Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tội ác là đây

(VOH) – Những ngày qua, vụ án làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra ở Công ty Cổ phần VN Pharma được đưa ra xét xử nhận rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Điều đáng phẫn nộ là vì lợi nhuận, công ty đã nhập hơn 9.000 hộp thuốc chữa ung thư giả, bất chấp việc này mang đến những hệ lụy khó lường cho sức khỏe người bệnh bất hạnh. Buôn lậu hàng giả đã là tội lớn, buôn lậu thuốc giả là tước đi cơ hội được sống của biết bao người lại càng đáng lên án gấp bội lần! 

Tại TAND TPHCM, Công ty VN Pharma bị cáo buộc làm giả hồ sơ 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg dùng để chữa ung thư. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện “lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine kém chất lượng, là thuốc không rõ nguồn gốc, không được sử dụng làm thuốc chữa cho người bệnh”.  

 

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty Cổ phần VN Pharma (Ảnh: TTO)

Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma và Võ Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế H&C đều phủ nhận trách nhiệm, cho rằng những sai phạm do mình gây ra nằm ngoài ý thức chủ quan. Theo bị cáo Hùng: Đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp, không có chủ trương làm giả dối, mục đích nhập thuốc về là cung cấp nhu cầu bức thiết của các bệnh viện và phục vụ cho xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ án liên quan đến buôn lậu, nhập khẩu, sản xuất thuốc giả. Còn nhớ năm 2011, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử vụ án sản xuất, buôn bán thuốc tây giả với số lượng lớn do Huỳnh Ngọc Quang, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Pháp cầm đầu. Tổng cộng 15 bị cáo bị xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” đã nhận được những bản án thích đáng. Song, sự phập phồng, nỗi lo lắng của người dân về dược phẩm không biết đến khi nào mới có thể được lắng xuống.

Với vụ việc VN Pharma, các bị cáo đã lãnh án. Hội đồng xét xử cũng kiến nghị tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan như hành vi của một số cán bộ Cục Quản lý dược, hoa hồng… Như vậy, các cá nhân liên quan, sự thật, đúng sai sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục làm sáng tỏ.

Những ai sai phạm phải nhận hình phạt đích đáng nhằm răn đe và ngăn chặn hành vi tội phạm tương tự xảy ra. Bởi, cả về pháp lý lẫn đạo đức xã hội, hành vi cung cấp thuốc điều trị giả là không thể chấp nhận được, làm khủng hoảng niềm tin của bệnh nhân và gia đình, gây bất an cho xã hội. Đây là đồng tiền đi liền với tội ác. 

Với bất kỳ ai, ốm đau, bệnh tật đã là điều kém may mắn, không mong muốn. Bệnh ung thư thì càng là nỗi bất hạnh lớn. Trong nỗi đau, người bệnh tin vào sự tiến bộ của y học, tin vào phác đồ điều trị và những toa thuốc bác sĩ kê đơn.

Những viên thuốc chữa ung thư không chỉ đơn thuần có tác dụng điều trị, mà còn có sứ mệnh mang đến niềm tin, hy vọng cho bệnh nhân và người thân rằng: Bệnh tật rồi sẽ được đẩy lùi, sự sống được kéo dài, họ sẽ thắng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Khi đã mắc bệnh, gia đình và bệnh nhân chấp nhận tất cả, thậm chí bán cả gia tài cho việc điều trị.

Thế nhưng, nếu sử dụng phải thuốc giả, bệnh nhân chẳng khác nào bị đẩy đến nỗi đau tận cùng. Những viên thuốc chữa ung thư vô tri, tưởng như sứ giả của hy vọng, bỗng chốc trở thành thuốc độc, bào mòn sức khỏe vốn yếu ớt của bệnh nhân. Hơn thế, nó còn “dập tắt” cả niềm tin và hy vọng trong cuộc chiến “sinh tử” chống ung thư, nơi mà người bệnh vốn luôn ở thế yếu. Buôn lậu đã là mang tội trước pháp luật, buôn lậu thuốc giả chữa ung thư, kiếm tiền trên nỗi đau thể xác và tinh thần của người cận kề cái chết thì còn hơn cả tội ác! Ngoài bản án nghiêm khắc của pháp luật, đạo đức xã hội cũng không thể tha thứ cho hành vi bất nhẫn gây hậu quả nghiêm trọng này. 

Xung quanh vụ án VN Pharma, một vấn đề nhức nhối cần phải mổ xẻ, đó chính là khoản chi hoa hồng cho các bác sĩ để mở rộng con đường tuồn thuốc giả vào Việt Nam, bán cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Vì bị chi phối từ hoa hồng nên một số bác sĩ mạnh tay kê thuốc mắc tiền, thuốc chất lượng thấp... điều trị cho bệnh nhân. Chỉ tội người bệnh, tốn tiền nhiều, túi rỗng nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí nặng thêm. Liệu những đồng tiền nhuốm máu người kia có dừng lại ở con số 7,5 tỷ đồng như cáo trạng thể hiện không? Cán bộ Cục Quản lý dược đã nhận sai sót sau khi vụ án được khởi tố, nhưng liệu rằng có còn sự tiếp tay nào nữa? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, và lời đáp vẫn còn bỏ ngỏ. Tất cả phải được làm rõ, công khai, tạo niềm tin cho dân.

Trong vụ án VN Pharma, số thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nói trên đã vượt qua rất nhiều những chốt chặn nghiêm ngặt để tiếp cận người bệnh. Vụ việc dù đã bị chặn đứng nhưng thật sự vẫn không ngăn được sự bất an của người dân về dược phẩm, lĩnh vực phải nói còn rất nhiều khuất tất. Hàng rào kỹ thuật do cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thiết lập, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ sẽ giúp nhiều người thoát gánh nặng của bệnh tật, xây dựng hạnh phúc. Và ngược lại, có thể đẩy người bệnh đến bước đường cùng, thậm chí tận cùng bi kịch và để lại bao nhiêu hệ lụy cho xã hội.

Bình luận