bạn sống trong nền văn hóa, chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ tôn giáo nào cũng cần biết “tôn sư trọng đạo”. 

Xem thêm: 'Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa': Câu tục ngữ hay chỉ về các hiện tượng tự nhiên

2. “Tôn sư trọng đạo” có ý nghĩa như thế nào?

ton-su-trong-dao-voh-1
Tôn sư trọng đạo là phẩm chất đạo đức quan trọng

Đạo lý “tôn sư trọng đạo” luôn là bài học đầu tiên được dạy khi đến trường. Bởi, thầy cô sẽ là người gắn bó với chúng ta, tạo ảnh hưởng đến ta trong những năm tháng quan trọng của cuộc đời. Đó là người cho ta con chữ, kiến thức, là người hi sinh bản thân thân đem đến cho ta những tri thức dẫn đến thành công.

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ là truyền thống mà còn là phạm trù đạo đức, phản ánh suy nghĩ, nhân cách của mỗi người. “Tôn sư trọng đạo” không chỉ là sự kính trọng, tôn kính và biết ơn đối với những người thầy, người có công dạy dỗ ta mà còn thể hiện sự ham học hỏi, say mê học tập. 

Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Họ là những người trực tiếp dạy dỗ, bồi dưỡng các nhân tài, các nguồn lực cho quốc gia. Thế nên, đạo đức, kiến thức và trình độ của mỗi người thầy bao giờ cũng có những quy tắc nhất định, để xứng đáng là người cho thế hệ trẻ noi theo. Tôn trọng thầy cô cũng là cách giúp chúng ta tiến bộ, giỏi giang lên từng ngày. 

Xem thêm: Cá không ăn muối là gì và liệu câu tục ngữ đó còn đúng trong cuộc sống hiện đại

3. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của thế hệ ngày nay

ton-su-trong-dao-voh-2
Tôn sư trọng đạo là truyền thống quan trọng

Trong xã hội ngày nay, thầy cô vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Người thầy chính là hình ảnh tượng trưng cho tri thức, cho đạo đức và cho định hướng tương lai của con trẻ. 

Thầy cô giáo được ví là “người lái đò” đưa tri thức đến với mỗi học trò, người gieo mầm bài học cuộc sống. Bởi vậy, dù cuộc sống có ngày càng trở nên hiện đại, các máy móc, robot được ra đời cũng không thể thay thế vị trí của những người thầy, người cô trong cuộc sống.

Chính bởi thế, truyền thống “tôn sư trọng đạo” dù trải qua bao năm tháng vẫn giữ nguyên giá trị toàn vẹn của nó, nhắc nhở mỗi chúng ta cần cư xử đúng đắn, kính trọng, tôn trọng các thầy cô giáo của mình. 

Tuy nhiên, những tác động bên ngoài của cuộc sống cũng như sự chi phối của đồng tiền cũng khiến nhiều bạn trẻ ngày nay không biết hành xử sao cho đúng đắn với thầy cô của mình, sống không có đạo đức và lễ nghĩa. Một bộ phận những người được gọi là “thầy” lại có thái độ coi thường giáo dục, thiếu hiểu biết, trù dập học sinh cũng khiến xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm.

Vì thế, trong xã hội mỗi người nên hiểu rõ được vai trò và vị trí của mình, đã là “thầy” thì phải giữ đúng đạo làm “thầy”, tôn trọng, yêu mến và hết lòng với học sinh. Đã là trò thì phải cư xử lễ phép, lễ độ, nghe theo lời của thầy cô.  

Xem thêm: Thành ngữ ‘Đứng mũi chịu sào’ và nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa

4. Một số câu nói nhắc nhở chúng ta cần “tôn sư trọng đạo”

Là một truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo đức và quan niệm sống đúng đắn, chính vì thế có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhắn nhủ chúng ta về bài học “tôn sư trọng đạo”. Biết tôn trọng người thầy của mình chúng ta mới có thể thành công.

  1. Ơn thầy soi lối mở đường
    Cho con vững bước dặm trường tương lai
  2. Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
    Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.
  3. Muốn sang thì bắc cầu Kiều
    Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.
  4. Mười năm rèn luyện sách đèn
    Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy.
  5. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
  6.  Con ơi ghi nhớ lời này
    Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
  7. Chữ thầy trong cõi người ta
    Dặm dài hoa nắng trời xa biển đầy.
    Thời gian dẫu bạc mái đầu
    Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy
  8. Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây
    Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu.
ton-su-trong-dao-voh-3
  1. Không thầy đố mày làm nên
  2. Trọng thầy mới được làm thầy
  3. Một gánh sách không bằng một giáo viên giỏi
  4. Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy
  5.  Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

“Tôn sư trọng đạo” không chỉ là lời nhắc nhở sâu sắc mà còn là bài học cho mỗi chúng ta về đạo lý làm người, về cách ứng xử, về cách sống sao cho hợp nghĩa tình, trọn vẹn và phù hợp với chuẩn mực đạo đức. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận