Đừng mất cảnh giác

(VOH) - Giá heo hơi trong nước đang tăng, người chăn nuôi vui mừng. Giá heo tăng là do thương lái Trung Quốc “đổ xô” săn lùng, để xuất tiểu ngạch sang nước họ. Mỗi ngày, trên tuyến biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh hiện có hàng trăm xe chở heo tập kết chờ xuất sang Trung Quốc.

Nghe bài viết:

Với mức lời từ 1,2-1,5 triệu đồng một con heo như hiện tại thì quá hấp dẫn đối với người chăn nuôi nên ai cũng muốn tăng đàn. Các trang trại, hộ chăn nuôi ở nhiều địa phương cấp tập mở rộng chuồng trại, tăng quy mô đàn heo. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, chưa bao giờ phong trào xây chuồng trại, mua bán heo giống và heo thịt lại sôi động đến thế, giá heo giống cũng “tăng vọt” từng ngày cùng giá heo hơi.

Thực tế trong những năm qua cho thấy, mỗi lần Trung Quốc thu gom mặt hàng nào đó thì luôn gây tác động mạnh đến thị trường nội địa. Đúng ra là tạo nên sự nhiễu loạn cùng với nhiều hệ lụy.

Còn nhớ những năm 2011-2012, thương lái Trung Quốc ồ ạt mua rắn hổ mèo. Cung không đủ cầu, giá liên tục tăng khiến nông dân miền Tây lao vào thả nuôi bất chấp hậu quả. Không lâu sau đó, thương lái ngừng mua, nông dân khóc ròng vì rắn không bán được, nợ nần chồng chất.

Năm 2015, thương lái Trung Quốc sốt sắng săn lùng rồi đột ngột ngưng mua dưa hấu Quảng Ngãi, chuối Vĩnh Phúc, vải thiều Bắc giang... Nông dân lại “đứng ngồi không yên”.

Rồi những bài học từ việc thương lái Trung Quốc thu gom cua gạch, tôm cá và không ít những nguyên liệu khó hiểu như ốc bươu vàng, đỉa, lá mãng cầu, lá khoai lang, lá điều khô, cam non, cau non, râu bắp, hoa thanh long, dứa xanh, rễ cây tiêu, móng trâu,… dường như vẫn chưa đủ để cảnh báo cho nông  dân.

Trên thực tế, cũng có không ít thương lái trong nước hám lợi trước mắt đã tham gia tiếp tay thu gom, rồi sau đó không ít người điêu đứng vì  “đối tác” Trung Quốc “bỏ hàng chạy lấy người” và hậu quả nhãn tiền là người nông dân nghèo khó dở khóc dở cười bởi món nợ ngân hàng bất đắc dĩ.

Giá heo tăng cao nhất trong vòng 19 tháng qua làm hoạt động buôn bán, vận chuyển heo xuất sang Trung Quốc trở nên sôi động hơn bao giờ hết - Ảnh: Hoài Linh/ TTO.

Kịch bản thu mua heo lần này cũng na ná như vậy. Nông dân hồ hởi vay nợ để mở rộng chuồng trại, tăng đàn dẫn đến cung vượt cầu ở thị trường trong nước, giá thức ăn chăn nuôi và một số dịch vụ khác sẽ tăng… Một khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua thì người chăn nuôi lại “ngậm ngùi” ôm trái đắng. Viễn cảnh này đang hiện hữu sờ sờ. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã cảnh báo trên báo chí rằng: Nếu thương lái phía Trung Quốc không mua nữa, heo chở đến biên giới mà không bán được dễ xảy ra tình trạng heo chết, phải tiêu hủy và hậu quả nặng hơn nhiều. Heo dội chợ khó xử lý hơn dưa hấu vì tiêu hủy heo tốn kém. Trong bốn tháng đầu năm 2016, lượng heo giống vào chuồng đã tăng 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn heo hiện tại của VN đã lên tới 28 triệu con. So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng heo trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con. Ba tháng nữa là đến mùa mưa ở Trung Quốc, giao thương và vận chuyển khó khăn, việc bán heo sang Trung Quốc sẽ khó hơn.

Tuy nhiên, không cần phải đợi đến khi cung vượt cầu, ngay cả khi Trung Quốc đang cần hàng, việc buôn bán với thị trường này cũng đầy rủi ro. Bởi hiện tại các thương lái Trung Quốc mua heo từ VN vẫn chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, trên nguyên tắc hàng-tiền trao tay, không có sự ràng buộc pháp lý. Vậy nên, khi nào cơ quan chức năng Trung Quốc cấm biên là giao dịch bị ngưng trệ và ách tắc. Ngoài ra, thương lái Trung Quốc còn lắm chiêu trò khác để ép giá. Bài học về mủ cao su, cà phê và nhiều mặt hàng khác đã có thừa....

Theo các chuyên gia kinh tế, công bằng mà nói, hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch ít nhiều giúp tiêu thụ nông sản cho Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, do chính sách quản lý thương mại mậu biên mưa nắng khó lường và mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch thì hàng hóa nông sản Việt Nam lại ứ đọng, không xuất được.

Heo ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai được lùa lên xe đưa qua Trung Quốc tiêu thụ - Ảnh: A Lộc/ TTO.

 

Nông dân cả 3 miền thời gian qua đã nhận quá nhiều trái đắng từ thương lái Trung Quốc khi nông sản rớt giá, chất đống ngoài đồng, “bán rẻ như cho”, phải lấy làm thức ăn cho gia súc hoặc đổ bỏ… Nguyên nhân thì ai cũng đã biết rồi, rất cũ, song cái chính là do người dân vẫn cứ ham cái lợi trước mắt, không bình tĩnh suy tính thiệt hơn.

Sản xuất hàng hóa thì thị trường mang tính quyết định. Không có thị trường thì không thể có sản xuất hàng hóa mang tính bền vững. Do vậy, cứ sản xuất theo phong trào, nhắm mắt chạy theo nguồn lợi trước mắt thì hậu quả rất khó lường. Đừng để tiếp tục xảy ra thảm cảnh nông sản, vật nuôi không có nơi tiêu thụ, hàng hóa ùn ứ, nông dân kêu trời. Đã từng có việc đó đây tổ chức “giải cứu” và giúp bao tiêu sản phẩm dội chợ cho nông dân, nhưng nên nhớ, đó chỉ là giải pháp tình thế, là điều không bình thường của nền kinh tế thị trường. Giá cả do cung cầu quyết định. Đừng mất cảnh giác mà “tiền mất tật mang”. Vậy nên, trước hiện tượng heo tăng giá do thương lái Trung Quốc thu gom rất cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo để không vì  lợi nhuận trước mắt mà lại gánh hậu quả nặng nề, là điều hết sức cần thiết với nông dân, người chăn nuôi và thương nhân trong cả nước.