Chuối hột chứa nhiều dưỡng chất quý, trong đó phải nhắc tới tanin, kali và tinh bột kháng. Các chất dinh dưỡng này quyết định phần lớn các công dụng của trái chuối hột như điều trị viêm loét dạ dày, hắc lào, đặc biệt là hỗ trợ điều trị sỏi thận.
1. Vì sao dùng chuối hột trị sỏi thận?
Sỏi thận là một trong các bệnh lý thường gặp liên quan đến hệ tiết niệu. Tình trạng này xảy ra do hàm lượng muối vượt qua mức độ an toàn, dẫn tới lắng đọng lại trong nước tiểu và hình thành sỏi. Chính vì vậy, cần phát hiện sớm khi kích thước sỏi còn nhỏ để có thể chủ động điều trị và phục hồi lại chức năng bài tiết của thận.
Trong giai đoạn đầu, bên cạnh bổ sung đủ nước hay sử dụng thuốc Tây y tán sỏi, có thể kết hợp bồi bổ bằng các bài thuốc trị sỏi thận từ chuối hột.
Theo đó, mỗi trái chuối hột cung cấp khoảng 422mg kali – khoáng chất này khi vào cơ thể sẽ có chức năng cân bằng chất lỏng ở dịch nội bào và ngoại bào, tăng cường hấp thu đủ canxi ở màng tế bào hay nhân tế bào. Lúc này sẽ không có lượng canxi dư thừa bị đào thải theo đường tiểu, gây ra tình trạng kết tủa sỏi canxi oxalat, từ đó hỗ trợ tán sỏi hiệu quả.
Xem thêm: Tìm hiểu những phương pháp tán sỏi thận giúp ‘phá tan’ sỏi thận một cách hiệu quả
2. Cách làm chuối hột trị sỏi thận
Thay vì đem chế biến các món ăn, phần lớn chuối hột thường được phơi khô rồi tận dụng để điều chế các bài thuốc trị sỏi thận. Dưới đây là một số cách làm chuối hột trị sỏi thận rất đơn giản bạn có thể tham khảo tự thực hiện ngay tại nhà:
2.1 Sắc nước chuối hột
Đây là phương pháp đơn giản nhất để tận dụng chuối hột điều trị bệnh. Nên dùng khoảng 7 trái chuối hột xanh (để cả vỏ), phơi khô rồi thái mỏng. Sau đó, sắc với 3 chén nước (chén ăn cơm), cô đặc còn 1 chén nước.
Mỗi ngày uống khoảng 3 – 4 chén khi còn nóng, có thể uống ngay sau khi ăn cơm.
2.2 Ngâm rượu chuối hột
Rượu chuối hột là loại rượu thuốc khá dễ uống và có mùi nồng thơm đặc trưng. Để ngâm rượu chuối hột đạt chất lượng, nên sử dụng rượu gạo nguyên chất có nồng độ từ 42 – 47 độ.
Cần lưu ý rằng đây rượu hỗ trợ điều trị bệnh, tuyệt đối không uống nhiều dẫn đến say xỉn và ngộ độc rượu.
2.3 Tán bột chuối hột
Với phương pháp này bạn có thể sử dụng chuối hột xanh hoặc chín đều được. Nếu sử dụng trái còn xanh, hãy thái thành từng khoanh mỏng, sao thật khô trong khoảng 2 ngày, đem tán thành bột mịn rồi pha nước uống.
Ngoài ra, nếu dùng chuối chín thì chỉ cần lấy phần hạt, phơi khô rồi tán mịn. Khi pha nước uống nên thêm một chút muối để giảm bớt vị chát.
2.4 Hãm trà chuối hột
Nếu là người thích uống trà và thích vị chan chát của chuối hột thì bạn có thể thái mỏng trái chuối xanh rồi phơi khô để hãm trà.
3. Một số lưu ý khi dùng chuối hột trị sỏi thận
Không thể phủ nhận chuối hột trị sỏi thận là phương thuốc Đông y khá hữu hiệu, song vẫn cần thực hiện một số lưu ý quan trọng để cải thiện sức khỏe thật tốt.
3.1 Lựa chọn chuối hột chất lượng
Khi chọn mua chuối hột, nên tìm hiểu kĩ lưỡng nguồn gốc, nhằm phòng tránh cây bị phun hóa chất độc hại và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
3.2 Không dùng quá nhiều
Dù sử dụng chuối hột theo phương pháp sắc nước uống hay ngâm rượu cũng không nên lạm dụng quá nhiều. Chuối hột là thức quả bồi bổ thêm, không nên dùng thay thế toàn bộ các nhóm thuốc đặc trị.
3.3 Hạn chế dùng khi có tiền sử dị ứng
Nếu có tiền sử dị ứng, khi sử dụng chuối hột bạn cần theo dõi diễn biến sức khỏe, nhận thấy có dấu hiệu phát ban mẩn đỏ, ngứa ngáy hay khó thở thì nên tạm ngưng sử dụng.
Cách chữa sỏi thận bằng chuối hột chỉ hiệu quả với những trường hợp có sỏi thận nhỏ, chưa gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, trước khi điều trị bệnh bằng chuối hột, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem có phù hợp với tình trạng bệnh của mình hay không.