Với những ai mới được làm mẹ lần đầu ắt hẳn sẽ rất lo sợ mỗi khi nhắc đến chuyện chuyển dạ vì quá trình này không chỉ làm mẹ mất nhiều sức lực mà lại còn vô cùng đau đớn.
1. Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là 1 quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra ngoài buồng tử cung thông qua đường âm đạo. Chuyển dạ đủ tháng là chuyển dạ xảy ra từ đầu tuần 38 đến cuối tuần 42.
Thông thường, với những phụ nữ lần đầu sinh con thường sẽ chuyển dạ trong khoảng 12 – 15 tiếng trước khi sinh. Nếu sinh con thứ 2 thì quá trình chuyển dạ sẽ rút ngắn lại còn khoảng 6 – 7 tiếng.
Khác với những cơn gò chuyển dạ sinh lý, thai phụ chuyển dạ sắp sinh sẽ có tần suất co thắt tử cung đều đặn hơn, khoảng 10 – 15 phút/lần. Các cơn đau ở vùng lưng dưới sẽ chuyển đến vùng bụng trước và không tự hết.
Các cơn đau tạo ra ra cường độ mạnh đến nỗi thai phụ không thể đi lại hay nói chuyện, cơn đau càng lúc càng dồn dập. Các cơn chuyển dạ được miêu tả là đau kinh khủng hơn gấp nhiều lần cơn đau bụng kinh nguyệt hoặc đau bụng tiêu chảy.
Ngoài cơn đau co thắt tử cung, mẹ bầu còn gặp phải các dấu hiệu sắp sinh khác như: bụng bầu tụt xuống, âm đạo tiết dịch hồng, vỡ ối...
1.1 Chuyển dạ giả và chuyển dạ thật cách nhau bao lâu?
Trong những tháng cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu có thể sẽ trải qua một vài cơn co giả, dễ bị nhầm lẫn với cơn đau chuyển dạ thực sự của quá trình sinh nở. Những cơn chuyển dạ giả thường không quá mạnh, những cơn đau thường ngắn, diễn ra rất nhanh và sẽ chấm dứt khi mẹ bầu đi lại hoặc nghỉ ngơi.
Một số mẹ bầu sẽ gặp cơn gò chuyển dạ giả trước khi xuất hiện cơn gò chuyển dạ thật sự (Nguồn: Internet)
Những cơn chuyển dạ giả thường gặp ở những mẹ bầu mang thai lần đầu và xuất hiện từ tháng 7 – 8 của thai kỳ. Càng đến gần ngày sinh, các cơn gò tử cung sẽ xuất hiện càng nhiều với cường độ mạnh hơn. Thực tế, không có một khoảng thời gian rõ ràng giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả vì nó phụ thuộc vào cơ địa của từng người.
1.2 Chuyển dạ thật sẽ kéo dài trong bao lâu?
Thật khó để xác định khi nào giai đoạn chuyển dạ bắt đầu, bởi thời lượng cho quá trình chuyển dạ thường phụ thuộc vào phần lớn độ mở cổ tử cung từ lúc bắt đầu lâm bồn và mức độ mạnh của các cơn co thắt.
Những thai phụ lần đầu sinh con, tử cung khó giãn ra nên giai đoạn chuyển dạ có thể kéo dài hơn so với những phụ phụ nữ sinh con lần 2. Trong trường hợp cổ tử cung giãn nở tốt thì thời gian chuyển dạ sẽ được rút ngắn lại.
2. 3 cách chuyển dạ nhanh theo khoa học
Để quá trình chuyển dạ được diễn ra nhanh hơn mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp như: ăn cay, ngủ nhiều và luyện tập với các bài tập vận động đôi chân cùng trái bóng.
2.1 Ăn cay
Các bác sĩ thường khuyến cáo, trong suốt 40 tuần mang thai mẹ bầu cần tránh ăn cay vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, gần đến ngày dự sinh, mẹ có thể ăn cay trở lại theo sở thích. Mẹ bầu chỉ cần ăn vừa với khả năng của mình là được. Đây là cách giúp chuyển dạ nhanh theo chia sẻ từ bác sĩ sản khoa Laurie Gregg – Bệnh viện Memorial Sutter, California.
2.2 Ngủ nhiều hơn
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ, những thai phụ ngủ ít hơn 6 giờ trong những tháng cuối thai kỳ sẽ mất khoảng 11 giờ cho việc chuyển dạ khi sinh thường, và ngủ từ 7 giờ trở lên sẽ tốt hơn cho cả mẹ và bé.
Mặc dù, vào những tháng cuối mẹ bầu sẽ thường bị những cơn đau lưng hành hạ, việc ngủ nghỉ sẽ khó khăn hơn, nhưng để cơn chuyển dạ diễn ra nhanh mẹ cần phân bổ thời gian ngủ và nghỉ ngơi hợp lý.
2.3 Luyện tập bài tập ngồi xổm
Bài tập ngồi xổm cũng là một trong những cách giúp chuyển dạ nhanh chóng, ít đau (Nguồn: Internet)
Các chuyên gia đến từ Úc đã nghiên cứu và đưa ra kết luận, ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần phải thực hành đi, đứng thẳng để trọng lực di chuyển thai nhi nằm dọc, việc này sẽ làm giảm thời gian chuyển dạ.
Việc thực hành bài tập ngồi xổm cũng là một trong những cách chuyển dạ nhanh chóng, bởi khi ngồi xổm sẽ tạo lực hấp dẫn có lợi cho việc thúc đẩy chuyển dạ nhanh hơn. Ngồi xổm cũng sẽ giúp mở rộng vùng xương chậu để em bé nhanh chào đời.
Ngoài ra, tập thể thao với bóng sinh (loại bóng to, chuyên dành cho thai phụ) sẽ giúp mẹ giảm áp lực đôi chân, bụng, đồng thời giúp mẹ bầu di chuyển được dễ dàng hơn mà không phải mất nhiều năng lượng.
3. Những cách chuyển dạ nhanh theo quan niệm dân gian
Ngoài 3 cách chuyển dạ nhanh đã được nghiên cứu thành công, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều cách giúp chuyển dạ nhanh mà mẹ có thể tham khảo thêm.
- Ăn chè mè đen nấu với bột sắn dây trong tháng cuối thai kỳ
- Ăn rau lang luộc trước ngày dự sinh khoảng 1 tuần
- Ăn rau húng quế vào khoảng 1 tuần trước ngày sinh
- Ăn cà tím vào những tuần cuối thai kỳ
- Uống nước dừa tươi đun nóng khi có dấu hiệu sắp sinh
- Thoa dầu dừa lên tầng sinh môn
- Đi bộ nhiều hơn khi bắt đầu chuyển dạ
Trên đây là những cách chuyển dạ nhanh theo khoa học và cả quan niệm dân gian, tuy nhiên nếu muốn đảm bảo an toàn thì ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và theo dõi.