Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện hay hơn 30% bệnh nhân trên 35 tuổi và hơn 60% người trên 65 tuổi có những vấn đề liên quan đến xương khớp. Điều đó cho thấy, thoái hóa khớp là một trong những căn bệnh rất thường gặp.
Những khớp nào thường có tình trạng thoái hóa khớp?
BS CKI Võ Anh Quân cho biết, những khớp thường hay bị thoái hóa nhiều nhất chính là những khớp chịu tì đè khi bạn đi lại nhiều hoặc những khớp có mối liên quan đến nghề nghiệp, ví dụ như:
- Người làm văn phòng sẽ thường bị thoái hóa khớp cột sống.
- Người lao động chân tay hoặc làm việc nặng nhọc thường bị thoái hóa khớp gối, khớp háng...
- Một số trường hợp có thể gặp các các vấn đề ở khớp cổ chân, khớp cổ tay…
Thoái hóa khớp có thể bắt nguồn từ nghề nghiệp của bạn (Nguồn: Internet)
Như vậy, ngoài yếu tố tuổi tác và quy luật chung của tiến trình lão hóa, thì thoái hóa khớp còn bắt nguồn từ nghề nghiệp, chẳng hạn như những người làm việc văn phòng, người làm việc nặng nhọc.... Những người bị thừa cân, béo phì cũng là đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng thoái hóa khớp.
Hơn nữa, Hiệp hội thoái khớp Hoa Kỳ khẳng định, tình trạng thoái hóa khớp đã trở thành 1 vấn đề của cộng đồng, tuy nhiên Hiệp hội này cũng nhấn mạnh ngoài việc điều trị thì tập luyện thể dục, thể thao được xem là 1 phần rất quan trọng trong việc phục hồi các vấn đề về thoái hóa khớp.
Tập luyện ở bệnh nhân thoái hóa khớp như thế nào?
Khớp được giữ vững bởi những thành phần cấu trúc cứng ví dụ như xương và những thành phần nhẹ nhàng hơn như: dây chằng, cơ bao khớp, sụn… Để khớp được vững thì phần cơ và dây chằng phải co giãn tốt, đặc biệt là phần cơ phải được đảm bảo thì mới giúp làm vững các khớp. Do đó việc tập luyện ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp luôn được thực hiện song song với quá trình điều trị.
Chế độ tập luyện cho bệnh nhân thoái hóa khớp cần áp dụng song song với việc điều trị (Nguồn: Internet)
Tập luyện ở bệnh nhân thoái hóa khớp sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, phần lớn những bệnh nhân bị thoái hóa sẽ được hướng dẫn những bài tập làm tăng sức mạnh của cơ nhưng không làm tì nén lên khớp đang bị tổn thương. Chẳng hạn:
- Nếu bệnh nhân bị thoái hóa cột sống thì bệnh nhân sẽ phải giảm bớt việc và nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi tập luyện, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tập mạnh ở vùng cơ bụng, cơ lưng, cơ hông để giúp giữ vững cột sống.
- Nếu bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng, khớp gối thì cần hạn chế chơi thể thao. Nếu muốn chơi thể thao nên lựa chọn những môn ít làm tì đè lên khớp, ví dụ như: bơi lội, đạp xe đạp...
Để tập luyện hiệu quả, bệnh nhân cần được đến gặp bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác. Bạn có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa về xương khớp hay các chuyên gia về lĩnh vực vật lý trị liệu để được thăm khám, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra những chương trình phục hồi tương ứng với từng bệnh nhân.
Riêng với những bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường hoặc có những bệnh nội khoa khác kèm theo trên nền bệnh nhân bị thoái hóa khớp thì bác sĩ sẽ có những bài tập riêng để đảm bảo sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Có thể phòng ngừa thoái hóa khớp được không?
Theo BS CKI Võ Anh Quân, thoái hóa khớp xảy ra do quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải, kéo dài của sụn khớp, do đó, rất khó để có thể phòng ngừa thoái hóa khớp một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kéo dài thời gian cũng như làm chậm diễn tiến trong các khớp. Để làm chậm diễn tiến của thoái hóa khớp bạn cần lưu ý những điều sau:
- Có chế độ làm việc hợp lý.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
- Tập thói quen nghỉ ngơi về thể chất và tinh thần hợp lý.
- Vận động thể dục thể thao điều độ, thường xuyên.
Đặc biệt, khi thấy có những vấn đề bất thường có thể là dấu hiệu của tình trạng thoái hóa khớp thì bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn những biện pháp cải thiện, phục hồi hiệu quả ngay từ đầu.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: