Chờ...

Tìm hiểu những tác dụng của bột sắn dây

(VOH) - Nhiều người thường dùng bột sắn dây để pha nước uống hoặc nấu lên để ăn vì nó giúp làm mát, nhưng không biết rằng tác dụng của bột sắn dây có thể giúp đẩy lùi một số bệnh tật.

Bột sắn dây là loại đồ uống quen thuộc của rất nhiều người. Không những thế, thực phẩm này còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Nếu bạn còn chưa biết bột sắn dây là gì, tác dụng của bột sắn dây đối với sức khỏe ra sao, thì những thông tin của bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thực phẩm này.

1. Bột sắn dây là gì?

Sắn dây (củ sắn dây, bạch cát...) có tên khoa học là Pueraria thomsonii, là loại cây dây leo thuộc họ Đậu, được trồng ở nhiều nơi để làm thực phẩm và làm thuốc. Hầu hết các bộ phận của cây sắn dây đều có thể làm thuốc chữa bệnh, song bộ phận dùng tốt nhất là rễ (củ sắn dây), thường được thu hoạch vào mùa đông, xuân.

tac-dung-cua-bot-san-day-voh-0
Bột sắn dây là tinh chất được chắt lọc từ củ sắn dây (Nguồn: Internet)

Bột sắn dây là tinh chất được chắt lọc từ củ sắn dây. Loại củ này sau khi được làm sạch sẽ mang đi xay cùng với nước lọc. Tinh chất sắn dây được để trong một tấm vải lọc đã chắt hết nước. Sau đó đem đi sấy khô. Bột sắn dây có màu trắng và thường ở dạng bột rắn.

Bột sắn dây được dùng làm nguyên liệu cho một số món ăn, thức uống,… với công dụng điển hình là giúp giải nhiệt, thanh mát cơ thể. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cả Đông y lẫn Tây y thì bột sắn còn mang đến rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

2. Bột sắn dây có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Đông y gọi bột sắn dây là cát căn và tác dụng của bột sắn dây theo Đông y rất phong phú. Một số tác dụng tốt của bột sắn dây có thể kể đến như:

  • Thanh nhiệt giải độc
  • Thông tiểu, tăng tiết mồ hôi
  • Giải rượu
  • Sinh tân dịch
  • Tăng dương chỉ tả

Chính nhờ những tác dụng của bột sắn dây nên nhiều người đã sử dụng bột sắn dây để chữa một số loại bệnh như: sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết và tai ù tai điếc.

Còn theo y học hiện đại, trong bột sắn dây có chứa rất nhiều dưỡng chất, trong đó thành phần chủ yếu nhất bao gồm: Daidzein C21H20O9, Daidzein C15H10O4, tinh bột, puerarin, isoflavone... và phần lớn những thành phần này đều có tác dụng tích cực cho cơ thể, chẳng hạn như:

2.1 Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Một trong những công dụng của bột sắn dây là giúp điều trị bệnh tiểu đường. Chất puerarin trong bột sắn dây có khả năng làm giảm lượng đường trong và cải thiện tình trạng kháng insulin.

Ngoài ra, chất này còn làm ức chế phản ứng Maillard - phản ứng hóa học giữa axit amin và đường khử, tạo thành các chất có thể gây ảnh hưởng đến sự lão hóa và sự phát triển của bệnh tiểu đường hoặc khiến cho bệnh càng nặng hơn.

Hơn thế, chất puerarin còn có thể giúp trì hoãn các biến chứng của bệnh tiểu đường như biến chứng tim mạch, bệnh thận đái tháo đường, võng mạc tiểu đường....

2.2 Hỗ trợ tiêu hóa

Tác dụng của bột sắn dây với dạ dày chính là nó có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt là với những người bị viêm loét dạ dàyhội chứng ruột kích thích. Khi tinh bột kháng trong bột sắn dây lên men bên trong ruột kết sẽ nuôi các vi khuẩn lành mạnh ở đó. Lúc này tinh bột biến thành các axit béo chuỗi ngắn.

Một trong những axit béo chuỗi ngắn này là butyrate, đây là một thành phần quan trọng trong các tế bào của ruột kết bởi chúng có thể làm giảm mức độ viêm nhiễm bên trong ruột kết. Điều này sẽ giúp cơ thể chống lại nhiều vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như ung thư trực tràng và viêm loét đại tràng.

Tuy nhiên, do bột sắn dây có tính hàn, cho nên những người có các triệu chứng như đại tiện lỏng, bụng đầy trướng, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, miệng nhạt, sắc mặt vàng tái… thì không nên dùng sắn dây.

2.3 Điều trị chứng nghiện rượu, giải độc

Rượu là chất kích thích không tốt cho sức khỏe. Sử dụng bột sắn dây có thể giúp bạn hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc và bảo vệ gan giáp làm giảm cơn say.

Trong Đông y cũng sử dụng bột sắn dây như một phương pháp điều trị chứng nghiện rượu và làm giảm lượng rượu hấp thụ trong cơ thể.

Xem thêm: Uống bao nhiêu rượu mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc chứng nghiện rượu?

2.4 Bổ sung sắt cho cơ thể

Bột sắn dây là một nguồn cung cấp chất sắt lành mạnh. Chỉ cần mỗi ngày uống một ly nước bột sắn dây là bạn đã có thể bổ sung khoảng 13% lượng sắt cần thiết cho cơ thể, giúp ngăn thừa tình trạng thiếu máu.

tac-dung-cua-bot-san-day-voh-1
Sử dụng bột sắn dây có thể giúp bổ sung nguồn chất sắt cho cơ thể (Nguồn: Internet)

2.5 Giải khát chống đói hiệu quả

Uống nước sắn dây giúp bạn giải khát tức thì, nhất là với những người bị huyết áp cao, đau đầu và bị nhiệt miệng.

Ngoài ra, trong bột sắn dây cũng chứa rất nhiều tinh bột kháng, có thể giúp bạn cảm thấy ít đói hơn.

2.6 Cải thiện kích thước vòng 1

Bột sắn dây rất giàu chất protein và lecithin, đây là những chất có thể sản sinh nội tiết tố nữ estrogen giúp vòng 1 căng tròn và săn chắc hơn. Ngoài, bột sắn dây cũng giúp điều hòa kinh nguyệt.

2.7 Làm đẹp da

Giúp da sáng đẹp, mờ vết tàn nhang cũng là một trong những công dụng của bột sắn dây đối với phụ nữ. Chất isoflavone trong bột sắn dây sẽ thay thế hormone bị rối loạn và làm ổn định hoạt động của chúng, ngăn cản sự bài tiết quá nhiều của các sắc tố melanin làm giảm thâm, nám.

Bên cạnh đó, tác dụng thanh nhiệt của bột sắn dây sẽ giúp đẩy lùi các độc tố tích tụ trong cơ thể, làm giảm mụn, trả lại cho chị em một làn da sáng trắng, mịn màng.

3. Tác dụng của bột sắn dây với bà bầu

Phụ nữ mang thai có sự thay đổi về hormone mạnh mẽ, dẫn đến xuất hiện nhiều vấn đề ở đường ruột và thường gặp phải tình trạng đầy bụng khó tiêu, táo bón... Lúc này, mẹ bầu có thể sử dụng bột sắn dây để cải thiện các vấn đề trên.

Ngoài ra, bà bầu uống bột sắn dây cũng giúp cung cấp rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, như chất sắt, vitamin và khoáng chất....Cho nên, bột sắn dây được xem là thực phẩm lành mạnh cho bà bầu.

Xem thêm: Mẹ bầu uống bột sắn dây như thế nào để nhận được 'lợi ích vàng' cho sức khỏe?

4. Cách uống bột sắn dây tốt cho sức khỏe

Mặc dù tác dụng của bột sắn dây tốt cho sức khỏe nhưng vì bất cứ thứ gì, ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Do đó, cách uống sắn dây tốt nhất là nên uống chín và không uống quá nhiều trong cùng một ngày.

Bên cạnh đó, khi uống bột sắn dây bạn cũng cần lưu ý:

  • Nhiều người có thói quen ướp hoa bưởi vào sắn dây để nước uống được thơm hơn, tuy nhiên thói quen này là không nên. Bởi hoa bưởi khi ướp cùng với bột sắn dây sẽ làm giảm dược tính của bột.
  • Đối với trẻ em, các bộ phận trên cơ thể còn non yếu thì không nên cho trẻ dùng bột sắn dây sống vì dễ bị lạnh, gây tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần khuấy chín bột sắn để tính hàn được giảm bớt, đồng thời dễ tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn.
  • Đối với phụ nữ mang thai, nếu cơ thể mệt mỏi, có biểu hiện tụt huyết áp thì không nên uống bột sắn dây. Trong trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, dạ con co bóp nhiều thì cũng không nên dùng bột sắn dây.

5. Những cách chế biến bột sắn dây trong ẩm thực

Đa số mọi người thường sử dụng bột sắn dây pha nước uống, thế nhưng trên thực tế bột sắn dây còn được sử dụng làm nguyên liệu của rất nhiều món ăn ngon, điển hình nhất là các món chè hoặc làm bánh.

tac-dung-cua-bot-san-day-voh-2
Bột sắn dây thường sử dụng để pha nước uống (Nguồn: Internet)

Tuy không phải là nguyên liệu chính, nhưng bột sắn dây lại là nguyên liệu hỗ trợ cần thiết để các món thêm phần thơm ngon và hấp dẫn.

Xem thêm: 8 món ăn, thức uống dành cho những ai chưa biết bột sắn dây làm gì ngon?

6. Sử dụng nhiều bột sắn dây có hại không?

Một số người cho rằng dùng nhiều bột sắn dây sẽ gây hại dạ dày, gây bệnh sỏi thận hay uống với mật ong sẽ gây chết người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phần của bột sắn chủ yếu là tinh bột, không có quá nhiều chất kali nên khả năng gây sỏi thận là rất ít.

Hơn nữa, bột sắn dây khi uống cùng với mật ong cũng không gây nguy hiểm vì 2 thực phẩm này không nằm trong nhóm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xem thêm: ‘Hoang mang’ với những tác hại của bột sắn dây và lời khuyên đúng đắn

7. Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng (bột sắn)

Có rất nhiều người thường nhầm lẫn bột sắn dây và bột năng do tên gọi vùng miền. Bột sắn dây được làm từ củ sắn dây, trong khi bột năng được làm từ củ sắn hay còn gọi là củ khoai mì. Do đó, đây là 2 loại bột hoàn toàn khác nhau và cách phân biệt chúng cũng rất đơn giản.

Bột sắn dây Bột năng

Được làm từ củ sắn dây

Bột sắn có dạng miếng lớn

Bột sắn có thể sử dụng trực tiếp, có thể pha nước và uống

Bột sắn có khả năng làm đẹp

Được làm từ củ khoai mì

Bột năng có dạng bột mịn

Bột chỉ dùng như một chất phụ gia để món ăn thêm sóng sánh hoặc giòn

Không có tác dụng làm đẹp

8. Thành phần các chất trong bột sắn dây

Theo nghiên cứu, người ta tìm thấy trong bột sắn dây có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Dưới đây là thành phần dinh dưỡng trong 100g bột sắn dây:

  • Nước: 14g
  • Năng lượng: 340KCal
  • Chất đạm: 0.7g
  • Chất đường bột: 84.3g
  • Chất xơ: 0.8g
  • Canxi: 18mg
  • Sắt: 1.5mg
  • Photpho: 20mg

Nhìn chung, tác dụng của bột sắn dây rất tốt cho sức khỏe nhưng để uống bột sắn dây đúng cách thì người bình thường không nên uống quá 1ly/ngày. Đặc biệt, chỉ nên cho một chút đường vào nước uống vì dùng nhiều đường cũng không tốt cho sức khỏe.