Chờ...

30% trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ do di truyền từ cha mẹ

VOH - Khoảng 30% trẻ em gặp khó khăn khi ngủ hoặc khó ngủ - nguyên nhân có thể là do gen của chúng.

Theo một nghiên cứu kéo dài 15 năm được công bố gần đây trên Tạp chí Child Psychology and Psychiatry, một số biến thể di truyền nhất định có thể ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng giấc ngủ của trẻ.

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Giấc ngủ và Nhận thức tại Viện Khoa học thần kinh Hà Lan ở Amsterdam đã phân tích mô hình giấc ngủ của 2.458 trẻ em, theo báo cáo từ những người mẹ.

Những người “có khuynh hướng di truyền” mắc chứng mất ngủ có nhiều khả năng gặp vấn đề về giấc ngủ từ 1 tuổi rưỡi đến 15 tuổi. 

Những vấn đề đó bao gồm khó ngủ, ngủ ít hơn hầu hết trẻ em vào ban ngày và/hoặc ban đêm và thường xuyên thức dậy vào ban đêm.

ngủ
Các nhà thần kinh học khuyên, cha mẹ nên tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia về giấc ngủ thay vì dựa vào thuốc ngủ - Ảnh: iStockphoto

Tác giả Desana Kocevska, Tiến sĩ, thuộc Viện Khoa học thần kinh Hà Lan và Trung tâm Y tế Đại học Erasmus MC Rotterdam cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng tính nhạy cảm di truyền đối với giấc ngủ kém chuyển từ người lớn sang trẻ em. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết và phòng ngừa sớm”.

Các nghiên cứu khác cho thấy, mất ngủ là do di truyền trong khoảng 40% trường hợp, chất lượng giấc ngủ là 44% là do di truyền và thời gian ngủ là 46% là do di truyền, theo tóm tắt của các nhà nghiên cứu.

Các tác giả nghiên cứu viết: Một trong những hạn chế tiềm tàng chính của nghiên cứu là hành vi ngủ được báo cáo bởi các bà mẹ của trẻ và điều này có thể bị ảnh hưởng bởi “nhận thức và kỳ vọng của người mẹ”.

Họ lưu ý rằng, đối với các nghiên cứu trong tương lai, báo cáo từ những người cha hoặc những người chăm sóc khác có thể giúp loại bỏ một số thành kiến ​​tiềm ẩn.

Xem thêm: Những hành động tích cực giúp bạn có giấc ngủ ngon

Tiến sĩ Christopher Winter, bác sĩ y học về giấc ngủ và nhà thần kinh học ở Charlottesville, Virginia – người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Có nhiều yếu tố có thể khiến mọi người có chất lượng giấc ngủ kém. Gần như tất cả những yếu tố này đều là gen mà chúng ta thừa hưởng”.

Tiến sĩ Winters lưu ý, gen có thể xác định nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng giấc ngủ, bao gồm thời gian ngủ, kích thước và cấu trúc đường thở, khuynh hướng lo lắng và thậm chí cả thời lượng một người cần ngủ.

Ông đánh giá: “Tôi nghĩ rằng nghiên cứu trên cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về ý tưởng rằng, những người trẻ tuổi có thể dễ mắc chứng mất ngủ, ngay cả khi còn nhỏ”.

Mẹo cải thiện giấc ngủ cho trẻ

Mặc dù di truyền đóng một vai trò ảnh hưởng tới giấc ngủ nhưn ông Winter lưu ý rằng, nhiều yếu tố môi trường khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ, chẳng hạn như thiết bị điện tử/công nghệ, bài tập ở trường, hoạt động ngoại khóa, thuốc men, việc làm và các yếu tố xã hội.

Đối với những đứa trẻ có đủ cơ hội nghỉ ngơi nhưng chất lượng giấc ngủ vẫn kém, Winter khuyên nên tìm kiếm sự can thiệp sớm từ chuyên gia. Đây là chìa khóa không chỉ giải quyết vấn đề về giấc ngủ mà còn giúp cho vấn đề về giấc ngủ tương đối lành tính và cấp tính không dần chuyển thành một chứng rối loạn mãn tính và khó điều trị hơn.

Ông cũng nói: “Đối với hầu hết trẻ, thuốc ngủ và/hoặc thuốc an thần không phải là giải pháp thích hợp lâu dài.

Funke Afolabi-Brown, MD, bác sĩ y học về giấc ngủ nhi khoa có trụ sở tại Pennsylvania và là thành viên Ban cố vấn y tế BabyCenter, người không tham gia vào nghiên cứu, cũng đưa ra đề xuất của mình để cải thiện giấc ngủ của trẻ.

Cô khuyên, nên thiết lập thói quen đi ngủ nhất quán, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ, đảm bảo môi trường ngủ thoải mái, không có thiết bị và các phiền nhiễu khác, đồng thời hoạt động thể chất thường xuyên.

Chuyên gia cho biết thêm, điều quan trọng là phải duy trì lịch trình ngủ đều đặn, ngay cả vào cuối tuần, để điều chỉnh thói quen ngủ của trẻ.