Các bệnh thường gặp khi bị đau bụng dưới bên phải

(VOH) - Đau bụng dưới bên phải có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đau bụng dưới bên phải xảy ra ở nữ giới. Dưới đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.

1. Đau bụng dưới bên phải là bị gì?

Đau bụng là triệu chứng thường gặp, tùy vào nguyên nhân mà mỗi người sẽ có những vị trí đau khác nhau. Nếu đau bụng dưới bên phải, bạn có thể nghi ngờ do các nguyên nhân sau:

1.1 Viêm ruột thừa

dau-bung-duoi-ben-phai-vi-sao-voh-1

Viêm ruột thừa có thể khiến bạn bị đau bụng dưới bên phải (Nguồn: Internet)

Đau bụng dưới bên phải ở nữ hoặc đau bụng dưới bên phải ở nam giới đều có thể do tình trạng viêm ruột thừa gây ra. Ruột thừa thường nằm tại bụng dưới bên phải, tuy nhiên nó có thể di động nên có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau như giữa ổ bụng, vùng dưới gan phải, nằm giữa các quai ruột non hoặc hiếm hơn là nằm bên trái bụng dưới.

Như vậy, nếu đau bụng dưới bên phải bạn có thể nghi ngờ rằng ruột thừa của bạn đang gặp phải vấn đề.

1.2 Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ cơ quan nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng dưới phải hoặc bên trái, đi tiểu đau, tiểu buốt,…Nhiễm khuẩn đường tiết niệu sẽ không nghiêm trọng nếu bạn điều trị kịp thời. Khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn.

1.3 Sỏi thận

dau-bung-duoi-ben-phai-vi-sao-voh-2

Sỏi thận phải gây đau lưng bên phải rồi lan xuống bụng dưới bên phải (Nguồn: Internet)

Cả nam và nữ đều có thể bị đau bụng dưới bên phải do sỏi thận phải. Sỏi thận là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to. Khi viên sỏi di chuyển đến thận phải, nó sẽ gây ra những cơn đau bụng phải hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu.

1.4 U nang buồng trứng phải

Đau bụng dưới bên phải gần háng ở nữ có thể do u nang buồng trứng phải. Đây là tình trạng xuất hiện 1 số khối u bất thường tại buồng trứng phải, các khối u này có chứa dịch nhầy và có kích thước khác nhau ở từng trường hợp.

Hầu hết những khối u nang buồng trứng phải đều lành tính và không gây nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và tìm cách điều trị, nó có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng. Do đó, khi có dấu hiệu đau bụng dưới bên phải thường xuyên thì chị em nên đi thăm khám để kiểm tra.

1.5 Viêm phần phụ bên phải

Viêm phần phụ bao gồm viêm vòi trứng, buồng trứng và các dây chằng,…Viêm phần phụ bên phải sẽ báo hiệu bằng các triệu chứng như đau bụng dưới bên phải âm ỉ, khí hư có mùi hôi, kinh nguyệt không đều,…

Viêm phần phụ là bệnh nguy hiểm cần phát hiện và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

1.6 Đau bụng khi hành kinh

dau-bung-duoi-ben-phai-vi-sao-voh-3

Đau bụng dưới bên phải cũng có thể do kinh nguyệt (Nguồn: Internet)

Đau bụng dưới bên phải gần háng có thể do chị em sắp đến ngày hành kinh hoặc đang trong giai đoạn hành kinh. Đây là một biểu hiện sinh lý bình thường nên chị em không cần quá lo lắng.

Khi đến kỳ kinh nguyệt, chị em có thể bị đau bụng dưới bên phải và đau lưng kèm căng đau tức ngực,…

Như vậy, triệu chứng đau vùng bụng dưới bên phải có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, khi có triệu chứng này, nhất là khi nó diễn ra thường xuyên thì bạn phải đi khám mới có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó sẽ có hướng điều trị hợp lý.

2. Chẩn đoán đau bụng dưới bên phải bằng cách nào?

Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng dưới bên phải, các bác sĩ thường sẽ hỏi bệnh nhân các biểu hiện lâm sàng kèm theo. Sau đó, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chẩn đoán như siêu âm ổ bụng để xem xét các vấn đề bên trong. Với những kiến thức chuyên môn, bác sĩ thăm khám sẽ cho bạn biết kết quả chính xác về nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới bên phải, từ đó hướng dẫn bạn điều trị đúng cách.

Lưu ý: Khi bị đau bụng dưới bên phải, tuyệt đối không tự ý chẩn đoán bệnh cũng như mua thuốc giảm đau về điều trị tại nhà. Bởi nếu chẩn đoán sai và điều trị không đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh không những không được khắc phục mà còn trầm trọng hơn.

Bình luận