1. Cách chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh thực vật
Sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật. Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa,…Đây không phải là một bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động hệ thần kinh tự động. Bệnh làm giảm hoạt động hoặc bất thường một hay nhiều chức năng tự động của cơ thể, gây ra những triệu chứng như:
Rối loạn thần kinh thực vật gây ra nhiều triệu chứng (Nguồn: Internet)
- Hồi hộp, đánh trống ngực;
- Khó thở;
- Khó ngủ;
- Lo sợ, sợ hãi;
- Tê tay chân;
- Huyết áp tăng giảm bất thường;
- Toát mồ hôi, lúc nóng, lúc lạnh;
- Mất bình tĩnh trong giải quyết các vấn đề trong cuộc sống;
- Chóng mặt và ngất xỉu khi đứng;
- Rối loạn cương dương ở nam và rối loạn kinh nguyệt ở nữ;
- Khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn, cảm giác đầy bụng, ăn không ngon, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, ợ nóng,…
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật dựa theo dấu hiệu và triệu chứng tiêu biểu của bệnh.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh bị rối loạn thần kinh thực vật có thể chỉ khiến người bệnh cảm thấy bất an, khó chịu. Tuy nhiên, khi bệnh ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ luôn trong tình trạng hoang mang, sợ hãi và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Chính điều này gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn.
2. Cách chữa rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày do tác động đến chức năng của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa,…
Hiện nay, cách chữa rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh và kiểm soát các triệu chứng.
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật có thể do bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus (viêm não, viêm màng não); bệnh về thoái hóa thần kinh như teo não, Parkinson, Alzheimer; bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp; dùng chất kích thích như thuốc phiện, cần sa,…hoặc do căng thẳng, stress, suy nhược cơ thể và do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh khác. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp để khắc phục các rối loạn của hệ thần kinh thực vật.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tư vấn một số cách kiểm soát triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật bằng cách thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống và sử dụng thuốc.
2.1 Thuốc điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm:
- Thuốc an thần;
- Thuốc chống trầm cảm;
- Thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu;
- Thuốc điều chỉnh động ruột;
- Thuốc tim mạch;
- Thuốc ổn định huyết áp;
- Thuốc giảm tiết mồ hôi…
Một số loại thuốc có thể được chỉ định để điều trị triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật (Nguồn: Internet)
Để biết chính xác cần sử dụng loại thuốc nào thì bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp bệnh cụ thể (nguyên nhân gây bệnh là gì, biểu hiện triệu chứng như thế nào).
Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp một số phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt,… cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi.
3. Những lưu ý khi chữa rối loạn thần kinh thực vật
- Rối loạn thần kinh thực vật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Trong quá trình điều trị nên có suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê,…để giúp bệnh nhanh khỏi, giảm nhanh triệu chứng.
- Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress và tâm trạng của bản thân.
- Tập hít thở sâu và xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ có tác dụng mạnh trong việc phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật.