Ở những tháng đầu tiên sau sinh, hầu như đa phần các mẹ thường dành hết thời gian để chăm sóc bé cưng và hầu như không có thời gian để chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc cho biết, việc chăm sóc bé quan trọng, nhưng chăm sóc mẹ sau sinh cũng quan trọng không kém. Bởi sau sinh cơ thể người mẹ gần như kiệt sức, nếu lúc này sức khỏe người mẹ có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của em bé.
1. Cách chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh
1.1 Bổ sung dinh dưỡng
Dinh dưỡng cho người mẹ trong tuần đầu sau sinh là cực kỳ quan trọng. Sản phụ cần phải uống nhiều nước và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như: sắt, canxi, axit folic vì những chất này sẽ được truyền qua cho trẻ bằng sữa mẹ.
Bên cạnh đó, chị em phải ăn đa dạng thực phẩm như thịt, cá, đậu, rau quả... Không nên có quan niệm kiêng cữ quá nhiều, đặc biệt là với các loại rau xanh. Việc kiêng khem sau sinh có thể khiến cơ thể sản phụ bị thiếu chất, từ đó không đủ nguồn sữa cung cấp cho bé.
Các mẹ cũng cần lưu ý, một số trường hợp trẻ bú sữa mẹ bị nổi sẩn đỏ trên mặt thì có nhiều khả năng trẻ bị dị ứng với một số loại thức ăn của người mẹ đang ăn thông qua sữa. Do đó, ở những trường hợp này mẹ cần đưa bé đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác bé bị gì để có cách phòng ngừa hiệu quả.
1.2 Chăm sóc bầu vú
Khi chăm sóc mẹ sau sinh, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng thì việc chăm sóc bầu vú người mẹ sau sinh cũng cực kỳ quan trọng. Thông thường, vài giờ sau khi sinh lượng sữa mẹ thường chưa về kịp, tuy nhiên, sản phụ không nên vội vã cho trẻ bú bình vì có thể khiến bé không chịu bú sữa mẹ nữa.
Để có được nguồn sữa mẹ luôn được dồi dào và đầy đủ cho con là vô cùng quan trọng và các mẹ nên lưu ý những điều sau đây:
- Với sản phụ sinh mổ
Nếu trong ngày đầu tiên lượng sữa chưa về chưa nhiều thì mẹ vẫn nên cho bé ngậm ti mẹ, để tạo một nguồn phản xạ giúp tạo ra sữa nhanh hơn. Trong trường hợp vẫn không có sữa các mẹ có thể tự massage bầu ngực hoặc nặn sữa ra bình để bé bú.
Tuyệt đối không nên vắt bỏ sữa non vì trong sữa non có chứa nhiều kháng thể, giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật trong những ngày đầu tiên.
Cho trẻ bú sữa mẹ để giúp làm giảm tình trạng bị tắc nguồn sữa (Nguồn: Internet)
- Với sản phụ sinh thường
Chăm sóc bầu vú mẹ sinh thường đơn giản hơn do lượng sữa về khá nhanh và dễ dàng. Các mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt, thậm chí mẹ có thể cho trẻ bú ngay khi trẻ được sinh ra sau 30 phút.
Ngoài ra, trước khi cho trẻ bú các mẹ cũng cần chú ý vệ sinh đầu vú cho sạch bằng cách rửa sạch tay, lau sạch bầu vú bằng nước ấm.
Trong quá trình cho con bú, nếu thấy quầng vú thường xuyên bị đau, sưng đỏ... thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám bởi có thể sản phụ đang gặp phải các vấn đề như bị tắc tia sữa, áp-xe vú...
1.3 Làm gì để giảm đau vú cho bà mẹ sau sinh?
Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, có rất nhiều sản phụ gặp phải tình trạng bầu vú bị căng đau sau khi sinh xong. Để cải thiện tình trạng này, các mẹ có thể áp dụng những cách sau đây:
- Trường hợp bị cương tắc sữa nhẹm: chị em có thể tự massage hoặc dùng khăn nóng đắp lên 2 bầu vú để làm giảm tình trạng đau, căng cứng.
- Trường hợp cương tắc sữa nặng hơn: các mẹ có thể thông sữa bằng máy hút sữa.
- Trường hợp mẹ bị áp-xe vú: cần phải đi thăm khám và điều trị theo chỉ định bác sĩ.
2. Chăm sóc tâm lý mẹ sau sinh như thế nào?
Bác sĩ Phượng cho biết, có khoảng 90% phụ nữ sẽ phải gặp các vấn đề về tâm lý sau sinh, đặc biệt là vấn đề trầm cảm. Nguyên nhân của chứng trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh xong là do sự thay đổi của yếu tố nội tiết estrogen và progesterone bị giảm đột ngột, đồng thời nội tiết tố của tuyến giáp của bị giảm.
Có khoảng 90% phụ nữ sẽ gặp phải chứng trầm cảm nhẹ sau khi sinh (Nguồn: Internet)
Khi nội tiết tố trong cơ thể giảm nhanh chóng sẽ khiến cho sản phụ có cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn... Ngoài ra, áp lực khi phải chăm sóc con cũng khiến mẹ bầu bị trầm cảm.
Phần lớn phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ tự khỏi sau 2 tuần sinh con, tỉ lệ sản phụ bị trầm cảm nặng sau sinh chỉ chiếm khoảng 10%, tuy nhiên, nếu thấy có những biểu hiện sau đây thì gia đình cần có sự can thiệp ngay:
- Trầm cảm kéo dài hơn 2 tuần.
- Các triệu chứng bỏ ăn, không ngủ ở người mẹ ngày càng diễn tiến trầm trọng.
- Việc chăm sóc trẻ đối với người mẹ vô cùng khó khăn.
- Mẹ thường có những suy nghĩ tiêu cực như làm hại bản thân, làm hại trẻ...
Sẽ có những trường hợp người phụ nữ không hề nhận biết bản thân đang bị trầm cảm, do đó người chồng hoặc những người thân trong gia đình nên có sự quan tâm, chăm sóc mẹ sau sinh về sức khỏe lẫn tinh thần một cách tốt nhất để các mẹ không gặp phải những rối loạn về mặt tâm lý hoặc sức khỏe sau khi sinh con.
Để nghe lại lời chia sẻ của bác sĩ Cam Ngọc, bạn có thể nghe tại audio bên dưới: