Chờ...

Đau đầu như thế nào là dấu hiệu nguy hiểm?

(VOH) - Đau đầu là triệu chứng mà hầu như ai cũng đã trải qua. Có nhiều dạng đau đầu khác nhau, nó có thể là triệu chứng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.

Đối với một số người cơn đau đầu có thể thoáng qua nhưng với nhiều người nó kéo dài dai dẳng khiến công việc cũng như sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Vậy thực chất đau đầu là bệnh gì?

1. Vì sao bị đau đầu?

Đau đầu là sự xáo động trong các cấu trúc nhạy cảm đau ở vùng đầu. Bản thân bộ não không nhạy cảm với đau vì nó không có thụ thể cảm nhận đau. Một số vùng trên đầu và cổ có các cấu trúc nhạy cảm. Các cấu trúc này chia làm 2 loại là trong sọ (mạch máu, màng não và các dây thần kinh sọ) và ngoài sọ (màng ngoài xương sọ, cơ, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch, mô dưới da, mắt, tai, xoang và niêm mạc).

dau-dau-nhu-the-nao-la-dau-hieu-nguy-hiem-voh

Đau đầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Trong y học, đau đầu là một triệu chứng thường gặp, biểu hiện là đau nhức nhói ở phần đầu do nhiều nguyên nhân gây ra. Cụ thể, đau đầu có thể do các nguyên nhân sau đây:

1.1 Đau đầu nguyên phát

Đau đầu nguyên phát thường do các thụ thể đau ở đầu hoạt động quá mức gây ra. Nhiều người cho rằng có những phản ứng hóa học xảy ra trong não, dây thần kinh, mạch máu trong và ngoài hộp sọ và cơ ở đầu cổ. Các tình trạng bệnh lý thường sẽ không phải là nguyên nhân gây bệnh. Các dạng đau đầu nguyên phát là đau nửa đầu, đau đầu căng cơ, đau đầu cụm, đau đầu mãn tính (đau đầu kinh niên) và đau đầu do nội tiết tố.

Một số yếu tố có thể gây đau đầu nguyên phát như:

  • Rượu, đặc biệt là rượu đỏ.
  • Một vài thức ăn nhất định như thịt đã qua chế biến có chứa nitrat.
  • Thay đổi giờ giấc ngủ liên tục làm rối loạn nhịp sinh học hay thiếu ngủ.
  • Tư thế ngủ không tốt.
  • Bỏ bữa.

1.2 Đau đầu thứ phát

Đau đầu thứ phát thường do những bệnh lý nghiêm trọng gây ra như:

  • Xuất huyết ở vị trí giữa não và lớp màng mỏng bao bọc não (xuất huyết dưới màng nhện).
  • Huyết áp cao.
  • Nhiễm trùng não như viêm màng não, viêm não hay áp xe não.
  • U não.
  • Tụ dịch trong não gây phù não (não úng thủy).
  • Áp lực trong não tăng cao nhưng không phải cho khối u (u não giả).
  • Ngộ độc khí cacbon oxit.
  • Thiếu oxy khi ngủ (chứng ngưng thở khi ngủ).
  • Các vấn đề mạch máu và xuất huyết trong não như dị dạng động tĩnh mạch (AVM), phình động mạch não hay đột quỵ.
  • Đau đầu do viêm xoang.

Hầu hết các cơn đau đầu có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi, thư giãn nhưng nếu những cơn đau đầu nặng, kéo dài thì có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Khi đó, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và xác định nguyên nhân.

2. Nhận diện các cơn đau đầu nguy hiểm

Khi những cơn đau đầu có đặc điểm như sau thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

dau-dau-nhu-the-nao-la-dau-hieu-nguy-hiem-voh

Đau đầu có thể cảnh báo những bệnh lý ở não (Nguồn: Internet)

  • Đau đầu do dị dạng mạch máu não: Cơn đau thường diễn tiến đau âm ỉ, dai dẳng. Dị dạng mạch máu não có thể gây ra xuất huyết não, động kinh, nặng hơn có thể hôn mê và tử vong.
  • Đau đầu do viêm màng não: Đau đầu dữ dội, uống thuốc nhưng không giảm, đôi khi bị cứng cổ, sợ ánh sáng, đau đầu buồn nôn và đau đầu sốt cao. Viêm màng não thường do virus, vi trùng. Nếu do siêu vi trùng gây nên thì bệnh có thể khỏi trong vòng vài ngày, nếu do vi trùng thì sức khỏe bệnh nhân có thể diễn tiến trầm trọng hơn.
  • Đau đầu do u não: U trong não làm tăng áp lực nội sọ nên đau đầu ở giai đoạn đầu thường âm ỉ, kéo dài. Giai đoạn sau, đau đầu chóng mặt buồn nôn, giảm thị lực, kèm các dấu hiệu của thần kinh như liệt chi thể, liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ. Lúc này, đau đầu liên tục và uống thuốc không giảm.
  • Đau đầu do xuất huyết não (đột quỵ): Đau đầu đột ngột, dữ dội và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh. Bệnh nhân có thể bị đột quỵ ngay sau khi gắng sức về tâm lý và thể lực trong lúc làm việc, sinh hoạt, thậm chí lúc ngủ.
  • Đau đầu do tăng huyết áp: Trường hợp này đau đầu thường đột ngột, dữ dội. Đau đầu khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán. Bệnh nhân cũng có thể cứng các cơ gáy, đau lên đỉnh đầu và lan tới vùng trán, thường đau nhiều về ban đêm.
  • Đau đầu do chấn thương sọ não: Xảy ra sau một chấn thương vùng sọ não đủ mạnh gây bất tỉnh, sau đó xuất hiện đau đầu mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn ý thức. Người bệnh thấy đau khắp đầu, đau xuất hiện một vài ngày hoặc vài tuần sau va chạm. Khi đau đầu kèm chảy máu nặng sẽ gây buồn nôn và nôn, rối loạn ý thức, liệt nửa người, rối loạn đại tiểu tiện.

Như vậy, khi có những biểu hiện đau đầu khác thường bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay. Các bác sĩ sẽ dùng các phương tiện cận lâm sàng như chụp cắt lớp thường, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp đa dãy,…để xác định nguyên nhân gây đau đầu. Tuyệt đối không nên chủ quan với các cơn đau đầu bất thường rồi tự ý mua thuốc giảm đau về dùng. Bởi những dạng đau đầu ác tính cần phải thăm khám, xét nghiệm cẩn thận để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.