Cạo gió trị cảm lạnh - hiểu sao cho đúng?

(VOH) - Cạo gió là biện pháp dân gian được nhiều người ưa chuộng khi cảm lạnh, mệt mỏi.

Tuy nhiên có những lưu ý như tránh cạo những chỗ” hiểm” hoặc tránh cạo gió cho những đối tượng : người nhiều bệnh nền, bệnh máu không đông, thai phụ, trẻ con….

Cạo gió trị cảm lạnh - hiểu sao cho đúng? 1

Bs CKII CK2 Huỳnh Tấn Vũ- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Cạo gió có công dụng thế nào? Trường hợp nào thì cạo gió mang lại hiệu quả? 

Cạo gió (đánh gió) là dùng vật cứng và nhẵn hoặc dùng tay ma sát lần lượt thuận trên một vùng cơ thể nhất định.

Cạo gió thông qua hoạt động ma sát trực tiếp trên da cho thấy lượng máu tăng lên tỷ lệ thuận với tăng nhiệt lượng cục bộ tại vùng cơ thể chịu tác động. Da điều hòa nhiệt độ và điều hòa thân nhiệt bằng cách ra mồ hôi và phản ứng vận mạch.

Sự bài tiết mồ hôi được điều chỉnh bởi thần kinh sọ não, thần kinh giao cảm xung quanh tuyến, các trung khu dọc tủy sống, trung tâm điều hòa thân nhiệt dưới đồi. Mồ hôi ngoài điều hòa thân nhiệt còn có nhiệm vụ đào thải các chất cặn bã.

Đánh gió tạo môi trường thuận lợi cho các yếu tố cân bằng thân nhiệt, đào thải các yếu tố bất lợi qua mồ hôi, kích thích các chất có lợi như cholin nội sinh làm giảm mệt mỏi.

Cạo gió làm tăng vi tuần hoàn nên có tác dụng giảm đau cục bộ.

Cạo gió trên lâm sàng thường được dùng cho các bệnh như: cảm mạo (thường dùng nhất); ngoài ra còn ứng dụng trong phục hồi sau đột quỵ não, đau dạy dày/hội chứng ruột kích thích/mất ngủ, các chứng đau: đau đầu, đau cơ, phụ khoa: kinh nguyệt không đều, thống kinh.

Thay vì cạo gió, có người chọn cách " bắt gió" , hiệu quả có giống nhau? 

Cạo gió bên cạnh việc sử dụng công cụ có thể dùng tay không, bắt gió hay cạo gió nguyên lý cũng tương tự nhau.

Có quan niệm cạo gió càng thâm càng hiệu quả. Cũng có quan niệm cạo gió thâm nhiều là làm tổn thương các mạch máu. Vậy cạo gió thế nào mới đúng cách ?

Cạo gió đạt là cạo đến khi đỏ ửng nhẹ hoặc vết bầm li ti trên da, đồng thời, da ấm lên là đạt. Không nên cạo mạnh và cạo nhiều vì làm tổn thương các mạch máu không có lợi cho cơ thể, tổn thương càng nhiều càng mất thời gian và năng lượng để hồi phục.

Cạo gió đúng cách cần lưu ý là không nên sử dụng vật sắc nhọn, sử dụng vật có đầu tù để khi ma sát không tạo vết trầy xước trên da.

Có người mới cạo gió hôm trước, hôm sau lại mệt mỏi và muốn cạo tiếp được không ? Có quy định về khoảng cách giữa 2 lần cạo?

Nếu cạo gió hôm trước mà hôm sau vẫn mệt mỏi thì trước hết cần xem lại

- Bệnh đó là gì, có phù hợp với phương pháp cạo gió hay không. Nếu bệnh cũ tiến triển thêm thì cần điều trị bằng phương pháp mới phù hợp hơn.

- Hôm nay sức khỏe có phát sinh vấn đề gì mới không, vấn đề đó giải quyết bằng cạo gió được không.

- Không nên tự chẩn đoán bệnh mà ở nhà tự cạo gió liên tục, nên đi gặp thầy thuốc sớm. Ngay việc cạo gió cũng nên để thầy thuốc thực hiện để đảm bảo đúng kỹ thuật và an toàn.

Trong các liệu trình điều trị thường đề nghị 1 lần/ngày, 1 liệu trình 15 ngày, kết hợp với các phương pháp điều trị khác như xoa bóp, châm cứu… Tùy tình hình người bệnh mà có chỉ định cụ thể về thời gian và phương pháp phối hợp.

Nên chọn vật dụng bằng chất lượng gì để cạo gió? Nhiều người kết hợp với dầu gió thì nên chọn loại dầu nào? Ngoài dầu gió, chúng ta có thể kết hợp hay thay thế bằng các loại thảo dược khác?

Vật dụng cạo gió rất da dạng, có thể chọn bất kỳ vật gì miễn nó có độ cứng, đầu tù (không sắc nhọn) và sạch sẽ: Có dụng cụ cạo gió chuyên dụng bằng gỗ, sừng đá hoặc nắp chai dầu, đồng xu… Cạo gió bằng vật liệu gì ko quan trọng bằng cạo gió đúng cách.

Kết hợp với dầu gió cũng tốt vì giảm được ma sát giúp dụng cụ cạo gió lướt đi trên da dễ dàng, hạn chế tổn thương do ma sát, hơn nữa dầu gió có nhiều tinh dầu tác dụng sát khuẩn, khu phong tán hàn, mùi thơm dễ chịu.

Tuy nhiên cần thận trọng không dùng quá nhiều gây bỏng rát hoặc tình trạng dị ứng. Ngoài dầu gió có thể đơn giản dùng dầu baby oil để bôi trơn. Dầu gió có thể dùng các loại dầu có chứa bạc hà hoặc quế, dầu dạng lỏng hoặc dạng cao.

Thảo dược khác: gừng (dùng chính củ gừng để đánh gió hoặc giã nát bọc vải), ngải cứu (rang với muối hột bọc khăn vải)

Kinh nghiệm của người lớn tuổi cho rằng, cạo gió bằng đồng bạc là tốt nhất vì sau đó, màu sắc của đồng bạc cũng cho biết tình trạng sức khoẻ. Thông tin này có chính xác? 

Trong các chất thải ở tuyến mồ hôi trên da người có các axit amin chứa lưu huỳnh, các chất béo,…đặc biệt là những người bị cảm tuyến mồ hôi hoạt động mạnh tiết ra nhiều chất thải hơn. Khi đánh gió bằng Ag thì bạc sẽ kết hợp với lưu huỳnh (S) ở các axit amin thải ra trên da tạo thành Ag2S có мàu đen.

Tuy nhiên trong 1 số trường hợp có thể xuất hiện các màu vàng đỏ, xanh xám là do các chất béo, chất nhờn trên da phản ứng với Ag.

Cạo gió bằng đồng bạc cũng là cách hay để thu nạp các chất không có lợi vào chất bạc.

Màu của đồng bạc càng đen thì tức là lưu huỳnh càng nhiều, cơ thể mệt mỏi nhiều hơn.

Vị trí nào có thể cạo gió? Vị trí nào cần tránh?

Vùng cạo gió: Nên cạo gió ở vùng có lớp cơ dày

- Hai bên cổ, hai bên vai

- Hai bên thăn lưng, tỏa ra mạn sườn

- Nếu ho thì cạo dọc xương mỏ ác

- Có thể cạo vùng bụng

- Nhức tay chân thì cạo dọc mặt ngoài cẳng tay, mặt ngoài chân.

Vùng không cạo gió:

- Vùng bụng, vùng thắt lưng của phụ nữ đang mang thai, đầu vú nữ giới

- Mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, môi, rốn

- Vùng có bệnh ngoài da, dị ứng da, lở loét, ung nhọt, vết thương chưa lành, chấn thương gãy cương

- Thận trọng các vùng trên nền xương vì gây đau.

Những sai lầm thường gặp khi cạo gió? Nếu áp dụng hoặc thực hiện không đúng sẽ gây biến chứng gì? Trường hợp nào bắt buộc đến bệnh viện?

Sai lầm thường gặp:

- Về lựa chọn công cụ:

o Chọn vật sắc gây trợt da chảy máu, nhiễm trùng, gây đau, co rút cơ

o Chọn vật không sạch nguy cơ nhiễm trùng

- Về vị trí cạo: cạo vào vùng không nên cạo gây tổn thương, sảy thai, đau,

- Về kỹ thuật cạo:

o Cạo quá nhẹ, chưa đủ đỏ và ấm thì không có tác dụng

o Cạo quá mạnh và nhiều: trầy xước, bầm tím, bầm dập cơ và mạch máu, cơ thể sẽ mệt mỏi và mất quá trình hồi phục tổn thương

Trường hợp bắt buộc phải đến bệnh viện:

Các trường hợp mà người bệnh có các bệnh nền sau thì tuyệt đối không cạo gió mà các vấn đề sức khỏe để bệnh viện lo:

- Người bệnh có xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan và các bệnh có xu hướng chảy máu. Người bệnh sốt xuất huyết.

- Người bệnh tim nặng xuất hiện suy tim, người bệnh thận xuất hiện suy thận, người bệnh xơ gan báng bụng, phù toàn thân.

Cần thận trọng với người có nguy cơ cao bị đột quỵ (bềnh nền mạn tính: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, người cao tuổi), khi thấy mệt mỏi, ngất xỉu, khó nói, yếu nửa người… cần đưa đi bệnh viện ngay, không nên mất thời gian cạo gió, có thể là dấu hiệu đột quỵ.

Cạo gió "chống chỉ định" trong trường hợp nào? Bà bầu, trẻ em có được cạo gió? 

Chống chỉ định:

- Phụ nữ có thai không cạo vùng thắt lưng, vùng bụng; đầu vú.

- Trẻ nhũ nhi không cạo gió

- Vùng da không lành lặn (trầy xước, lở loét, mụn nhọt, bệnh ngoài da…), chấn thương gãy xương

- Mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, môi, rốn.

- Người say rượu, quá no, quá đói, quá mệt mỏi

- Người bệnh xuất hiện suy tim, suy thận, xơ gan báng bụng, phù toàn thân.

- Người có các bệnh lý về đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan…

Ít ai nghĩ đến cơ sở y tế để cạo gió mà hầu như làm tại nhà, cần lưu ý gì trước, trong và sau khi cạo gió?

Cạo gió là phương pháp dân gian rất được ưa chuộng, nếu cạo gió đúng, cạo xong thấy người khỏe ngay.

Trước khi cạo gió cần quan sát người bệnh đó có say rượu hay không, hỏi xem có quá no quá đói hay không.

Người được cạo gió cần chuẩn bị cơ thể sạch sẽ tạo điều kiện cho ma sát làm nóng da và việc tiết mồ hôi, quần áo rộng thoải mái.

Chuẩn bị dụng cụ, drap giường sạch sẽ. Vị trí cạo gió kín gió, ấm áp, thoáng khí. Dặn người được cạo gió có khó chịu thì thông báo, đi vệ sinh trước khi cạo gió. Quan sát trước vùng da sẽ cạo gió.

Trong khi cạo: quan sát nét mặt, đắp khăn che phủ giữ ấm vùng không cạo gió.

Sau khi cạo gió: nên uống một ly trà gừng giúp làm ấm người, lưu thông khí huyết, giữ ấm cơ thể, nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.