Chờ...

Trẻ bị đau đầu có phải là dấu hiệu của bệnh lý?

(VOH) – Đau đầu là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em nhưng nhiều cha mẹ lại mơ hồ không biết là bệnh gì và điều trị như thế nào hiệu quả khi trẻ bị đau đầu.

Có thể nói, đau đầu là một tình trạng khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Riêng ở trẻ em thì theo thống kê có khoảng 10 – 15% trẻ trong độ tuổi từ 5 – 17 tuổi đến khám tại khoa thần kinh, tâm thần và và nhi khoa vì bị đau đầu.

1. Trẻ bị đau đầu là bệnh gì?

Cũng giống như người lớn, trẻ em bị đau đầu thường sẽ có cảm giác đau đớn, đau nhói hoặc đau như “búa bổ”. Các cơn đau có thể chỉ kéo dài trong một vài phút hoặc cũng có thể kéo dài lâu hơn.

Tình trạng đau đầu ở trẻ em được chia làm 3 loại là: chứng đau đầu chính (primary headaches), đau đầu phụ (secondary headaches) và đau đầu theo dạng cụm .

1.1 Đau đầu chính (primary headaches)

Dạng đau đầu chính được hiểu là tình trạng nhức đầu không phải bệnh lý gây ra. Đau căng đầu và đau nửa đầu là 2 dạng đau phổ biến nhất của tình trạng đau đầu chính. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên (chiếm khoảng 10%) và chỉ kéo dài trong vài phút.

Triệu chứng đau đầu chính ở trẻ em được được mô tả là trẻ có cảm giác bị xiết chặt ở hai bên đầu, thỉnh thoảng xuất hiện ở trán, phía sau đầu và cổ hoặc cả khu vực này. Những cơn đau thường bắt đầu đột ngột, theo kiểu mạch đập. Cơn đau đầu thường xảy ra một bên, một số bé có thể cảm thấy đau cả hai bên.

Sự tiến triển của cơn đau có thể ngắt quảng hoặc kéo dài hàng giờ, đôi khi cả ngày. Trong một số trường trường hợp trẻ có thể bị đau đầu kèm theo buồn nôn hoặc nôn.

1.2 Đau đầu phụ (secondary headaches)

Đau đầu phụ thường là dấu hiệu của bệnh lý. Một số căn bệnh có thể gây ra chứng đau đầu phụ ở trẻ em như:

  • Chấn thương ở cổ
  • Các vấn đề xoang, mắt, răng, tai hoặc các bộ phận khác
  • Trẻ em mắc bệnh trầm cảm từ nhẹ đến nặng
  • Nhiễm trùng.

tre-bi-dau-dau-trieu-chung-binh-thuong-hay-dau-hieu-nguy-hiem-voh

Trẻ bị đau đầu phụ thường do bệnh lý gây ra (Nguồn: Internet)

Các triệu chứng của chứng đau đầu phụ thường là đau có mức độ nhẹ đến vừa và âm ỉ, đau nhức thường xảy ở hai bên đầu, đau ở vai và cổ và thói ngủ của bé có thể bị thay đổi.

1.3 Đau đầu theo cụm

Chứng đau đầu cụm thường xuất hiện ở những em bé trên 10 tuổi. Những cơn đau đầu thường bắt đầu xuất hiện một bên, đột ngột, cường độ mạnh. Đầu tiên sẽ xảy ở trong và xung quanh mắt sau đó lan ra nửa cổ, nửa mặt, nửa đầu.

Các cơn đau kéo dài khoảng 1 tuần hoặc 1 tháng. Nếu bé bị đau, mẹ sẽ thấy phía bên đau của bé bị tắc mũi, đỏ mặt, co đồng tử, sụp mí mắt, lồi mắt và các triệu chứng khác.

2. Nguyên nhân khiến trẻ hay bị đau đầu

Biết được nguyên nhân trẻ bị đau đầu sẽ giúp mẹ áp dụng đúng cách chữa đau đầu cho trẻ. Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, những nguyên nhân thường gây đau đầu ở trẻ là:

  • Di truyền: Trong gia đình có người có tiền sử thường xuyên bị đau đầu thì trẻ sinh ra nhiều khả năng cũng sẽ bị đau đầu.
  • Chấn thương đầu: Những va chạm hay tai nạn ở vùng đầu cũng là nguyên nhân khiến bé bị đau đầu. Đặc biệt với những tình trạng trẻ bị đau đầu liên tục và diễn biến càng xấu đi thì cha mẹ phải hết sức lưu tâm vì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm.
  • Bệnh tật và nhiễm trùng: Nếu trẻ đã hoặc đang mắc phải các bệnh như bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, cảm cúm... thì trẻ cũng có thể bị đau đầu.
  • Do môi trường: Thời tiết biến đổi cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em.
  • Yếu tố cảm xúc: Giống như người lớn, trẻ nhỏ khi gặp phải áp lực, căng thẳng do học hành hay các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, cha mẹ... cũng đều rất dễ xuất hiện tình trạng đau đầu.

3. Điều trị chứng đau đầu cho bé bằng cách nào?

Để xác định được nguyên nhân cũng như loại đau đầu mà bé gặp phải bác sĩ sẽ phải khai thác bệnh sử của bé, yêu cầu làm một số xét nghiệm liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Điều trị đau đầu ở trẻ em thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi của bé, loại đau đầu và tần số cơn đau, tiền sử bệnh.

Các phương pháp điều trị chứng đau đầu ở trẻ em thường được áp dụng là: Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, uống thuốc, thay đổi thói quen sống và sử dụng các liệu pháp.

tre-bi-dau-dau-trieu-chung-binh-thuong-hay-dau-hieu-nguy-hiem-1-voh

Trẻ bị đau đầu do căng thẳng trong học tập hãy cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, tránh stress (Nguồn: Internet)

  • Nếu trẻ đau đầu do căng thẳng hoặc bị đau đầu chính (đau đầu không do bệnh lý) thì hãy cho bé nghỉ ngơi. Có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định bác sĩ để tránh dùng quá liều.
  • Nếu trẻ đau đầu do gặp phải các vấn đề trầm cảm, lo lắng thì cha mẹ cần áp dụng một số liệu pháp điều trị như cho bé tập yoga, các bài tập thở, châm cứu và xoa bóp...
  • Nếu trẻ bị đau đầu có liên quan tới các bệnh lý và kèm theo nhiều triệu chứng như sốt cao, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… thì cha mẹ cần đưa trẻ tới các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám cẩn thận.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho bé để giúp cơ thể nhận đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của bé.

Lưu ý: Nếu trẻ chỉ thỉnh thoảng bị đau đầu và những thời điểm khác trẻ vẫn bình thường thì cha mẹ cũng không cần thiết phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường dưới đây mà cha mẹ chưa xác định được loại đau đầu bé mắc phải thì hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.

  • Cơn đau đầu xuất hiện vào buổi sáng sớm
  • Đau đầu làm trẻ không thể ngủ ngon
  • Cơn đau tăng dần và diễn ra thường xuyên hơn
  • Buồn nôn mỗi khi đau đầu, giảm thị lực, động kinh...

4. Một số biện pháp giúp phòng ngừa chứng đau đầu ở trẻ em

Cha mẹ có thể giúp bé phòng ngừa chứng đau đầu bằng các biện pháp sau:

  • Không cho bé tiếp xúc với tiếng nhạc quá lớn hoặc đèn quá sáng, tránh căng thẳng quá mức. Nếu bé bị đau nửa đầu, hãy giữ cho môi trường xung quanh càng yên tĩnh càng tốt.
  • Ngủ đủ giấc, thiếu ngủ thường xuyên là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ.
  • Sợ hãi và lo lắng thường gây ra nhức đầu. Do đó, hãy cho bé tập một vài bài tập thở hoặc ngồi thiền để giảm căng thẳng.
  • Cho bé uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng đau đầu do mất nước.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau xanh và tránh những món ăn có quá nhiều dầu mỡ.

Nhìn chung khi trẻ bị đau đầu, mẹ nên chú ý quan sát cẩn thật hơn bình thường một chút, để khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường sẽ có thể nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám và điều trị.