Nguyên nhân khiến bé bị chân vòng kiềng và cách khắc phục

(VOH) – Chân vòng kiềng không chỉ làm ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác ở trẻ. Do đó, hiểu được tình trạng này cha mẹ sẽ giúp con có được biện pháp khắc phục tốt hơn.

1. Như thế nào là chân vòng kiềng?

Chân vòng kiềng (hay còn gọi là chân cong, chân chữ O) là tình trạng 2 đầu gối đi ra xa đường giữa cơ thể trong khi 2 mắt cá trong chạm vào nhau.

Để kiểm tra bé có bị chân vòng kiềng hay không rất đơn giản. Bạn chỉ cần đặt bé ở tư thế nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng, 2 mắt cá trong chạm vào nhau. Sau đó, đo khoảng cách giữa 2 đầu gối của trẻ (tại vị trí lồi cầu trong xương đùi). Nếu khoảng cách này nhỏ hơn 10cm, thì chứng tỏ con của bạn vẫn đang phát triển bình thường. Nếu khoảng cách đo được lớn hơn 10cm, thì bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác hơn.

Theo các bác sĩ, chân vòng kiềng được chia làm 2 loại là: chân vòng kiềng sinh lý và chân vòng kiềng bệnh lý.

1.1 Chân vòng kiềng sinh lý

Chân vòng kiềng sinh lý thường hay gặp ở trẻ sơ sinh. Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh là do tư thế của thai nhi trong bụng mẹ, khi trẻ lớn dần (thường đến khoảng 2 tuổi) chân của bé sẽ trở lại bình thường mà không cần phải có sự tác động nào.

Ở tuổi lên 3, hầu hết các bé đã không còn dấu vết của đôi chân vòng kiềng nữa. Cho đến 7 - 8 tuổi, đôi chân đã mang dáng dấp hoàn chỉnh và giữ nguyên cho đến khi trưởng thành.

Với những trẻ sơ sinh bị chân vòng kiềng cha mẹ cũng không cần xoa bóp hay nắn chỉnh chân cho bé vì trong trường hợp này sẽ không có tác dụng. Ngoài ra, nhiều người còn lầm tưởng việc bế/ẵm nách bé quá sớm là nguyên nhân dẫn tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng sự thật.

nguyen-nhan-khien-be-bi-chan-vong-kieng-va-cach-khac-phuc-voh

Chân vòng kiềng được chia ra làm 2 loại: chân vòng kiềng sinh lý và bệnh lý (Nguồn: Internet)

1.2 Chân vòng kiềng bệnh lý

Chân vòng kiềng bệnh lý thường do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Yếu tố di truyền: Trẻ có thể sẽ bị chân vòng kiềng nếu cha hoặc mẹ bé bị chân vòng kiềng. Đây là đặc điểm di truyền nên thường không có biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, cha mẹ có thể đưa bé khám tại khoa chỉnh hình để được tư vấn phẫu thuật chỉnh sửa cho bé. Song phải chờ bé lớn đến độ tuổi nhất định mới can thiệp bằng phương pháp này.
  • Tình trạng thừa cân ở trẻ: Bé thừa cân và cho bé đi đứng sớm quá (trước 7 – 9 tháng) cũng là một yếu tố nguy cơ liên quan đến dị tật chân vòng kiềng ở trẻ. Khi bé còn nhỏ, hệ xương chưa hoàn chỉnh để có thể nâng đỡ được toàn bộ sức nặng cơ thể, do đó việc cho bé đi quá sớm, nhất là những bé thừa cân sẽ rất dễ làm tăng nguy cơ đối mặt với dị tật này.
  • Ngoài ra, một số bệnh lý có thể dẫn đến chân vòng kiềng ở trẻ em như: bệnh còi xương, bệnh tạo xương bất toàn, loạn sản xương sụn, gãy xương phạm khớp gối... Những trường hợp này trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám chẩn đoán và điều trị phù hợp.

2. Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện bé bị chân vòng kiềng?

Khi quan sát thấy bé có hiện tượng chân vòng kiềng, cha mẹ nên thực hiện cách kiểm tra như trên để xác định xem chân bé có nằm trong giới hạn bình thường hay không.

Nếu chân bé phát triển trong giới hạn bình thường, cha mẹ có thể yên tâm cho trẻ vận động, đồng thời theo dõi sự phát triển của bé cũng như tiến triển của chân vòng kiềng. Nếu khoảng cách giữa 2 gối của bé khi đo được lớn hơn 10cm, cha mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và theo dõi tiến trẻ mỗi 3 – 6 tháng.

3. Những cách giúp khắc phục chân vòng kiềng cho trẻ

Để khắc phục cũng như hạn chế tình trạng trẻ bị chân vòng kiềng, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

3.1 Nắm rõ kiến thức về tình trạng chân cong

Nắm rõ những kiến thức về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh, biết được các mốc quan trọng cùng sự biến đổi sinh lý, bệnh lý sẽ giúp cha mẹ xác định tình trạng, từ đó hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng.

Và dù tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ có được cải thiện theo thời gian thì cha mẹ cũng cần biết thời điểm nào nên đưa con đến gặp bác sĩ. Ví dụ như:

  • Khi bé tỏ ra khó chịu về cơn đau với cường độ từ vừa phải đến nặng (chân vòng kiềng thường không gây đau).
  • Bé bắt đầu đi khập khiễng.
  • Chỉ có một chân bị vòng kiềng.
  • Chân bé bị cong hơn trong một thời gian ngắn.
  • Cần lưu ý với những trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng sau khi bé được 5 – 7 tuổi.

3.2 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng sẽ làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về xương như dị dạng xương cũng như ngăn chặn khả năng tái phát các cơn viêm làm phân hủy sụn khớp.

Với những trẻ bị chân vòng kiềng cha mẹ cần tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D, canxi, khoáng chất để góp phần hỗ trợ sự phát triển bình thường cho trẻ.

3.3 Kiểm soát trọng lượng

nguyen-nhan-khien-be-bi-chan-vong-kieng-va-cach-khac-phuc-1-voh

Kiểm soát cân nặng của trẻ sẽ giúp hạn chế tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ (Nguồn: Internet)

Chân vòng kiềng thưởng xảy ra do xương và các mô liên kết chịu căng thẳng, áp lực bởi sự phân bố và khớp nối không đồng đều. Vì thế, cha mẹ cần kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, tránh để trẻ tăng cân quá nhiều. Đồng thời thúc đẩy trẻ hoạt động thể dục bình thường với những trẻ lớn.

3.4 Bài tập cho chân vòng kiềng

Đây là một phương pháp toàn diện để kiểm soát tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ. Các bài tập cho chân vòng kiềng sẽ giúp các cơ và mô liên kết mềm của cơ thể gắn kết lại cấu trúc. Ngoài ra, bài tập còn gián tiếp cải thiện sức mạnh bên trong cơ thể và khôi phục lại tư thế đúng. Một số bài tập mẹ có thể cho bé thử:

  • Bài tập 1: Đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng để 2 chân lại gần nhau. Sau đó, nhấc cùng lúc 2 chân lên và không được tách rời chúng ra.
  • Bài tập 2: Đặt bé nằm sấp, chân duỗi thẳng và giữ ở tư thế này một khoảng thời gian. Bạn có thể thu hút sự chú ý của bé bằng các loại đồ chơi đầy màu sắc.
  • Bài tập 3: Đặt bé nằm sấp. Tiếp theo, gập chân lại và từ từ để gót chân chạm tới mông. Lặp lại động tác này từ 3 – 5 lần.

3.5 Có biện pháp chữa trị sớm cho trẻ

Cách khắc phục chân vòng kiềng ở trẻ là cho trẻ đeo nẹp vào ban đêm. Đây là hình thức thường được các bác sĩ sử dụng để quản lý sớm tình trạng dị tật này. Hầu hết các dạng chân vòng kiềng đều được cải thiện khi trẻ lớn hơn nhưng các chuyên gia trị liệu khuyến cáo rằng bạn nên đưa bé đi điều trị nhiều lần bằng các phương pháp tổng thể để phục hồi sớm.

Việc tìm đến các nhà vật lý trị liệu như xoa bóp trị liệu cũng rất hữu ích. Nhiều chuyên gia cho rằng việc xoa bóp, nắn chỉnh chân vòng kiềng cho trẻ có thể mất một khoảng thời  gian dài hơn nhưng nếu bắt đầu ở giai đoạn sớm thì phương pháp này sẽ giúp giảm bớt tình trạng cong chân khi bé lớn lên.

Lưu ý: Tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ nếu không được khắc phục, trẻ có thể gặp phải nhiều biến chứng như viêm khớp, gặp khó chịu khi đi lại, cong đầu gối. Vì thế, nếu nhận thấy những dấu hiệu trẻ bị chân vòng kiềng hoặc nghi ngờ con gặp phải tình trạng này, bạn nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái