Chờ...

Cân nặng khi mang thai bao nhiêu là hợp lý?

(VOH) – Tăng cân hợp lý trong thai kỳ có thể giúp đảm bảo sự phát triển của thai. Tuy nhiên, mức cân nặng khi mang thai như thế nào là phù hợp và an toàn thì không phải mẹ bầu nào cũng biết.

Theo dõi cân nặng của phụ nữ khi mang thai là một trong những bước cực kỳ quan trọng vì có thể giúp theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Đồng thời, có thể sớm điều chỉnh lại chế độ ăn uống của người mẹ khi cân nặng không nằm trong ngưỡng cho phép, từ đó hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như của bé trong suốt thai kỳ.

Cân nặng khi mang thai như thế nào là hợp lý?

Sự tăng cân của phụ nữ trong thai kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng thai nhi, nhau thai, nước ối, thể tích máu, mỡ, mô và dịch cơ thể.... Theo Tổ chức y tế thế giới, sự tăng cân trong thai kỳ sẽ được tính dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI của người mẹ trước khi mang thai.

can-nang-khi-mang-thai-bao-nhieu-la-hop-ly-voh

Cân nặng trong thai kỳ thường dựa vào chỉ số BMI trước khi mang thai (Nguồn: Internet)

Thông thường chỉ số BMI được chia thành 4 nhóm:

  • Người có cân nặng thấp (gầy): Chỉ số BMI < 18.5.
  • Người có cân nặng bình thường: Chỉ số BMI từ 19 – 24.5.
  • Người thừa cân: Chỉ số BMI từ 25 – 29.
  • Người béo phì: Chỉ số BMI > 29.

Như vậy, nếu bạn có chỉ số BMI < 18.5 thì chỉ cần tăng cân trong thai kỳ khoảng từ 14 – 18kg. Nếu chỉ số BMI từ 19 – 24.5 thì tăng từ 11 – 13kg. Nếu chỉ số BMI từ 25 – 29 thì tăng từ 7 – 11 kg và nếu chỉ số BMI > 29 thì chỉ cần tăng khoảng 5kg trong thai kỳ.

Một số lưu ý giúp mẹ kiểm soát cân nặng khi mang thai

Theo TS, BS Lê Văn Hiền (BV quốc tế Hạnh Phúc) mẹ bầu không cần giữ quan niệm “ăn cho 2 người”, chỉ cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, người mẹ cảm thấy ngon miệng và chỉ ăn vừa đủ. Không nên cố gắng ăn quá nhiều vì có thể khiến mẹ bị nôn ói hoặc tăng cân, béo phì.

Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý tăng cân trong thai kỳ sẽ có sự khác nhau ở từng giai đoạn. Cụ thể:

Giai đoạn 3 tháng đầu

Thông thường, ở giai đoạn 3 tháng đầu mẹ bầu chỉ tăng khoảng 1 – 1.5kg hoặc thậm chí là không tăng cân, sụt cân do giai đoạn này thường nghén và thai nhi cũng chưa cần nhiều dinh dưỡng để phát triển.

Do đó, trong 3 tháng đầu mẹ không cần ăn nhiều nhưng phải đảm bảo đủ dưỡng chất cung cấp cho thai nhi, đặc biệt là các khoáng chất, vitamin và axit folic để ngăn ngừa hình thành khiếm khuyết của thai nhi.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu mẹ bầu nên bổ sung thêm vitamin B6 và magie vì đây là những chất có thể giúp mẹ thoát khỏi tình trạng nôn ói, nhức đầu, chóng mặt....do nghén gây ra.

Giai đoạn 3 tháng giữa

can-nang-khi-mang-thai-bao-nhieu-la-hop-ly-1voh

3 tháng giữa thai kỳ mẹ bầu cần ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể sẽ tăng từ 2 – 2.5kg/tháng. Tuy nhiên, nếu mức tăng cân trong giai đoạn này cao hơn 4kg/ 4 tuần thì thai phụ cần phải xem xét lại chế độ ăn. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ tư vấn để thai phụ điều chỉnh lại chế độ ăn bằng cách giảm tinh bột, thức ăn ngọt, các loại trái cây, chất béo. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ làm thêm xét nghiệm dung nạp đường để xem thai phụ có bị bệnh tiểu đường hay không.

Giai đoạn 3 tháng cuối

Theo TS, BS Lê Văn Hiền, dù đang ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 thì thai phụ cũng không nên để cân nặng vượt quá ngưỡng quy định, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị thừa cân béo phì nguy cơ dị tật thai nhi sẽ tăng lên gấp 4 lần so với người bình thường. Ngoài ra, cũng sẽ làm tăng những biến chứng trong suốt thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường, sảy thai, sinh non. Trong lúc sinh cũng dễ xảy ra các biến cố như sản giật, nhau bong non, nhau tiền đạo, hoặc băng huyết sau sinh cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần hơn so với người có cân nặng bình thường.

Đối với thai nhi, trẻ có thể gặp phải các nguy cơ như thai to, thừa cân, bị sang chấn sau sinh (gãy xương đòn, ngạt thở, chấn thương sọ não), hoặc tụt đường huyết, hạ thân nhiệt....

Như vậy, mức tăng cân trung bình ở giai đoạn này có thể bằng với giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (tức từ 2 - 2.5 kg/tháng) hoặc cao hơn.

Những thắc mắc thường gặp ở mẹ bầu

  1. Tại sao mẹ thừa cân con sinh ra vẫn bị suy dinh dưỡng?

Những trường hợp tăng mẹ, không tăng em bé sẽ có 2 nguyên nhân:

  • Dinh dưỡng không đủ

Dinh dưỡng không đủ có thể do chế độ ăn của mẹ không cân bằng hợp lý và không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cơ bản như: tinh bột, đường, béo, vitamin và khoáng chất.

Với nguyên nhân này mẹ bầu chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn sẽ có thể cải thiện được cân nặng và sự phát triển của em bé.

can-nang-khi-mang-thai-bao-nhieu-la-hop-ly-2-voh

Dinh dưỡng trong thai kỳ rất quan trọng (nguồn: Internet)

  • Do tuần hoàn nhau thai không tốt

Tuần hoàn nhau thai không tốt có thể xuất phát từ các nguyên nhân như: tử cung bị xơ hóa, u xơ tử cung, tử cung có khối u bất thường hoặc niêm mạc tử cung không đầy đủ dồi dào chất dinh dưỡng trong lúc mang thai. Một số trường hợp có thể do mẹ bầu bị cao huyết áp, tiểu đường.

Với nguyên nhân này mẹ cần được điều trị triệt để nguyên nhân gốc mới có thể cải thiện cân nặng thai nhi trong bụng.

  1. Ăn kiêng khi mang thai có nên không?

Nhiều người sợ tình trạng tăng cân khi mang thai nên không dám ăn nhiều. Tuy nhiên, theo TS, BS Lê Văn Hiền nếu mẹ kiêng khem quá nhiều mẹ có thể bị thiếu dinh dưỡng, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng cho thai nhi.

  1. Giấc ngủ với mẹ bầu có quan trọng?

Nếu như đối với người bình thường ngủ đủ giấc sẽ giúp các cơ quan được nghỉ ngơi và hoạt động một số cơ quan nội tạng cũng sẽ thay đổi như thận, tuyến thượng thận, hệ nội tiết.... Thì đối với thai phụ giấc ngủ lại càng cực kỳ quan trọng, bởi vì:

  • Sẽ giúp các cơ quan được thư giãn.
  • Giúp các nội tiết tốt như prolactin, nội tiết tố sinh dục, sự bài tiết sữa diễn ra tốt hơn, từ đó giúp mẹ có đủ lượng sữa để cung cấp cho con ở giai đoạn sau sinh.
  • Khi ngủ người mẹ sẽ được thư giãn và em bé cũng sẽ được thư giãn và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
  1. Khi mang thai làm sao vừa kiểm soát cân nặng vừa tránh được tình trạng rạn da?

Rạn da không chỉ do vấn đề tăng cân mà còn ở vấn đề nội tiết và sự đàn hồi da ở mỗi người. Nếu đàn hồi da của mẹ bầu kém và nội tiết kém thì nguy cơ bị rạn da sẽ rất cao. Do đó, để phòng ngừa rạn da mẹ bầu cần:

  • Cung cấp cho cơ thể những chất giúp tăng sức đàn hồi da tốt ví dụ như collagen...
  • Ăn trái cây để bổ sung vitamin và collagen.
  • Chăm sóc da thường xuyên trước khi mang thai.
  • Điều chỉnh chế độ ăn để không bị tăng cân quá mức.
  • Ngoài ra, rạn da có yếu tố gia đình, do đó nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị từng bị rạn da thì mẹ bầu cũng có thể bị rạn da, vì thế mẹ bầu cần phòng ngừa bằng cách bôi các loại kem giúp chống rạn da an toàn cho phụ nữ mang thai.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Chỉ số BMI và các vấn đề liên quan đến thừa cân, béo phì trong thai kỳ : Trong quá trình mang thai việc tăng cân hợp lý là đều cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định chỉ BMI nhằm tránh tình trạng thừa cân, béo phì ở thai phụ thì không phải ai cũng cũng biết.

Tăng huyết áp thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị : Tăng huyết áp thai kỳ là nguyên nhân chính gây ra chứng tiền sản giật cũng như nhiều vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa và điều trị tốt hơn.