Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

(VOH) - Bàn chân bẹt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị sớm. Đây là hội chứng khá phổ biến ở trẻ em châu Á, cũng như các nước phương Tây.

1. Chân bẹt là gì?

Bàn chân bình thường sẽ có cấu tạo vòm nhằm giúp bàn chân giống như cái giảm xóc, khiến chúng ta đi lại nhẹ nhàng, đồng thời giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất.

Còn đối với bàn chân bẹt, lòng bàn chân sẽ phẳng, không có vòm cong tự nhiên, ở tư thế đứng, nó tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất.

Tình trạng chân bẹt thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, do các mô giữ và liên kết khớp bên trong bàn chân của trẻ (còn gọi là gân) chưa cứng cáp. Thông thường, khi trẻ được 2 – 3 tuổi, các mô này bắt đầu cứng lên và tạo thành vòm cho bàn chân.

ban-chan-bet-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Trẻ em dưới 2 tuổi đều có bàn chân bẹt (Nguồn: Internet)

Đa số mọi người đều sẽ có vòm bàn chân bình thường khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bàn chân không thể tự hình thành vòm cong tự nhiên. Ngoài ra, bàn chân bẹt cũng có thể xảy ra ở những người vốn đã có vòm cong (người lớn). Bàn chân bẹt ở người lớn thường do vấn đề về tuổi tác, chấn thương, cân nặng hoặc bệnh tật ảnh hưởng đến gân bàn chân.

2. Bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

Nếu trẻ bị bàn chân bẹt mà không gặp vấn đề gì về sức khỏe hay đi đứng, chạy nhảy thì việc điều trị là không cần thiết. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị bàn chân bẹt và gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Đau ở bàn chân, mắt cá chân, lưng và hông.
  • Bàn chân xoay vào trong quá nhiều, điều này khiến trẻ dễ tổn thương tâm lý.
  • Trẻ có vấn đề với cơ, gân, dây chằng và xương của bàn chân.

Tuy nhiên, những trường hợp gây ra các triệu chứng này vẫn có thể điều chỉnh được nếu điều trị sớm và đúng cách.

ban-chan-bet-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Người lớn cũng có khả năng bị bàn chân bẹt do nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Trường hợp bàn chân bẹt ở người lớn, có thể gây ra triệu chứng đau, sưng bàn chân và mắt cá, đau nhiều khi hoạt động, chơi thể thao lâu, đi lại khó khăn và mất cân bằng.

Ngoài ra, chứng bàn chân bẹt còn làm các xương ở cẳng chân xoay khi di chuyển, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch theo, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng và cổ. Nếu không được điều trị kịp thời, tật có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái (ngón cái bị đẩy về phía ngón sát bên), gai gót chân, viêm cân gan chân...

Chính vì vậy, người lớn bị bàn chân bẹt nên đi khám và điều trị đúng cách.

3. Điều trị bàn chân bẹt bằng cách nào?

Nếu thấy các bé từ 2 tuổi trở lên mà đi đứng, chạy nhảy thường áp cạnh trong của bàn chân xuống đất thì cha mẹ nên đưa đi khám và điều trị. Việc chữa bàn chân bẹt tốt nhất ở trẻ có độ tuổi từ 2 – 7 tuổi.

Nếu phát hiện sớm, phương pháp trị liệu không mổ với đế giày chỉnh hình y khoa sẽ là giải pháp đơn giản và hiệu quả để chỉnh hình tật bàn chân bẹt của trẻ. Đó là một miếng lót giày được thiết kế đặc biệt, đo trên ni chân của từng người, giúp tạo vòm và nâng đỡ bàn chân, hỗ trợ để xương khớp trở về đúng trục, từ đó có thể giảm thiểu hàng loạt rắc rối có thể xảy ra.

Từ sau 12 tuổi, việc tạo vòm mang lại hiệu quả thấp hơn và thời gian chỉnh hình cũng kéo dài hơn. Do đó, cha mẹ nên phát hiện và đưa trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với người lớn, đế chỉnh hình có tác dụng ngăn ngừa đau khớp, thoái hóa khớp,…nhưng không thể tạo vòm được và người bệnh phải mang đế suốt đời.

ban-chan-bet-co-nguy-hiem-khong-voh-3

Đế chỉnh hình bàn chân bẹt (Nguồn: Internet)

4. Hướng dẫn kiểm tra bàn chân bẹt cho trẻ

Thông thường, trẻ dưới 2 tuổi đều có bàn chân bẹt. Từ 3 tuổi trở lên, các vòm bàn chân bắt đầu được hình thành nên bố mẹ có thể bắt đầu kiểm tra khi con ở độ tuổi này.

4.1 Cách 1:

  • Làm ướt bàn chân của trẻ (bằng nước trắng hoặc nước có màu thì càng rõ).
  • Yêu cầu con đặt bàn chân để in lên một tờ giấy trắng, tờ bìa hoặc phần sân có thể nhìn rõ nốt in.
  • Nếu thấy dấu ấn của cả bàn chân trên bề mặt in thì có khả năng là trẻ đã bị mắc chứng bàn chân bẹt. Nếu phần hình in có một khoảng trống nhỏ (vòm cong) xuất hiện thì bố mẹ có thể yên tâm.

4.2 Cách 2:

Bố mẹ có thể dùng trực tiếp ngón tay của mình đặt xuống dưới gan bàn chân của trẻ khi trẻ đứng trên một mặt phẳng. Nếu các ngón tay không thể luồn được vào gan bàn chân thì trẻ có thể đã mắc chứng bàn chân bẹt.

Bình luận