Cạo gió có tốt không? Và đây là lời giải đáp của bác sĩ

( VOH ) - Cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian phổ biến nhưng nếu không cẩn thận, lợi sẽ bất cập hại.

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói nhân dân TPHCM để biết cạo gió có tốt không?

1. Cạo gió là gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian đã có từ rất lâu đời. Những người bị cảm lạnh, cảm nắng hay nhức mỏi,…sau khi được cạo gió họ sẽ thoải mái hơn, sảng khoái hơn.

Bác sĩ cho biết, trong quá trình sống, cơ thể chúng ta ở trong môi trường tự nhiên sẽ gặp các phản ứng mà người xưa gọi đó là các khí độc. Khi khí độc bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể khiến người bệnh cảm thấy lạnh, mệt mỏi, đau nhức, phát sốt,…Khi đó, người ta nghiên cứu tìm cách để khắc phục các triệu chứng này. Từ đó, phương pháp cạo gió ra đời.

cao-gio-co-tot-khong-va-day-la-loi-giai-dap-cua-bac-si-bv-dh-y-duoc-voh-1

Cạo gió là phương pháp dân gian dùng để chữa cảm lạnh, cảm nắng, đau nhức (Nguồn: Internet)

2. Cạo gió có tốt không?

Để tiến hành cạo gió người ta thường dùng nhiều dụng cụ khác nhau như đồng xu (bạc), vật dụng cứng có đầu tròn, thậm chí là các chiếc muỗng.

Bác sĩ cho biết, các vùng của tế bào nhận cảm thần kinh, hệ thống vi mao mạch đi rất nhiều dưới da. Khi chúng ta kích thích dưới da bằng 1 lực nào đó sẽ kích thích tận cùng thần kinh, cơ thể ấm áp lên, lỗ chân lông giãn nở ra, các hạch cũng được đánh thức. Kết quả là hệ thống mạch máu được đánh thức giúp cơ thể giảm đi mệt mỏi rất nhiều.

Ngoài ra, sở dĩ người ta thường dùng đồng bạc để cạo gió là vì khi các khí lạnh, nắng nóng xâm nhập vào cơ thể, tại lỗ chân lông sẽ có lượng lưu huỳnh rất cao. Khi đồng xu được làm bằng bạc, bạc sẽ phối hợp với lưu huỳnh tạo thành chất mà có thể đẩy lượng khí độc ra bên ngoài, giúp cơ thể đỡ mệt mỏi hơn.

Như vậy, cạo gió là phương pháp tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tuần hoàn, hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta cạo gió sai phương pháp sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

3. Tác hại của việc cạo gió không đúng cách

Nếu cạo gió không đúng phương pháp, không đảm bảo các nguyên tắc an toàn thì bệnh không chỉ không khỏi mà còn nặng hơn.

Nguyên nhân khiến việc cạo gió không đạt hiệu quả là do người cạo dùng vật quá cứng, quá sắc cạnh nên để lại các vết bầm trên da, làm vỡ các mao mạch sau khi cạo. Khi đó lợi sẽ bất cập hại, gây ra những ảnh hưởng như:

  • Thay vì cạo gió lấy khí độc ra ngoài thì nó sẽ xâm nhập vào cơ thể bên trong.
  • Mệt mỏi có thể giảm đi tạm thời nhưng sau đó sẽ gây cảm giác đau nhiều hơn.
  • Những trường hợp cạo quá mạnh làm trầy xước trên da sẽ dễ gây nhiễm trùng, nổi mụn nhọt,…

cao-gio-co-tot-khong-va-day-la-loi-giai-dap-cua-bac-si-bv-dh-y-duoc-voh-1

Cạo gió quá mạnh sẽ khiến vùng da bị tổn thương (Nguồn: Internet)

Chính vì thế, bác sĩ Bay khuyên mọi người nếu có cạo gió thì nên dùng đồng xu (bạc). Nếu không có đồng xu thì có thể dùng trứng luộc, bỏ tròng đỏ lấy tròng trắng, sau đó bọc vào một cái khăn tay rồi dùng nó miết lên da. Hoặc bạn có thể dùng 2 bàn tay để miết lên da người bệnh, ấn mạnh từ trên xuống dưới, cách này cũng được xem như là phương pháp cạo gió.

4. Những tối tượng nào không nên cạo gió?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, không nên cạo gió cho những trường hợp sau đây:

  • Người quá gầy. 
  • Trẻ em dưới 3 tuổi.
  • Người già đang bị các bệnh nhiễm trùng, bệnh miễn dịch.

5. Những điều cần lưu ý khi cạo gió cho bệnh nhân

Khi cạo gió, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Khi cạo gió tránh chỗ lạnh, có gió lùa hoặc quạt thổi vào trong người.
  • Sau khi cạo xong, trong khoảng 30 phút không nên tắm.
  • Sau đó, nếu có tắm thì phải tắm bằng nước ấm
  • Sau khi cạo, hãy uống 1 cốc nước nóng, có thể cho thêm gừng, một chút muối sẽ tốt hơn.
  • Vật dụng dùng để cạo gió phải được khử trùng, nếu dùng tay thì cần rửa tay sạch sẽ.
  • Không cạo gió khắp các bộ phận trên người. 
  • Sử dụng các loại dầu cho trẻ em để cạo gió sẽ tốt hơn là dầu dành cho người lớn hay dầu dừa.

Dưới đây là audio chia sẻ của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay: