Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cường cận giáp là bệnh gì?

(VOH) - Cường cận giáp là bệnh do tuyến cận giáp hoạt động quá nhiều và làm lượng canxi trong máu cao lên. Vậy làm sao để nhận biết căn bệnh này và nó có nguy hiểm hay không?

1. Cường cận giáp là gì?

Tuyến cận giáp là 4 tuyến nhỏ nằm bên cạnh tuyến giáp, tuyến này có tác dụng kiểm soát sự cân bằng của canxi trong cơ thể. Nếu như lượng canxi thấp thì tuyến này sẽ tạo ra một loại hormone để đưa lượng canxi trong cơ thể về mức bình thường.

cuong-can-giap-la-benh-gi-voh-1

Tuyến cận giáp gồm có 4 tuyến nhỏ (Nguồn: Internet)

Bệnh cường cận giáp (hay bệnh tăng năng tuyến cận giáp) là bệnh do tuyến cận giáp hoạt động quá nhiều và làm lượng canxi trong máu cao lên. Bệnh cường cận giáp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến loãng xương, sỏi thận, cao huyết áp, viêm nhiễm tuyến tụy hoặc viêm loét dạ dày.

Cường cận giáp có 2 loại gồm:

  • Cường cận giáp tiên phát: Bệnh xảy ra do các tuyến cận giáp hoạt động quá nhiều, dẫn đến việc tiết hormone quá nhiều gây dư thừa canxi trong máu.
  • Cường cận giáp thứ phát: Bệnh xảy ra do cơ thể mắc phải một căn bệnh nào đó, dẫn đến lượng canxi trong xương bị giảm đi.

2. Triệu chứng khi bị cường cận giáp

Cường cận giáp hầu như không có biểu hiện rõ ràng. Nếu các triệu chứng lâm sàng xảy ra thì chúng là kết quả của các tổn thương hoặc rối loạn chức năng trong các cơ quan khác do canxi trong máu cao hoặc quá ít canxi trong xương. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Xương dễ gãy hoặc vỡ (loãng xương).
  • Sỏi thận.
  • Đi tiểu quá nhiều.
  • Đau bụng.
  • Mệt mỏi hoặc suy yếu một cách dễ dàng.
  • Trầm cảm, quên lãng.
  • Đau xương và đau khớp.
  • Buồn nôn, nôn hoặc chán ăn.

Những triệu chứng này có thể được gây ra bởi bất kỳ các rối loạn nào, kể cả một số biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, hãy đi khám ngay nếu có những dấu hiệu và triệu chứng trên.

3. Vì sao bị cường cận giáp?

Cường cận giáp có thể xảy ra do vấn đề với các tuyến cận giáp (tiên phát) hoặc vì một bệnh nào đó ảnh hưởng đến chức năng của tuyến này (thứ phát). Cụ thể:

3.1 Cường cận giáp tiên phát

Có thể xảy ra vì một số yếu tố sau:

  • Sự tăng trưởng của u tuyến (không phải ung thư) trên một tuyến là nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Tăng sản 2 hay nhiều tuyến cận giáp.
  • Do khối u ung thư nhưng hiếm gặp.

cuong-can-giap-la-benh-gi-voh-1

Cường cận giáp có thể do u tuyến (Nguồn: Internet)

3.2 Cường cận giáp thứ phát

Cường cận giáp thứ phát là kết quả của vấn đề làm giảm nồng độ canxi. Do đó, tuyến cận giáp làm việc quá sức để bù đắp cho việc mất canxi. Yếu tố có thể góp phần gây cường cận giáp thứ phát bao gồm:

  • Thiếu hụt canxi nghiêm trọng do cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống (nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa không hấp thụ được canxi).
  • Thiếu vitamin D trầm trọng: Vitamin D giúp duy trì mức độ thích hợp của canxi trong máu và nó giúp hệ tiêu hóa hấp thụ canxi từ thức ăn tốt hơn. Cơ thể sản xuất ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tiêu thụ một số vitamin trong thực phẩm. Nếu không có đủ vitamin D, mức canxi có thể giảm.
  • Suy thận mãn tính: Thận chuyển đổi vitamin D thành một dạng mà cơ thể có thể sử dụng. Nếu chức năng thận kém, có thể “từ chối” sử dụng vitamin và canxi. Suy thận mạn tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường cận giáp thứ phát.

4. Cường cận giáp có nguy hiểm không?

Cường cận giáp kéo dài không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Loãng xương: Việc mất canxi thường dẫn đến chứng loãng xương hoặc xương yếu, giòn, dễ gãy.
  • Sỏi thận: Việc dư thừa canxi trong máu có thể làm lắng đọng canxi và các chất khác trong thận. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh sỏi thận hình thành và phát triển.
  • Bệnh tim mạch: Mức canxi cao có liên quan đến bệnh tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp và một số rối loạn ở tim.
  • Cường cận giáp sơ sinh: Phụ nữ mang thai bị cường cận giáp không điều trị có thể gây ra mức canxi thấp, nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

5. Điều trị cường cận giáp bằng cách nào?

Bác sĩ có thể khuyên người bệnh không điều trị mà chỉ theo dõi thường xuyên nếu:

  • Thận hoạt động bình thường.
  • Mật độ xương bình thường hoặc chỉ dưới mức bình thường một chút.
  • Không có triệu chứng.

Nếu được chỉ định điều trị, bạn có thể điều trị theo 2 phương pháp sau đây:

5.1 Dùng thuốc

Các loại thuốc dùng để điều trị cường cận giáp gồm:

  • Calcimimetics là loại thuốc “bắt chước” canxi lưu hành trong máu, thuốc có thể “lừa” các tuyến cận giáp vào giải phóng hormone tuyến cận giáp.
  • Liệu pháp hormone thay thế: Đối với phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh và có dấu hiệu của bệnh loãng xương, liệu pháp hormone thay thế có thể giúp xương giữ được canxi.
  • Bisphosphonates cũng ngăn chặn việc mất canxi từ xương và có thể làm giảm loãng xương gây ra do cường cận giáp.

5.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho cường cận giáp tiên phát. Bác sĩ sẽ loại bỏ những tuyến phì đại hoặc có khối u (u tuyến). Nếu tất cả 4 tuyến đều bị ảnh hưởng, có khả năng bác sĩ sẽ loại bỏ chỉ 3 tuyến và để lại một số mô chức năng tuyến cận giáp thứ 4.

5.3 Một số lời khuyên cho người bệnh

Để ngăn ngừa biến chứng và điều trị bệnh hiệu quả bạn cần:

  • Bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ vào chế độ ăn uống. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng bổ sung.
  • Uống nhiều nước.
  • Tập thể dục mỗi ngày để duy trì xương chắc khỏe.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh các loại thuốc nâng cao mức canxi như thuốc lợi tiểu và lithium.

Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng chỉ cần theo dõi thì hãy thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bình luận