Chữa hôi miệng theo đông y

(VOH) - Hôi miệng nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập và giao tiếp xã hội, nhưng hầu hết mọi người không ý thức được hơi thở của mình có mùi.

Một bác sĩ đông y cho biết, hơi thở có mùi thường phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể, khuyên mọi người cần lưu ý kiểm tra xem mình có bị hôi miệng hay không, nếu bị hôi miệng có thể dùng thảo dược để cải thiện “vấn đề khá tế nhị và khó nói” này.

Hôi miệng rất dễ cảm thấy tự ti và e ngại trong giao tiếp - Ảnh: TVBS
Hôi miệng rất dễ cảm thấy tự ti và e ngại trong giao tiếp - Ảnh: TVBS

Cách phát hiện có bị hôi miệng

Wang Dayuan - Bác sĩ đông y người Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, mọi người có thể dùng lưỡi liếm mu bàn tay, lấy một cái muỗng nhỏ chạm vào lưỡi hoặc cạo nhẹ trên bề mặt lưỡi, chà ngón tay vào nướu, nói chuyện điện thoại, dùng khẩu trang đã qua sử dụng...rồi thử ngửi xem có mùi không?

Qua đó có thể nhanh chóng phát hiện ra mình có bị hôi miệng hay không.

Hôi miệng phản ánh tình trạng sức khỏe

Hơi thở có mùi hôi phản ánh tình trạng sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung không tốt.

Tình trạng miệng khô có thể góp phần làm cho hôi miệng do sản xuất nước bọt giảm, do uống nước không đầy đủ, vi khuẩn tự nhiên sinh sôi trong miệng.

Các vi khuẩn này sẽ phân hủy cặn bã thức ăn còn sót lại ở kẽ răng, dọc theo đường nướu và đặc biệt là trên lưỡi, khiến sinh ra mùi hôi khó chịu, kinh khủng ở miệng… nhưng cũng có thể là do cơ thể có vấn đề về sức khỏe!

Mùi táo thối có thể là nhiễm toan ceton do tiểu đường. Mùi amoniac tiềm ẩn các vấn đề về thận vì urê không thể bài tiết ra khỏi cơ thể nên có mùi giống như nước tiểu. 

Bỏ qua việc làm sạch lưỡi trong khi đánh răng có thể không loại bỏ được mùi khó chịu trong miệng vì vi khuẩn có thể còm bám ở lưỡi gây hôi miệng - Ảnh: TVBS
Bỏ qua việc làm sạch lưỡi trong khi đánh răng có thể không loại bỏ được mùi khó chịu trong miệng vì vi khuẩn có thể còm bám ở lưỡi gây hôi miệng - Ảnh: TVBS

Bác sĩ Wang Dayuan cho biết thêm, mùi thối rữa của rác có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu hoặc sâu răng.

Còn ngửi thấy mùi chua thì phản ánh trào ngược dạ dày thực quản. Mùi tanh là mùi đặc trưng của bệnh viêm xoang, do nhiễm trùng hoặc dị ứng khiến niêm mạc mũi sưng tấy, các xoang bị tắc nghẽn, dịch tiết ra đọng lại trong hốc mũi lâu ngày tạo thành mủ màu vàng xanh, tạo ra mùi rất tanh hôi khó ngửi.

Những bệnh nhân ung thư vú hơi thở có mùi của thực phẩm lên men như củ cải muối và bệnh nhân ung thư đại trực tràng sẽ thở ra mùi hành thối từ miệng.

Đây là những dấu hiệu nhận biết người bị hôi miệng, một khi những mùi này xuất hiện, nếu sinh hoạt hàng ngày vẫn bình thường thì mọi người nên quan tâm đến vấn đề sức khỏe.  

Chữa hôi miệng theo đông y

Bác sĩ Wang Dayuan giải thích, hơi thở có mùi khác nhau là do tạng phủ khác nhau gây ra.

Theo y học cổ truyền, nếu là phế nhiệt, có thể dùng 5 gram hoắc hương và bạc hà để pha trà súc miệng, sẽ khử ngay mùi hôi làm thơm miệng.

Nếu tỳ vị thấp nhiệt thì có thể trực tiếp ngậm cam thảo hoặc đinh hương để khử hơi thở có mùi, cũng đem lại hơi thở thơm tho.

Tâm hỏa can thịnh có thể lấy hoa cúc và kim ngân hoa mỗi thứ 5 gam để pha trà súc miệng hoặc uống.

Xem thêm: 6 loại trà có tác dụng tốt hơn một giờ tập thể dục

Đối với những người hay hút thuốc lá bị hôi miệng có thể súc miệng bằng trà hoa lài (trà hoa nhài) không đường hoặc trà xanh hoa mộc giúp miệng của mình được sạch sẽ, thơm tho.

Chữa hôi miệng hiệu quả theo đông y sẽ làm thay đổi cuộc sống của người bệnh nhanh chóng và vô cùng tiết kiệm. Trong đó, thay đổi lớn nhất là họ không e ngại mà sẽ tự tin giao tiếp với những người xung quanh.