Trong một nghiên cứu với 22 cặp song sinh giống hệt nhau, các nhà nghiên cứu của Trường Y Stanford và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, chế độ ăn thuần chay giúp cải thiện sức khỏe tim mạch chỉ trong 8 tuần.
Dù ai cũng biết rằng, ăn ít thịt sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch, nhưng các nghiên cứu về chế độ ăn uống thường bị cản trở bởi các yếu tố như di truyền, giáo dục và lối sống.
Tuy nhiên, bằng cách nghiên cứu dựa trên các cặp song sinh, các nhà nghiên cứu có thể kiểm soát di truyền và hạn chế các yếu tố khác, vì các cặp song sinh lớn lên trong cùng một gia đình và có lối sống tương tự nhau.
Tiến sĩ Christopher Gardner và Giáo sư Rehnborg Farquhar – những người tham gia nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy phương thức đột phá để khẳng định rằng, chế độ ăn thuần chay lành mạnh hơn chế độ ăn tạp thông thường".
Nghiên cứu được thực hiện đối với 22 cặp sinh đôi với tổng số 44 người tham gia. Các tác giả nghiên cứu đã chọn những người khỏe mạnh không mắc bệnh tim mạch từ Cơ quan đăng ký song sinh Stanford - một cơ sở dữ liệu về các cặp song sinh và họ đã đồng ý tham gia. Trong mỗi cặp song sinh sẽ có một người ăn thuần chay và một người ăn tạp.
Cả hai chế độ ăn đều lành mạnh, có nhiều rau, đậu, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, không chứa đường và tinh bột tinh chế.
Chế độ ăn thuần chay hoàn toàn dựa trên thực vật, không bao gồm thịt hoặc các sản phẩm động vật như trứng hoặc sữa. Chế độ ăn tạp bao gồm thịt gà, cá, trứng, pho mát, sữa và các thực phẩm có nguồn gốc động vật khác.
Theo Tiến sĩ Gardner: “Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng một chế độ ăn kiêng tổng quát mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được, bởi vì 21 trong số 22 người ăn chay đã tuân theo chế độ ăn kiêng này. Điều này cho thấy, bất kỳ ai chọn chế độ ăn thuần chay đều có thể cải thiện sức khỏe lâu dài trong 2 tháng, sự thay đổi nhiều nhất được thấy trong tháng đầu tiên".
Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự cải thiện nhiều nhất trong 4 tuần đầu tiên thay đổi chế độ ăn uống. Những người tham gia chế độ ăn thuần chay có mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL-C), insulin và trọng lượng cơ thể thấp hơn đáng kể - tất cả đều liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tim mạch - so với những người ăn tạp.
Những người ăn thuần chay cũng cho thấy lượng insulin lúc đói giảm khoảng 20% - mức insulin cao hơn là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Những người ăn chay cũng giảm trung bình nhiều hơn 1,9 kg so với những người ăn tạp.
Tiến sĩ Gardner cho biết: “Dựa trên những kết quả này và suy nghĩ về tuổi thọ, hầu hết chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn”.
Theo tiến sĩ Gardner, những người tham gia ăn chay (và những người ăn tạp ở một mức độ nào đó) đã làm ba điều quan trọng nhất để cải thiện sức khỏe tim mạch là: cắt giảm chất béo bão hòa, tăng chất xơ và giảm cân.
Ông Gardner nhấn mạnh rằng, mặc dù hầu hết mọi người không ăn chay, nhưng việc chuyển sang ăn chay có thể cải thiện sức khỏe. Ông cho biết: “Chế độ ăn thuần chay có thể mang lại những lợi ích bổ sung như tăng vi khuẩn đường ruột và giảm mất telomere, giúp làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể”.
Tiến sĩ Gardner, người "chủ yếu ăn chay" trong 40 năm qua cho biết: "Điều quan trọng hơn việc ăn thuần chay nghiêm ngặt là bổ sung nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn vào chế độ ăn uống của bạn".