Cà rốt có tên khoa học là Daucus carota, bên cạnh các củ cà rốt màu cam mà chúng ta thường thấy, còn có loại cà rốt màu trắng, vàng và tím. Thực tế thì cà rốt màu cam phát triển từ hiện tượng đột biến gen của cà rốt tím. Bên cạnh đó, với phương pháp đơn giản, hiện nay nhiều hộ gia đình cũng đang tiến hành tự trồng cà rốt ngay tại nhà.
1. Tác dụng của cà rốt
Cà rốt bổ sung hàm lượng lớn vitamin A, C, canxi, sắt cùng với chất xơ, góp phần phòng tránh và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Là một loại củ rất dễ tìm kiếm và tương đối “rẻ tiền”, nếu bạn là tín đồ của cà rốt thì bạn sẽ ngạc nhiên với những công dụng của cà rốt sau đây:
1.1 Cải thiện thị lực
Cà rốt rất giàu beta-carotene, tiền chất giúp chuyển hóa thành vitamin A, bảo vệ sức khỏe của đôi mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do tuổi già.
1.2 Ổn định huyết áp
Cà rốt cung cấp một lượng natri vừa đủ để duy trì huyết áp ở mức hợp lý trong cơ thể. Khi bổ sung cà rốt ở mức độ hợp lý, huyết áp sẽ luôn kiểm soát ở tình trạng ổn định.
1.3 Kiểm soát đường huyết
Loại đường cà rốt cung cấp chuyển hóa chậm hơn so với các thực phẩm khác, giúp kiểm soát tốt đường huyết trong máu.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển hóa đường glucose ở người bệnh tiểu đường diễn ra bất thường đòi hỏi cơ thể phải gia tăng khả năng chống lại sự oxy hóa các tế bào. Và vitamin A trong cà rốt sẽ hỗ trợ cơ thể thực hiện chống oxy hóa một cách tự nhiên.
1.4 Ngăn ngừa ung thư
Cà rốt càng sẫm màu càng chứa nhiều hợp chất beta–carotene – giúp kích hoạt các protein ức chế tế bào ung thư phát triển. Cùng với đó, theo nghiên cứu mới nhất, tác dụng của cà rốt giúp làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư ở gan, phổi và đại tràng vì trong củ này có chứa hợp chất falcarinol.
1.5 Làm đẹp da và tóc
Vitamin A được tìm thấy nhiều trong cà rốt giúp làn da luôn mịn màng, sáng đẹp. Nếu thiếu hụt vitamin A, da và tóc sẽ bị khô quá mức. Cà rốt cũng giúp giảm hình thành nếp nhăn và tàn nhang trên khuôn mặt.
1.6 Giảm cholesterol
Cà rốt bổ sung lượng lớn chất xơ, chủ yếu là pectin, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Theo một nghiên cứu, những người ăn khoảng từ 100 - 200g cà rốt mỗi tuần, kéo dài trong 3 tuần có thể giảm lượng lớn cholesterol trong máu.
1.7 Bảo vệ tim mạch
Do giàu carotenoid, tác dụng của cà rốt có thể ngăn ngừa nguy cơ cao mắc bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, alpha-carotene và lutein được tìm thấy trong cà rốt cũng bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả.
Xem thêm: Mách bạn ăn thêm 15 thực phẩm này để có một trái tim khỏe mạnh
1.8 Duy trì cân nặng
Để giảm cảm giác thèm ăn trong quá trình giảm cân, bạn có thể thêm cà rốt khi chế biến bởi thành phần nước chiếm tới 88% sẽ giúp bạn bổ sung khoảng 25 calo. Ngoài ra, với hàm lượng cao chất chống oxy hóa và vitamin A, cà rốt sẽ loại bỏ độc tố trong cơ thể, làm giảm sự tích tụ mỡ trong gan.
1.9 Ngăn ngừa mất trí nhớ
Cùng với chức năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, hợp chất beta-carotene được tìm thấy trong cà rốt sẽ củng cố hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, chống suy giảm trí nhớ.
1.10 Hỗ trợ hoạt động của xương
Cà rốt chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C và canxi. Tác dụng của cà rốt có thể cải thiện hoạt động của xương, duy trì sức khỏe tốt hơn ở nhiều người, đặc biệt là phụ nữ thời kỳ mang thai, không có đủ canxi khi ăn loại thực phẩm này mỗi ngày.
Xem thêm: Cà rốt tốt cho cả mẹ bầu và bé nhưng ăn sai cách thì hậu quả khôn lường!
1.11 Tốt cho răng miệng
Nếu đang gặp khó khăn trong vấn đề mùi hôi ở miệng, bạn có thể tăng cường ăn thêm cà rốt để hơi thở dễ chịu hơn vì loại củ này sẽ tăng tiết nước bọt, giúp trung hòa axit citric, axit malic còn lại trong miệng.
2. Ăn cà rốt sống có tốt không?
Có thể bạn thắc mắc có nên ăn cà rốt sống hay không, lời khuyên là KHÔNG. Cà rốt là một nguồn cung cấp lớn chất beta-carontene và cơ thể sẽ hấp thụ hợp chất này tốt hơn khi cà rốt được nấu chín. Hơn nữa, nếu ăn sống, tiền chất vitamin A sẽ không được giải phóng hết do cà rốt có lớp vách tế bào cứng.
Tuy nhiên, ăn cà rốt chín không có nghĩa là hầm nát bởi khi đun chín quá lâu, muối nitrat trong củ sẽ chuyển hóa thành nitri rất độc hại.
3. Các món ngon từ cà rốt
Là loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều hàm lượng vitamin và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Cà rốt không còn xa lạ với các bà nội trợ hiện nay, loại thực phẩm này có thể chế biến được các món mặn, ngọt và nước uống cực hấp dẫn, ngon miệng. Dưới đây là các món ăn từ cà rốt tốt cho sức khỏe mà bạn có thể làm tại nhà:
- Nước ép cà rốt
- Gỏi cà rốt lỗ tai heo
- Trứng xào cà rốt
- Cà rốt ngâm chua ngọt
- Cà rốt luộc
- Bò kho cà rốt
- Salad cà rốt
- Bánh cà rốt
- Canh hầm xương cà rốt khoai tây
Xem thêm: ‘Bật mí’ đến bạn 7 món ngon từ cà rốt nhất định phải thử
4. Ăn nhiều cà rốt có tốt không?
Mặc dù tác dụng của cà rốt đem đến nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không vì thế mà bạn ăn nhiều và liên tục trong một thời gian. Nếu beta carotene tích trữ nhiều sẽ tăng methemoglobine máu, gây vàng mắt và vàng da, thậm chí có nguy cơ ngộ độc cao.
Một số người có thể bị dị ứng cà rốt và phát ban trên da, tiêu chảy, sốc phản vệ, sưng tấy và nổi mề đay. Ngoài ra cà rốt không tốt cho phụ nữ đang cho con bú, một số người ăn cà rốt thường xuyên nếu ngừng ăn có thể rơi vào các tình trạng như mất ngủ, căng thẳng và say nước.
Theo khuyến cáo, chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần trong một tuần. Với người lớn ăn khoảng 100g cà rốt mỗi lần, còn trẻ em thì ăn ít hơn khoảng từ 30-50g cà rốt một lần. Vì thế hãy ăn đúng liều lượng cho phép để tránh các tác hại của cà rốt mang lại.
Xem thêm: Thấy triệu chứng vàng da, nguy cơ cao đang mắc các bệnh thuộc 4 nhóm nguy hiểm
5. Một số lưu ý khi sử dụng cà rốt
Để có thể tận dụng tối đa tác dụng của cà rốt mang lại cho sức khỏe, hãy thực hiện một số lưu ý sau đây khi bảo quản và sử dụng.
5.1 Cách bảo quản cà rốt
Nên chọn mua cà rốt còn nguyên phần cuống, tránh chọn những củ to và còn lá bởi những củ này thường không ngọt. Sau đó để bảo quản tốt cà rốt, hãy cắt bỏ phần ngọn của củ, dùng màng bọc thực phẩm quấn củ lại, rồi để tủ lạnh. Tốt nhất không nên rửa cà rốt và thái nhỏ sẽ khiến cà rốt nhanh hỏng, dễ thối rữa cũng như làm hao hụt các chất dinh dưỡng.
5.2 Cà rốt kỵ gì ?
Khi chế biến các món ăn, cần tránh kết hợp cà rốt với củ cải trắng, giấm, ớt, hải sản để hạn chế tình trạng mất chất dinh dưỡng, cũng như phòng tránh nguy cơ dị ứng và ngộ độc.
5.3 Đối tượng không nên ăn cà rốt
Nếu đang bị táo bón kéo dài, hay đầy bụng khó tiêu thì nên tạm dừng ăn cà rốt, vì các chất xơ trong cà rốt ở dạng không hòa tan, nếu cơ thể thiếu nước sẽ gây nên hiện tượng tắc nghẽn ruột.
6. Hàm lượng dinh dưỡng của cà rốt
Dưới đây là thông tin về hàm lượng dinh dưỡng trong 100g cà rốt:
- Nước: 88.5 g
- Năng lượng: 39 KCal (164 KJ)
- Carbohydrate (đạm): 1.5 g
- Chất béo: 0.2 g
- Chất bột đường: 7.8 g
- Chất xơ: 1.2 g
- Canxi: 43 mg
- Sắt: 0.8 mg
- Magie: 12 mg
- Phospho: 39 mg
- Kali: 266 mg
- Natri: 52 mg
- Kẽm: 1.11 mg
- Đồng: 150 µg
- Vitamin C: 8 mg
- Vitamin B1: 0.06 mg
- Vitamin B2: 0.06 mg
- Vitamin PP: 0.4 mg
- Vitamin B5: 0.273 mg
- Vitamin B6: 0.138 mg
- Vitamin H: 3.4 µg
- Vitamin A: 1 µg
- Beta-caroten: 8285 µg
Món ăn sẽ trở nên hấp dẫn và bổ dưỡng hơn khi thêm cà rốt nhưng hãy nhớ ăn đúng liều và đúng cách để tránh những nguy cơ xấu xảy ra nhé. Hãy bổ sung ngay thực phẩm này vào các bữa ăn gia đình, để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và sử dụng hợp lý để phát huy tối đa hiệu tác dụng của cà rốt mang lại cho sức khỏe.