Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chân vòng kiềng ở trẻ: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách chữa trị

(VOH) - Chân vòng kiềng ở trẻ khi đi người lắc lư, làm dáng đi rất xấu. Nguyên nhân có thể là trẻ thiếu vitamin D, vì vậy làm thế nào để phát hiện sớm và khắc phục kịp thời ?

Đặc biệt, với các bé gái bị tật này, khi lớn sẽ thiệt thòi hơn vì chân vòng kiềng sẽ hạn chế vẻ đẹp hình thể và làm giảm sự tự tin. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến chân vòng kiềng là do những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ từ khi còn nhỏ.

1. Dấu hiệu nhận biết chân vòng kiềng

Cách nhận biết chân vòng kiềng hay còn gọi là chân chữ O như sau:

Chân bình thường là hai chân luôn thẳng khít, song song với nhau, khi đứng, hai đầu gối và hai mắt cá bên trong đều sát khít.

Còn chân vòng kiềng khi đứng thắng, khớp gối hai bên nghiêng vào trong làm cho hai đầu gối không thẳng khít, có khe giữa khoảng 1,5cm. Hoặc khớp gối bình thường, cẳng chân cong vào trong hoặc hình cung, có khe giữa trên 1,5 cm.

Chân vòng kiềng ở trẻ: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách chữa trị 1

Trẻ bị vòng kiềng khi đi người lắc lư, làm dáng đi rất xấu. Ảnh: internet

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị chân vòng kiềng

  • Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D là nguyên nhân chính dẫn đến vòng kiềng;
  • Trẻ cho tập đứng, tập đi quá sớm;
  • Trẻ béo phì, có cân nặng quá tải đối với đôi chân;
  • Do thói quen sinh hoạt một số vùng không tốt như: địu trẻ trên lưng, trẻ thường xuyên phải cưỡi ngựa, lừa…
group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

3. Cách hạn chế tật chân vòng kiềng ở trẻ

3.1. Cho trẻ bú sữa mẹ

Trong sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng, vitamin rất tốt cho sự phát triển xương của trẻ, vì vậy cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có vitamin D, một loại vitamin giúp bé hạn chế còi xương (vì còi xương là nguyên nhân gây vòng kiềng ở trẻ). Đến tuổi ăn dặm, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cung cấp đủ lượng canxivà vitamin D cần thiết từ các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng… cho bé.

3.2. Nắn chân, tay cho trẻ

Nắn chân cho trẻ một cách nhẹ nhàng và đều cả hai chân, giúp lưu thông máu và rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Khi nắn chân, trẻ có xu hướng duỗi thẳng chân, rất thích thú… cha, mẹ nên nắn hướng vào trong, từ đùi xuống mắt cá chân, tạo thành thói quen cho trẻ và hạn chế tật vòng kiềng.

Nên nắn chân hàng ngày, đều đặn, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.

Lưu ý: Khi trẻ trên 1 tuổi, hiện tượng chân cong, chân vòng kiềng sẽ hết.

Việc nắn chân cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng làm thẳng chân trong trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng. Việc nắm bóp chân này chỉ có tác dụng xoa bóp, mát xa làm trẻ dễ chịu hơn.

Trong trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng do di truyền cần phải khám để can thiệp điều trị bằng các phương pháp y khoa. Với những trẻ bị chân vòng kiềng do còi xương, thiếu vitamin D hoặc canxi, việc điều trị chỉnh hình sẽ kết hợp với bổ sung các chất trên trong chế độ ăn hàng ngày.

Chân vòng kiềng ở trẻ: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách chữa trị 3

Không ép trẻ đứng hoặc đi quá sớm khi hệ xương chân của trẻ chưa đủ thời gian phát triển. Ảnh: Parenting

3.3. Không bắt trẻ tập đi sớm

Phụ huynh không nên cho trẻ ngồi xe tập đi quá sớm. Không tập đi cho trẻ bằng phương pháp đỡ hai nách trẻ. Thời gian thích hợp để tập đi là ngoài 9 tháng.

Lưu ý: Trọng lượng của cơ thể thường dồn ép xuống chân, vì vậy không ép trẻ đứng hoặc đi quá sớm khi hệ xương chân của trẻ chưa đủ thời gian phát triển, khiến chân trẻ bị biến dạng (vòng kiềng).

Tập giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể cho trẻ trước khi tập đi. Luôn theo sát trẻ và đặt gối, chăn ở sát sau trẻ để nâng đỡ, tránh áp lực mạnh ảnh hưởng đến đốt sống hoặc tránh trẻ bị ngã ảnh hưởng tới hệ xương chân.

Nhiều bà mẹ thường lo con sẽ bị chân vòng kiềng khi có ai đó bế con mình dưới dạng “cắp nách”. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, cách bế trẻ như vậy không phải là nguyên nhân dẫn đến chân bị vòng kiềng mà do nhiều tác động khác.

Thay vào đó, việc cho trẻ đứng và tập đi sớm lại dễ gây chân vòng kiềng hơn do xương cẳng chân của bé còn yếu, chưa đỡ được sức nặng của cơ thể, nhất là đối với những trẻ quá bụ bẫm hoặc béo phì.

3.4. Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi

Thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ làm giảm việc hấp thu canxi, phốt-pho và khiến sự phát triển xương gặp trở ngại. Vitamin D và canxi có tác dụng phát triển xương ở trẻ, vì vậy cần bổ sung đầy đủ canxi cho trẻ, như vậy, sẽ hạn chế được tật chân vòng kiềng.

Lưu ý: Trẻ thiếu canxi thường quấy khóc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi, chậm phát triển chiều cao,...

3.5. Tắm nắng cho trẻ

Tắm nắng cho trẻ giúp sản sinh ra một lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Khi trẻ đầy đủ vitamin D sẽ hạn chế các hiện tượng về xương, đặc biệt là bệnh còi xương (nguyên nhân gây vòng kiềng ở trẻ).

4. Cần phận biệt rõ chân cong sinh lý và chân cong bệnh lý

Nếu chân trẻ chỉ cong ở cẳng chân thì không thể gọi là chân vòng kiềng, bố mẹ chỉ cần lo lắng khi chân của bé cong từ trên đùi xuống bàn chân. Vì vậy, cần phải phân biệt được chân cong sinh lý và chân cong bệnh lý.

Phần lớn, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong cẳng chân do tư thế nằm trong bụng mẹ. Tuy nhiên, đây là hiện tượng cong chân sinh lý, chân trẻ sẽ tự thẳng khi 1 tuổi mà không cần xoa bóp hay điều trị gì.

Tuy nhiên, một số trường hợp, do sự can thiệp không đúng cách của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể khiến tình trạng cong chân của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, từ cong chân sinh lý có thể dễ bị chân vòng kiềng.

4.1. Cách chữa trị trẻ bị chân vòng kiềng

Khi xác định trẻ bị chân vòng kiềng bẩm sinh, ta áp dụng các phương pháp chữa trị như sau: Phẫu thuật bó (nẹp chân hoặc bó bột) hoặc phẫu thuật sắp lại xương.

Khi phương pháp bó chân không có kết quả, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật khi có sự đồng ý của gia đình.

Với những bé lớn (từ 2 đến 5 tuổi) chân bị cong nhiều, bố mẹ nên cho con đi khám để bác sĩ tư vấn về việc phẫu thuật chỉnh trục xương.

Thông thường các trường hợp bị chân vòng kiềng sẽ được can thiệp chỉnh chân khi trẻ trên 5 tuổi, cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện chỉnh hình lớn để được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa và có các xử lý tốt nhất và phù hợp nhất. Dưới độ tuổi này nên để trẻ phát triển tự nhiên, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Tóm lại, việc phòng tránh chân vòng kiềng cho trẻ có thể được thực hiện khá đơn giản từ khi sinh ra bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tắm nắng thường xuyên, cho trẻ để bổ sung vitamin D tự nhiên.

Từ tuổi ăn dặm trở đi, trẻ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng như: rau, quả, sữa, thịt, cá, tôm… hàng ngày vào buổi sáng cho bé tiếp xúc với ánh nắng để hấp thụ vitamin D tránh bị còi xương và tránh để trẻ béo phì vì có thể khiến xương của trẻ phải chịu áp lực lớn, không phát triển tự nhiên.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận