Chờ...

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn sau 3 ca mắc bạch hầu tử vong

VOH - Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã có 3 ca tử vong.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện, sở y tế các địa phương nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca tử vong.

Trong đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám chữa bệnh. Mục đích phát hiện sớm ca nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.

Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người mắc bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Các cơ sở y tế cần bảo đảm công tác phòng lây nhiễm tại đơn vị.

bạch hầu
Bạch hầu là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.

Xem thêm: Tiêm phòng bệnh bạch hầu thế nào là đúng và đủ?

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu, với các ca lâm sàng nghi ngờ bạch hầu, các cơ sở y tế ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu và triển khai ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca khó, ca nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến.

Bên cạnh đó, các địa phương lưu ý cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục cũng nhắc các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca mắc theo quy định.

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. 

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.