9 nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng và cách xử lý

(VOH) – Hôi miệng gây nên những mùi khó chịu khi bé thở, trò chuyện, làm bé mất tự tin trong giao tiếp. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ bị hôi miệng và có cách nào xử lý?

Ở trẻ nhỏ, tình trạng hôi miệng không phải là hiếm gặp. Thế nhưng điều này lại khiến các bé cảm thấy thiếu tự tin và đem đến nhiều rắc rối cho bé trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng

Trẻ bị hôi miệng không phải là vấn đề nghiêm trọng, dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra chứng hôi miệng ở trẻ em:

1.1 Khô miệng

Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé bị hôi miệng. Nếu bé bị nghẹt mũi và phải thở bằng miệng thì sẽ khiến cho vi khuẩn trong miệng có cơ hội tăng trưởng, dẫn đến hôi miệng. Nước bọt giúp làm sạch và làm ẩm khoang miệng nhưng nếu không đủ nước bọt, các tế bào chết sẽ tích tụ dẫn đến hôi miệng.

Ngoài ra, những thói quen của bé như mút tay, ngậm đồ chơi... cũng khiến bé dễ bị khô miệng, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, khiến cho hơi thở có mùi.

1.2 Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém, đánh răng không đúng cách dẫn đến thức ăn còn bám lại tại các khe răng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Vi khuẩn bình sống trong miệng bé sẽ tương tác với những thức ăn đó và bắt đầu sinh ra mùi hôi khó chịu. Đồng thời còn làm hại đến men răng của bé.

1.3 Dị vật ở mũi

Nếu vô tình bé nhà bạn nhét những vật như hạt đậu, đồ chơi nhỏ... vào mũi. Điều này sẽ gây tổn thương niêm mạc mũi và bội nhiễm khiến hơi thở của bé có mùi hôi.

1.4 Bệnh nha khoa

9-nguyen-nhan-khien-tre-bi-hoi-mieng-va-cach-xu-ly-voh

Một số bệnh nha khoa có thể khiến bé bị hôi miệng (Nguồn: Internet)

Một số bệnh về lợi, áp xe răng, mảng bám tích tụ nhiều, sâu răng... hoặc trẻ bị viêm amidan, viêm xoang cũng có thể là nguyên nhân làm hơi thở bé có mùi.

1.5 Ăn thức ăn có mùi

Mẹ cho bé ăn thực phẩm có nhiều chất béo hay có nhiều tỏi, hành cũng có thể khiến trẻ bị hôi miệng.

1.6 Bệnh viêm nhiễm

Các căn bệnh như trào ngược axit dạ dày thực quản, thoát vị bẹn cũng dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị hôi miệng, tuy nhiên nếu là nguyên nhân này thì sẽ kèm theo những triệu chứng khác như nôn trớ sau khi ăn. Ngoài ra, bé bị viêm nướu hôi miệng cũng là một nguyên nhân rất thường gặp.

1.7 Thuốc

Uống thuốc đôi khi cũng có thể là nguyên nhân khiến hơi thở trẻ có mùi hôi, do quá trình phân hủy các hóa chất trong thuốc dẫn đến hôi miệng.

1.8 Sử dụng sản phẩm làm sạch răng có chứa thành phần độc hại

Một số loại kem đánh răng có chứa SLS (sodium lauryl sulfate) thường làm tổn thương các mô miệng và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, gây hôi miệng.

1.9 Giải phẫu cắt amidan vòm

Việc cắt bỏ amidan vòm thường là do amidan bị nhiễm trùng hoặc bị sưng, nhiễm trùng tai hoặc xoang. Sau phẫu thuật, hơi thở sẽ có mùi hôi nhưng thường sẽ biến mất trong vài tuần.

Bên cạnh đó, có rất nhiều trẻ em bị hôi miệng sau khi ngủ dậy. Nguyên nhân của vấn đề này là do khi ngủ, nước bọt không sản xuất đủ khiến cho vi khuẩn tích tụ, dẫn đến tình trạng hôi miệng vào buổi sáng.

2. Cách kiểm tra bé bị hôi miệng do đâu

Nguyên nhân khiến trẻ em bị hôi miệng có rất nhiều, nhưng 70% các trường hợp là do răng miệng. Bệnh ở răng miệng sinh mùi do vi khuẩn kỵ khí (bình thường cư trú nhiều trong miệng) phân hủy các axit béo tự do trong khoang miệng, ví dụ như thức ăn thừa, nước bọt, tế bào miệng... tạo thành các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (mùi hôi).

Để xác định nguồn gốc của mùi hôi, mẹ có thể cho trẻ bịt mũi, ngậm miệng và ngừng thở vài giây. Sau đó mở miệng và không thở, nếu mùi xuất hiện thì thủ phạm chính là do răng miệng. Còn nếu mùi hôi xuất hiện khi bịt miệng, thở ra qua lỗ mũi thì nguyên nhân là do đường hô hấp.

Lưu ý: Những bé trong độ tuổi đi mẫu giáo thường dễ bị hôi miệng do khi đến trường, bé tiếp xúc với những đứa trẻ khác và dễ bị lây nhiễm những vi khuẩn truyền qua đường hô hấp. Những vi khuẩn này có thể khiến bé bị sổ mũi, nghẹt mũi và đau họng.

3. Trẻ bị hôi miệng phải làm sao?

Tình trạng trẻ bị hôi miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ những em bé vài tháng tuổi đến những bé 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi... và những trẻ lớn hơn. Để ngăn ngừa tình trạng hơi thở có mùi thì việc chăm sóc sức khỏe răng miệng là việc làm cần phải được thực hiện sớm.

9-nguyen-nhan-khien-tre-bi-hoi-mieng-va-cach-xu-ly-1-voh

Chăm sóc răng miệng đúng cách sẽ giúp bé tránh được vấn đề hôi miệng (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số phương pháp mà các mẹ có thể thử áp dụng để trị hôi miệng cho bé:

  • Dạy trẻ đánh răng đúng cách để chống lại sự phát triển của vi khuẩn.
  • Cho bé uống nhiều nước để tăng cường sản xuất nước bọt.
  • Sử dụng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • Loại bỏ thức ăn thừa dính ở kẽ răng bằng chỉ nha khoa.
  • Thay bàn chải đánh răng 3 tháng 1 lần để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng.
  • Giảm bớt các gia vị như tỏi, hành, cari... trong chế biến món ăn cho trẻ.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, chưa thể dùng bàn chải đánh răng, mẹ có thể giúp bé vệ sinh răng miệng bằng cách: Dùng một miếng gòn, gạc sạch tẩm nước muối sinh lý hoặc nước sạch để rơ lưỡi, răng, nướu sau khi cho bé ăn hoặc cho bé bú.

4. Khi nào nên đưa trẻ đi khám nha sĩ?

Mẹ nên thường xuyên kiểm tra răng, lợi xem có răng sâu, răng mọc lệch để điều trị triệt để. Nếu bé bị hôi miệng, mẹ cũng có thể đưa bé đến nha sĩ để kiểm tra. Chăm sóc răng miệng và điều trị các bệnh viện nha khoa là biện pháp lý tưởng để chấm dứt vấn đề hôi miệng.

Nếu hôi miệng không phải do các vấn đề răng miệng gây ra thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây hôi miệng.

Chăm sóc răng miệng đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa chứng hôi miệng ở trẻ nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được lơ là trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé cưng của mình.