Năm học mới, nỗ lực mới

(VOH)- Hôm nay, hơn 20 triệu học sinh cả nước ở các cấp học hân hoan chào đón tiếng trống khai trường, chính thức bước vào năm học mới 2016-2017. Trong một xã hội học tập, vì một xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách và lâu nay, ngày khai giảng như là ngày hội của toàn dân. Học sinh phấn khởi đến trường, mang theo bao nhiêu là niềm tin, bao nhiêu kỳ vọng của bản thân, gia đình và xã hội.

Trong đường đời, ngày khai trường là dấu mốc khởi đầu quan trọng của con người. Ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với từng học sinh mà với cả cộng đồng và cả dân tộc. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường hồi tháng 9 - 1945, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.  Trong thư của Bác, ngày khai trường là ngày mở đầu năm học mới, ngày tràn đầy niềm vui, hy vọng, dự báo cho một tương lai tốt đẹp và cũng là thời khắc hết sức thiêng liêng.

71 năm qua, từ một nền giáo dục thực dân, nô lệ, căn bản là thất học, nền giáo dục cách mạng đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, mang đến cho mọi người, mọi nhà một sự thụ hưởng giáo dục bình đẳng. Cũng chính nền giáo dục cách mạng đã góp phần đưa dân tộc vươn mình, xã hội phát triển ổn định, kinh tế từng bước tăng trưởng vững chắc.

Ảnh: PhunuToday

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, từ ngày khai giảng đầu tiên của một nước độc lập 71 năm trước, nền giáo dục VN  đã đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ hiền tài, trí thức cách mạng, gồm hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư, hàng chục ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, hàng triệu kỹ sư và thợ lành nghề, trực tiếp giải quyết những yêu cầu và đòi hỏi của thực tế đặt ra. Từ những Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng đến Ngô Bảo Châu…bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam đã khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế.

Dù điều kiện còn khó khăn, song nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành phần ngân sách thỏa đáng cho giáo dục, xem giáo dục là quốc sách. Người người, nhà nhà đều chú trọng việc học tập của con em. Hiểu rõ sứ mệnh và trọng trách này, những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học có hiệu quả. Những yếu kém và hạn chế, bệnh thành tích và những bất cập làm trì trệ ngành giáo dục cũng được chỉ ra thẳng thắn. Đại đa số các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh. Gia đình, nhà trường và xã hội đã chung tay tạo những điều kiện, môi trường tốt nhất có thể, cho bao lớp học trò. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hăng say học tập, rèn luyện để xứng đáng là  tương lai của đất nước, là rường cột của nước nhà.

Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đầu tư học tập ngày càng tăng cao, ngành giáo dục cũng đối mặt với bao nhiêu là khó khăn, thách thức. Trường lớp, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục ngày càng được nâng cấp, khang trang, thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Vậy nhưng hiện nay từ những đô thị đang phát triển, đến những vùng sâu, vùng xa,  đó đây vẫn còn những ngôi trường rách nát, thiếu thốn đủ bề. Chương trình học còn nặng nề, bệnh thành tích vẫn đeo đẳng và vẫn còn những day dứt khôn nguôi nơi học đường. Câu chuyện dạy thêm, học thêm, đời sống người thầy  cũng như việc chăm lo chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên có lẽ vẫn cần phải được quan tâm  nhiều hơn, trong thời gian tới…

Nhưng từ trong khó khăn, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đều nỗ lực làm tốt trách nhiệm trồng người, đưa con chữ đến với bao thế hệ học sinh. Khai giảng năm học mới cũng là thời điểm gieo niềm tin và  kỳ vọng mới. Đó cũng là khởi đầu cho những nỗ lực, thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cùng hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tiềm năng của mỗi học sinh. Bệnh thành tích và những mặt trái của ngành cần phải từng bước xóa bỏ.

Còn nhớ , mỗi năm có hàng triệu học sinh nhận được các phần quà, suất học bổng quý giá và cả những bữa cơm có thịt, những bộ quần áo lành lặn từ các chương trình khuyến học, khuyến tài, giúp các em, đặc biệt là những học sinh nghèo, hiếu học có thêm động lực tiếp tục cắp sách đến trường, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Đó chính là sự chăm lo đáng trân trọng đối với nền giáo dục nước nhà.

Tin rằng, từ sự quan tâm của toàn xã hội, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy của bao lớp thầy cô giáo, ngành giáo dục sẽ nỗ lực hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng. Và chính các em học sinh cần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng, nỗ lực rèn luyện, học tập, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, tiếp bước cha anh xây dựng Tổ quốc. Như lời căn dặn và mong mỏi của Bác, trước vận hội mới rất cần thêm những nỗ lực mới, để thế hệ trẻ hôm nay - những chủ nhân tương lai sẽ góp phần đưa đất nước lên vị thế xứng đáng trong thời kỳ phát triển của nhân loại.