1. Đặc điểm của cây thầu dầu
Thầu dầu hay còn gọi là đu đủ tía (tên khoa học là Ricinus communis) là một loài thực vật trong họ Đại kích và là “thành viên” duy nhất trong chi Ricinus. Thầu dầu là một loài cây bụi có tốc độ phát triển rất nhanh, chiều cao có thể lên tới 12m. Lá cây bóng và dài, cuống lá có từ 5 – 12 thùy sâu với các phần răng cưa thô.
Cây thầu dầu (Nguồn: Internet)
Ở một số giống thầu dầu, ban đầu cây có màu đỏ đậm hay nâu, sau một thời gian sẽ chuyển dần sang màu xanh đậm, đôi khi cây có màu đỏ nhạt lúc trưởng thành. Lá cây thầu dầu có màu xanh lá, xanh lục hoặc có màu tối. Quả thầu dầu thường có hình cầu, trong quả có chứa những hạt hình bầu dục, sáng bóng, giống hạt đậu hay con bét.
Hoa thầu dầu thường có 2 màu là màu đỏ và màu xanh lá, hoa thường mọc ra tại các gai.
Trong cây thầu dầu, lá, thân, rễ và hạt đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, hạt thầu dầu có thể dùng làm dầu, loại dầu này chiết xuất ở dạng tinh khiết từ hạt trái thầu dầu bằng phương pháp ép lạnh và không có mùi vị. Nó được sử dụng rộng rãi ở Ai Cập cổ đại và sau đó được dùng như một loại thuốc ở Ba Tư và Trung Quốc.
2. Cây thầu dầu có tác dụng gì?
Trong dân gian, người ta thường dùng thầu dầu để chữa những bệnh sau đây:
- Dùng lá tươi của cây thầu dầu đắp lên trán và 2 bên thái dương để chữa đau đầu do cảm sốt. Người ta còn dùng lá thầu dầu để trị liệu các chứng bệnh ngoài da như viêm da mủ, eczema, mẩn ngứa, ung nhọt hay các bệnh viêm tuyến vú, viêm đa khớp.
- Rễ cây thầu dầu dùng chữa phong thấp, đau nhức khớp, đòn ngã sưng đau, sài uốn ván, động kinh, tâm thần phân liệt,…
Các bộ phận của cây thầu dầu đều có thể dùng làm thuốc (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, từ lâu người ta còn dùng hạt thầu dầu ép thành dầu để chữa bệnh. Vậy dầu thầu dầu có tác dụng gì?
3. Tác dụng của dầu thầu dầu
Hạt thầu dầu ép thành dầu có tác dụng nhuận tràng, thông tiện nên dùng chữa chứng táo bón ở trẻ em hay phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng nhẹ. Theo GS. Đỗ Tất Lợi thì dầu thầu dầu không gây hiện tượng xót trong ruột, chỉ làm ruột non và ruột già co bóp nhiều hơn nhưng không ảnh hưởng đến tiểu khung. Do đó, phụ nữ mang thai dùng để chống táo bón sẽ không có nguy hiểm gì.
Dầu thầu dầu được chiết xuất từ hạt thầu dầu (Nguồn: Internet)
Ngoài tác dụng chữa táo bón thì bạn có thể thoa dầu thầu dầu lên da trong các trường hợp:
- Bị các rối loạn về da, mụn nhọt.
- Có các túi nhiễm trùng (áp xe).
- Viêm tai giữa, đau nửa đầu.
- Bị đau nhức xương khớp.
Dầu thầu dầu có thể dùng với nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
4. Tham khảo một số bài thuốc từ cây thầu dầu
Dưới đây là một số bài thuốc dùng thầu dầu để chữa bệnh:
- Chữa đau đầu do cảm: Lấy lá thầu dầu đắp lên trán và 2 bên thái dương. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ thấy nhẹ đầu hoặc hết đau đầu (Theo kinh nghiệm dân gian).
- Chữa táo bón: Dùng 10 – 30g dầu hạt thầu dầu uống vào lúc đói, chỉ cần sau 3 – 4 giờ là sẽ đi đại tiện nhiều lần mà không bị đau bụng. Nếu muốn chữa nhanh hơn, chỉ cần tăng liều dầu hạt thầu dầu lên 30 – 50g thì sẽ đi đại tiện kéo dài 5 – 6 giờ liền (Theo GS. Đỗ Tất Lợi).
- Sinh khó hay sót nhau: Lấy khoảng 14 hạt thầu dầu, giã nát đem bó vào lòng bàn chân cả 2 bên. Sau khi đã sinh xong hay nhau sót đã ra hết phải tháo bỏ ngay thuốc ra và rửa sạch lòng bàn chân nơi đã đắp thuốc.
- Chữa liệt thần kinh mặt: Lấy hạt thầu dầu đã giã nát đắp vào phía mặt nơi đối diện (Theo TS. Võ Văn Chi).
Liệu cây thầu dầu có độc tính không?
Hạt thầu dầu thường được phơi khô trước khi sử dụng. Trong hạt thầu dầu chứa một protein rất độc có tên là ricin, chiếm tỷ lệ 3 – 5% trong hạt. Tuy nhiên, sau khi ép dầu thì chất này lại nằm trong khô dầu nên không sử dụng được khô dầu.
Hạt thầu dầu khi chưa đun chín sẽ có độc tính nên không dùng chữa bệnh bằng đường uống (Nguồn: Internet)
Theo GS. Đỗ Tất Lợi, chất độc ricin có trong hạt thầu dầu chỉ cần 0.002mg cũng có thể giết chết một con thỏ. Hay chỉ cần 4g khô dầu cũng đủ giết chết một con bê nặng 100kg. Hoặc chỉ cần tiêm 0.003mg chất độc ricin cho chó cũng đủ giết chết nó. Với người, 3mg chất ricin tiêm dưới da cũng đủ gây nôn mửa, từ 3 – 4 hạt là đủ gây chết trẻ em, 14 – 15 hạt là giết chết người lớn. Cơ chế tác dụng gây độc của ricin là làm vón hồng cầu và bạch cầu.
Tuy nhiên, khi tiêm ricin đã đun lâu có thể gây miễn độc. Ricin bị phá hủy ở nhiệt độ cao nên có một số nơi đã cho lợn ăn khô dầu hạt thầu dầu đã hấp nóng ở 115 độ C trong 1h30 phút, một số nơi khác thì dùng hạt thầu dầu nấu hay xào ăn mà không xảy ra hiện tượng ngộ độc.
Như vậy, trong hạt thầu dầu có độc tính nên trong Đông y, người ta không dùng hạt thầu dầu làm thuốc uống mà chỉ sử dụng làm thuốc đắp ngoài.