Báo động tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em

(VOH) - Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Tình trạng này không chỉ là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ là nạn nhân mà nó đã tạo thành một làn sóng phẫn nộ trong nhân dân và trở thành một vấn nạn xã hội đau lòng.

Tại hội thảo quốc gia về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: chỉ trong 2 năm 2008-2009, cả nước đã xảy ra gần 6 ngàn vụ bạo lực trẻ em. Còn ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ GD-ĐT thì cho biết, từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, trong đó có 7 vụ dẫn đến chết người. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, bình quân một năm có trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục, 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự. Đặc biệt, số vụ hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em tăng rất nhanh. Nhiều câu chuyện đau lòng về xâm hại tình dục trẻ em mặc nhiên đã thành lời cảnh báo kinh hoàng về sự suy đồi đạo đức ở không ít gia đình, khi đối tượng phạm tội phần lớn có quan hệ rất gần gũi với nạn nhân. Bố đẻ xâm hại tình dục con gái, bố dượng xâm hại tình dục con riêng, thậm chí mẹ đẻ đồng lõa để bố dượng thực hiện hành vi hiếp dâm con không còn là chuyện lạ. Song song đó, việc cha mẹ hành hạ con cái dã man, anh em chém giết nhau và hàng loạt vụ bạo lực trong gia đình rộ lên trong thời gian gần đây đã làm nhức nhối dư luận. Điển hình là vụ việc mẹ ruột bé Như Ý mới 9 tháng tuổi, bà Lan, đã cùng người tình của mình và ông bà ngoại hành hạ bé dã man để mong bé mau chết. Hay vụ việc ông Lê Trị (SN 1962 ở Hà Tĩnh) đã “dạy con” bằng một nhát xà beng vào sau gáy khiến con gục chết tại chỗ…

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhận thức của gia đình, cộng đồng chưa đầy đủ; chưa tạo dựng được môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; hệ thống bảo vệ và mạng lưới dịch vụ trẻ em nói riêng chưa phát triển. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ truởng Bộ LĐTBXH cho rằng: trong nhiều nguyên nhân và tác động dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em, có nguyên nhân quan trọng nằm ở quản lý nhà nước, thi hành pháp luật và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp. Một nguyên nhân quan trọng khác làm cho bạo lực gia đình gia tăng và phức tạp hơn là do cách hành xử bạo lực diễn ra giữa người lớn với nhau hằng ngày trong gia đình cùng với sự trừng phạt, dạy dỗ con trẻ bằng các hình thức thô bạo của các bậc phụ huynh. Dạy con hoặc trừng phạt con bằng bạo lực hoàn toàn không giúp trẻ vâng lời hơn mà chủ yếu làm trẻ chai sạn với các biện pháp kỷ luật. Việc đó còn làm con cái xa lánh, căm thù cha mẹ, thậm chí làm trẻ có thói quen sử dụng bạo lực và mang đến hệ lụy về sự rối nhiễu tâm lý con trẻ.

Để giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua, thiết nghĩ, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần xem vấn đề này như là một trong những yếu tô phát triển xã hội của địa phương. Hơn thế, chúng ta cần chú trọng xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ, trong đó phải củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ xã hội làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ; hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ có tính hệ thống và chuyên nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách pháp luật cụ thể về phòng ngừa tội phạm với trẻ, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong lĩnh vực này, thậm chí có thể nghiên cứu xây dựng luật. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em; nâng cao nhận thức về việc nuôi dạy con cái cho các bậc cha mẹ. Về phần mình, mỗi gia đình cần phải hạn chế tối đa những hành động thô bạo giữa nguời lớn với nhau, xem xét và cải cách lại cách giáo dục con cái truớc hết là cách giáo dục mang tính chất giáo điều như: cha mẹ nói dù có sai con cái cũng phải nghe, “yêu cho roi cho vọt”... Đồng thời, các bậc cha mẹ cũng phải nhanh chóng tìm cách khắc phục chủ nghĩa thực dụng đang ảnh hưởng đến các gia đình như: nuông chiều con cái quá mức hoặc phó mặc con cái...vân vân. Và mỗi người trong gia đình nên xem lại chính mình, đừng đổ lỗi cho nhau. Cần phải dành thời gian nhiều hơn để ở bên người thân của mình, hiểu và chia sẻ với nhau, nhất là khi xảy ra mâu thuẫn.

Hải Thanh