Bát nháo mùa lễ hội

(VOH) - Tự hào là một quốc gia có hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, cho thấy nước ta có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu truyền thống. Song, chỉ mới bắt đầu 1 thời gian ngắn, mùa lễ hội năm nay lại tái diễn cảnh chen lấn, bạo lực, thậm chí gây hỗn loạn, mất trật tự trị an. Người đi trước nhìn lại mà xót xa, bởi ý nghĩa nhân văn mà ông cha gửi gắm vào lễ hội từ thuở xa xưa, đến nay dường như đã bị lu mờ.

Nói như thế, bởi lễ hội vốn hình thành từ trong đời sống, trở thành tập quán lâu đời của một cộng đồng, việc duy trì những hoạt động truyền thống này góp phần bảo tồn lịch sử, tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn, tri ân những anh hùng dân tộc.

Các hoạt động, trò chơi trong lễ hội không đơn thuần là giải trí, mà mang ý nghĩa tôn vinh những người tài giỏi, có sức mạnh, chiến thắng của 1 cá nhân là niềm tự hào cho cả cộng đồng. Vì lẽ đó, những hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các cá nhân, thúc đẩy cộng đồng phát triển ngày càng vững mạnh.

Một thanh niên xăm hình rồng phượng chuẩn bị lao vào đám đông để cướp phết (ảnh: Nguyễn Khánh/TTO)

Thế nhưng ngày nay, tâm thế tham gia lễ hội dường như đã không còn như trước, hay nói cách khác là đã sai lệch khá nhiều. Người ta đến với lễ hội chỉ biết tranh giành, xô đẩy, cướp bóc lẫn nhau và dùng sức mạnh sẵn sàng gây thương tích cho người khác để giành phần lộc, phần chiến thắng về mình.

Cụ thể, lễ hội Phết Hiền Quan ở Phú Thọ mới đây lại tái diễn cảnh hàng trăm thanh niên mình trần, lưng xăm, lao vào cướp phết, ăn thua, giẫm đạp lẫn nhau.

Còn lễ khai ấn Đền Trần thì quả thật chẳng còn từ nào để miêu tả khi nhiều người thậm chí đạp cả lên đầu người khác, leo qua bờ rào, trèo lên bệ thờ để giành lộc. Tính nhân văn của nhiều lễ hội rõ ràng đã biến tướng, nhiều nơi chẳng khác nào sàn đấu cho những con người hung hăng, hiếu thắng và tham lam.

Điều đáng nói, trong số đó không ít những người ăn mặc lịch sự, đến chốn linh thiêng mà hành xử chẳng khác côn đồ. Sự xô bồ này chẳng những làm mất vẻ đẹp của các lễ hội, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nạn trộm cắp, chặt chém hoành hành.

Có thể nói không quá lời là giờ đây, người ta đã lợi dụng lễ hội để buôn thần bán thánh. Thật đáng lo ngại.

Nguyên nhân của thực trạng này, ngoài sự sai lệch trong ý thức và văn hóa cư xử của số đông những người tham gia lễ hội, còn là sự yếu kém trong quản lý của ngành văn hóa và chính quyền địa phương.

Cảnh hỗn loạn tại lễ khai ấn Đền Trần (ảnh: TTO)

Thông tư 15 do Bộ VHTT&DL ban hành có hiệu lực từ tháng 2 năm nay đã quy định rõ: không tổ chức các lễ hội có nội dung “mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập bạo lực”.

Sở văn hóa, thể thao Hà Nội mới đây cũng đã kịp thời ngăn chặn lễ hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ, 1 số địa phương khác cũng quyết liệt hạn chế việc đốt nhang và hàng mã của người hành hương trong lễ hội Rằm Tháng Giêng,...

Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn còn khiêm tốn so với bề nổi của lễ hội. Nhiều địa phương thậm chí cứ gắn cái mác “truyền thống”, khăng khăng giữ các nghi lễ đầy tính bạo lực mà quên mất chuẩn mực chân – thiện – mỹ của một xã hội văn minh. Hậu quả là những hình ảnh tiêu cực cứ nhan nhản, những cảnh xốn mắt vẫn cứ diễn ra mỗi độ mùa lễ hội về, gây hoang mang và lo ngại trong dư luận, làm xấu đi hình ảnh thân thiện, hòa hiếu của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng cần ngưng những lễ hội không còn phù hợp. Tuy nhiên, thiết nghĩ, với những tập tục truyền thống liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần của cộng đồng như thế này, không thể cứ cấm đoán là xong, mà việc cấp thiết phải làm là chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về nguồn gốc, ý nghĩa của các nghi thức thực hành lễ hội để cộng đồng nắm rõ và tự tiết chế hành vi cho phù hợp.

Với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, ngày nay lễ hội không còn bó hẹp ở phạm vi gia tộc, thôn xóm, làng xã hay tỉnh thành, mà đã trở thành bộ mặt của nền văn hóa quốc gia.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII mới đây đã xác định, phải xây dựng văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Đây là cơ sở để các ngành, các cấp và địa phương triển khai hệ thống hóa và làm trong sạch lễ hội. Việc quản lý những tập tục truyền thống là bài toán khó, nhưng không phải là nan giải.

Rõ ràng lễ hội là nét văn hóa đẹp và tinh hoa của dân tộc, rất cần được nâng niu và gìn giữ. Không thể để lễ hội bị lợi dụng và biến tướng dưới bất kỳ hình thức nào.