1. Như thế nào được gọi là căng cơ?
Căng cơ hoặc cơ bắp bị co kéo là tình trạng các thớ cơ bị kéo giãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ, thậm chí bị rách. Đây là kết quả của việc lạm dụng quá mức hoặc sử dụng cơ bắp không đúng.
Bất kỳ cơ bắp nào cũng có thể bị co kéo và căng, nhưng thường gặp nhất là căng cơ tay, căng cơ chân, căng cơ háng, đầu gối, vai, cổ, lưng dưới và gân kheo.
Khi một người bị tổn thương cơ bắp, các sợi cơ và dây chằng gắn vào bắp thịt bị xé rách một phần hoặc toàn bộ, ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ gây chảy máu cục bộ. Ở bên ngoài da, vùng bị đau có khuynh hướng bị sưng lên, đau và cũng có thể xuất hiện những vết bầm tím.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của căng cơ
2.1 Nguyên nhân gây căng cơ
Căng cơ thường xảy ra một cách đột ngột và bất ngờ. Các chấn thương hoặc tổn thương có thể dẫn đến rách cơ. Một số yếu tố có thể gây ra tình trạng căng cơ là:
- Không khởi động cơ bắp cẩn thận trước khi bắt đầu hoạt động thể chất.
- Thiếu độ mềm dẻo trong tập luyện.
- Sử dụng cơ bắp quá mức.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng cơ (Nguồn: Internet)
Tập luyện nhiều và cường độ cao không chỉ là nguyên nhân duy nhất dẫn đến căng cơ bắp chân, tay, lưng hay bụng... Căng cơ còn có thể xảy ra khi bạn:
- Trượt ngã hoặc mất thăng bằng
- Căng cơ chân khi chạy, nhảy.
- Căng cơ tay do ném một vật gì đó.
- Căng cơ lưng, hông, bả vai khi nhấc một vật nặng hoặc nhấc một vật trong tư thế không thoải mái.
Ngoài ra, tình trạng căng cơ cũng phổ biến hơn trong thời tiết lạnh, do cơ bắp bị co cứng ở nhiệt độ thấp.
2.2 Biểu hiện của căng cơ
Khi bị căng cơ, bạn sẽ có các triệu chứng như:
- Sưng tấy, bầm tím hoặc đỏ do chấn thương.
- Đau khi nghỉ ngơi.
- Đau khi có những hoạt động cần sử dụng đến cơ bắp bị tổn thương hoặc khớp liên quan đến các cơ đó.
- Gân cơ bị yếu.
Các bác sĩ cho biết, trường hợp căng cơ nhẹ, mặc dù cơ bị rách và thiếu linh hoạt, bạn vẫn có thể sử dụng nó. Tuy nhiên, với những trường nặng, cơ bị rách nghiêm trọng sẽ gây ra tình trạng đau đớn khiến bạn không thể cử động được dù là cử động nhẹ.
3. Bị căng cơ cần làm gì?
Hầu hết các trường hợp căng cơ đều có thể xử lý hiệu quả tại nhà.
Khi bị căng cơ, việc đầu tiên bạn cần làm là phải dừng ngay mọi hoạt động, tập luyện. Sau đó, tiến hành chườm lạnh và giữ cơ bắp căng giãn ở vị trí thoải mái nhất.
Khi chườm lạnh, có thể dùng khăn bọc đá cho mát hoặc dùng túi đựng đá (tránh chườm lạnh trực tiếp) để chườm lạnh ngay tại chỗ căng cơ từ 10 – 15 phút. Không nên chườm lạnh quá lâu vì có thể gây tụ máu.
Chườm lạnh giúp giảm sưng tấy quanh chấn thương (Nguồn: Internet)
Mỗi lần chườm nên cách nhau khoảng 1 tiếng, hãy để khu vực bị chấn thương trở lại nhiệt độ bình thường trước khi chườm lạnh một lần nữa.
Sau khi chườm lạnh xong, bạn cần nghỉ ngơi thư giãn.
Lưu ý: Không sử dụng biện pháp chườm lạnh nếu tuần hoàn của bạn kém. Ngoài ra, hãy cần thận khi chườm lạnh nếu da bạn đang ở điều kiện kém, chẳng hạn như bị rách hoặc trầy.
4. Khi bị căng cơ không nên làm gì?
Khi bị căng cơ, bạn tuyệt đối không nên chườm nóng, không dùng dầu và rượu để xoa bóp. Nguyên nhân là do, chườm nóng hay xoa bóp sẽ khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi, dẫn đến yếu hơn và dễ bị chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.
Không nên chơi bất kỳ một loại hình thể nào nào cần cường độ vận động mạnh khi đang bị căng cơ. Bạn nên biết rằng, hầu hết các tổn thương thể thao đều xảy ra khi bạn ngã hoặc va đập hoặc khi bạn đang chơi với tất cả khả năng của mình. Vì thế, bạn cần điều chỉnh thể lực, giảm cường độ tập hoặc chọn một hình thức tập luyện khác.
Thông thường, nếu căng cơ ở mức độ từ nhẹ đến trung bình sẽ có thể tự khỏi sau một vài tuần, nhưng các trường hợp căng cơ nặng có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Chính vì thế, nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị càng sớm càng tốt.