Tê tay chân là bệnh gì?

(VOH) - Tê tay chân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh trong việc cầm nắm, đi lại. Tình trạng này được khắc phục dựa vào nguyên nhân, vậy nguyên nhân tê tay chân là do đâu?

1. Tê tay chân là bệnh gì?

Tê tay chân là triệu chứng mà nhiều người gặp phải, nó gây khó khăn cho việc cầm nắm, làm việc, đánh máy hoặc lái xe,…Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) chứng tê tay chân có thể xảy ra tạm thời do yếu tố sinh lý hoặc kéo dài dai dẳng do yếu tố bệnh lý.

te-tay-chan-la-benh-gi-voh-1

Tê tay chân có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số nguyên nhân gây tê tay chân thường gặp:

1.1 Tê tay chân sinh lý

Như chúng ta biết, tay và chân hoạt động được là nhờ hệ thống mạch máu và thần kinh. Khi một nguyên nhân nào đó tác động vào 2 hệ thống này, làm giảm lượng máu đến nuôi dưỡng tay, chân sẽ gây ra cảm giác tê tay chân. Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Nằm sai tư thế

Khi nằm nghiêng và tì đè lên tay sẽ làm tắc nghẽn hệ thống mạch máu, máu không đến cung cấp đủ cho tay sẽ dẫn đến tê bì. Tuy nhiên, khi bạn đưa tay về tư thế thoải mái, vận động nhẹ nhàng, máu lưu thông trở lại thì chứng tê tay sẽ hết.

  • Ngồi sai tư thế

Thường xuyên ngồi lâu 1 chỗ hoặc ngồi bắt chéo chân có thể làm chèn ép vào một vùng của mạch máu làm chặn dòng máu chảy xuống chân hoặc ảnh hưởng đến đường đi của thần kinh cũng có thể gây tê chân. 

  • Do thuốc

Sử dụng một số thuốc điều trị bệnh nào đó cũng có thể gây tác dụng phụ làm tê tay chân. 

1.2 Tê tay chân bệnh lý

Tê tay chân thường xuyên và kéo dài có thể do một số bệnh lý sau đây:

  • Hội chứng ống cổ tay.
  • Bệnh lý từ cột sống như thoái hóa cột sống cổ gây hẹp các lỗ liên hợp, làm tì đè các dây thần kinh, từ đó gây ra triệu chứng tê tay chân.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp cổ chân.
  • Các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ trong máu. Khi lượng đường trong máu cao liên tục sẽ làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ, từ đó ảnh hưởng đến thần kinh ngoại vi, máu không được đưa đủ đến tay, chân để nuôi dưỡng nên gây ra hiện tượng tê tay chân. Ngoài ra, tình trạng mỡ trong máu cũng ảnh hưởng đến các vi mạch do mỡ đóng lại làm chặn dòng máu đến nuôi dưỡng tây chân và từ đó gây tê bì.
  • Các bệnh lý khác như suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể,…làm giảm hấp thu vitamin B1, B12, axit folic, kẽm, kali,…cũng có thể gây ra tình trạng tê tay chân.

2. Điều trị tê tay chân bằng cách nào?

Theo bác sĩ Bay, muốn khắc phục chứng tê tay chân hiệu quả cần xác định nguyên nhân chính xác. Khi đã điều trị được nguyên nhân gốc thì chứng tê tay chân sẽ khỏi. Chính vì vậy, người bệnh cần phải đi khám, thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân do đâu, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp. 

te-tay-chan-la-benh-gi-voh-2

Điều trị tê tay chân cần xác định nguyên nhân gây bệnh (Nguồn: Internet)

Nếu tê tay chân sinh lý thì có thể khắc phục bằng cách thay đổi tư thế ngồi, tư thế nằm,…làm chèn ép khiến máu khó lưu thông. Nếu nguyên nhân do bệnh lý thì phải xác định chính xác bệnh, từ đó có thể điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật tùy vào mức độ bệnh.

Ngoài ra, để chứng tê tay chân không tái phát thì người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Chú ý đế chế độ ăn uống, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin B1, B12, axit folic, kali,…
  • Nếu có thói quen nằm nghiêng khi ngủ thì nên kê gối kế bên tay để không tì đè, chặn đường đi của máu. Tốt nhất nên nằm ngủ ở tư thế thẳng người.
  • Nếu bị suy giãn tĩnh mạch thì nên nằm kê cao chân để tránh tê chân.
  • Nếu công việc buộc phải ngồi lâu thì sau khi ngồi 1 – 2 tiếng bạn phải đứng lên vận động và đi lại vài phút để máu huyết được lưu thông.
  • Không nên ngồi tư thế bắt chéo chân.
  • Vận động, tập thể dục hàng ngày để tăng cường hoạt động của hệ thần kinh và mạch máu.
  • Thực hiện một số động tác giúp tăng cường lưu thông máu huyết như xoa bóp các chi bằng cách xoa vuốt tay từ trên xuống dưới và ngược lại; dùng các ngón tay bấm mạnh vào các đầu ngón tay, lực bấm mạnh sẽ giúp hút các chất dinh dưỡng về nhiều hơn; hoặc đan các ngón tay lại rồi bật ra,…

Như vậy, tê tay chân có thể do thói quen sinh hoạt hoặc cũng có thể do bệnh lý gây ra. Nếu chứng tê tay chân kéo dài, diễn ra thường xuyên thì bạn nên đi thăm khám sớm nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có cách khắc phục hiệu quả hơn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: