Giữ tâm niệm “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

(VOH) - Hôm nay, cả nước tưng bừng kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tính từ cột mốc báo Thanh Niên - cơ quan của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội xuất bản số đầu tiên, hoạt động trong tình hình đất nước còn chìm trong ách thống trị của thực dân phong kiến.

Từ cột mốc này, nền báo chí cách mạng nước nhà đã mở ra trang sử truyền thống vẻ vang, giương cao ngọn cờ cách mạng để đồng hành cùng những bước chuyển mình lịch sử của đất nước hơn 90 năm qua.

Hiện nay, cả nước có hơn 850 cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương với đủ các loại hình báo chí đa dạng và phong phú, cùng hơn 18 ngàn nhà báo chuyên nghiệp, hàng ngàn phóng viên, rồi đông đảo người dân tham gia làm báo, cộng tác… Đó là những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đời sống sôi động của nền báo chí nước nhà.

Báo chí trở thành công cụ đắc lực, là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, đưa các chủ trương, quan điểm và đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước tới nhân dân. Công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, rồi những nhân tố điển hình được báo chí chuyển tải liên tục, qua đó góp phần tăng cường và củng cố niềm tin cho nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Báo chí là vũ khí sắc bén tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền; là vũ khí đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, chống âm mưu ''diễn biến hòa bình'' của các thế lực thù địch; là nhịp cầu thân thương, gần gũi để kiều bào ta hướng về quê hương; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, là cầu nối giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, từ đó mở rộng tầm nhìn, giao lưu và hội nhập quốc tế.

Thông qua báo chí, các vấn đề của đời sống xã hội, tâm tư và nguyện vọng của người dân đã được phản ánh nhanh chóng, kịp thời. Đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống được dư luận quan tâm, báo chí đã tạo diễn đàn phản biện để người dân góp ý và bàn bạc một cách công khai, dân chủ, từ đó chỉ ra cái không được, cái còn thiếu, chứ không phải phủ nhận sạch trơn mọi giá trị, mọi thành tựu. Phản biện chuẩn xác là cách hiệu quả để rút ngắn khoảng cách từ nghị quyết, chủ trương, chính sách đến cuộc sống…

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít hạn chế. Đã có nhiều trường hợp cơ quan báo chí bị khiển trách, kỷ luật do khinh suất, chủ quan, dẫn đến vi phạm pháp luật… Rồi không ít những nhà báo chưa đủ bản lĩnh, thiếu rèn luyện, dẫn đến thông tin sai lệch gây hiệu ứng xấu, thậm chí bẻ cong ngòi bút…

Giữ vai trò quan trọng là cầu nối giữa Đảng nhà nước và nhân dân, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí, những người làm báo cần tự răn mình và không ngừng rèn luyện để hoàn thành trọng trách được giao. Trong thời đại thông tin, công nghệ bùng nổ, với người làm báo, đó vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức. Áp lực chạy đua thông tin càng nặng nề, thì người làm báo càng phải bản lĩnh, tỉnh táo. Từ đó mới có thể đưa ra những sản phẩm báo chí nhanh chóng, kịp thời nhưng chính xác và trách nhiệm.

Mỗi nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện tay nghề, luôn giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trước mọi vấn đề đời sống xã hội. Đặc biệt là rèn luyện đạo đức nghề báo, giữ sự trung thực để luôn vững vàng trước những cám dỗ. Cùng với đó là tinh thần dấn thân, lăn xả. Nghề báo vất vả, có cả hiểm nguy, nhưng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là sự vinh quang và tự hào không dễ có được.

Dịp 21/6 hàng năm là dịp tôn vinh nghề báo, nhưng đồng thời cũng là dịp mà mỗi người làm báo cần nhắc nhớ chính mình giữ vững tâm niệm “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, để luôn thật sự là người chiến sĩ bản lĩnh trên mặt trận thông tin.