Rượu chuối hột: Hướng dẫn ngâm và sử dụng đúng cách

(VOH) – Thời gian gần đây, bên cạnh việc lựa chọn những trái chuối chín vàng, mềm ngọt, nhiều người đang ‘mách nhau’ tìm mua chuối hột để ngâm rượu chuối hột – loại rượu thuốc hỗ trợ điều trị bệnh.

Không giống như các giống chuối khác thường dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn, chuối hột chủ yếu được phơi khô rồi sắc nước hoặc ngâm rượu uống. Những phương pháp này sẽ giúp chúng ta tận dụng tối đa các dưỡng chất như kali, tanin (chất chát) trong chuối hột để cải thiện sức khỏe. 

1. Cách ngâm rượu chuối hột

Ngâm chuối hột với rượu là một phương thức sử dụng khá đặc biệt, do vậy để phát huy công dụng tốt cần phải thực hiện ngâm đúng cách. Xin mách bạn những bước quan trọng khi tiến hành ngâm rượu chuối hột.

1.1 Nguyên liệu

  • Chuối hột (vừa chín tới): 1kg 
  • Rượu trắng (rượu nguyên chất, không pha tạp): 2.5 – 3 lít

Lưu ý: Khi ngâm rượu thuốc, nồng độ rượu không cần phải quá cao nhưng không được thấp dưới 40 độ, nên chọn loại rượu gạo để ngâm có nồng độ 42 - 47 độ là tốt nhất.

Xem thêm: Rượu thuốc và những điều lưu ý trước khi sử dụng

1.2 Cách ngâm rượu chuối hột 

  • Rửa sạch và bóc vỏ chuối hột, thát lát mỏng tròn, dày khoảng 1cm. 
  • Phơi khô chuối khoảng 3-5 ngày, khi thấy có vết nứt to trên lát chuối thì đạt yêu cầu. 
  • Dùng nước sôi rửa sạch lát chuối đã được phơi nắng để loại bỏ bụi bẩn trong quá trình phơi, sau đó để ở nơi thoáng mát cho ráo nước. Để nguội lát chuối hột rồi cho vào chum hoặc bình thủy tinh, ngâm chuối hột cùng rượu với tỷ lệ 1:4, tức là 1 phần chuối và 4 phần rượu.
  • Tiến hành bịt kín và đặt trong nhà ở nơi có nhiệt độ ổn định 20 - 25 độ.
  • Ruột chuối hột ngâm ủ trong khoảng 90 - 120 ngày thì có thể dùng được.
  • Rượu chuối hột sau khi ngâm có màu nâu đậm và mùi nồng thơm.
ruou-chuoi-hot-huong-dan-ngam-va-su-dung-dung-cach-voh-1
Rượu chuối hột thơm ngon, tương đối dễ uống (Nguồn: Internet) 

Lưu ý: Khi ngâm rượu chuối hột thì tốt nhất nên ngâm tỉ lệ 1kg chuối hột khô và 3 lít rượu trắng. Nên dùng bình thủy tinh hoặc chum sành thay cho bình nhựa sẽ giúp rượu ngâm ngon, bảo quản được lâu hơn và tránh trường hợp nhựa biến chất gây hại sức khỏe.

2. Rượu chuối hột có tác dụng gì?

Rượu chuối hột được biết đến như một bài thuốc dân gian phổ biến để bồi bổ cơ thể và nâng cao sức khỏe. Loại rượu thuốc này thơm ngon, khá dễ uống, đặc biệt, nếu sử dụng các trái chuối nhiều nhựa thì rượu ngâm càng ngọt.

Phần lớn công dụng mà rượu chuối hột đem lại đều nhờ vào phần bột trắng bên trong hạt chuối, có chứa nhiều hoạt chất tanin. Nếu không may gặp phải những vấn đề sức khỏe sau đây, bạn có thể tham khảo sử dụng rượu chuối hột: 

2.1 Sỏi thận

Trường hợp mắc sỏi thận nhưng có kích thước sỏi còn nhỏ, chưa gây biến chứng nguy hiểm thì có thể dùng thêm rượu chuối hột để làm tan sỏi. 

2.2 Đau nhức xương khớp

Sử dụng rượu chuối hột với một liều lượng hợp lý sẽ giảm đau nhức cơ xương khớp, tăng chất dịch nhầy ở các khớp gối bị khô cứng, đặc biệt là vào giai đoạn thời tiết chuyển lạnh.

ruou-chuoi-hot-huong-dan-ngam-va-su-dung-dung-cach-voh-0
Rượu chuối hột hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp (Nguồn: Internet) 

2.3 Mất ngủ

Nếu thường gặp phải tình trạng trằn trọc khó ngủ và thức giấc ban đêm, sau bữa ăn có thể dùng một ly nhỏ rượu chuối hột.

Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

2.4 Mắc bệnh tiểu đường

Với người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2 có thể dùng bổ trợ rượu chuối hột để điều hòa và duy trì đường huyết ổn định. 

Ngoài các tác dụng của rượu chuối hột kể trên thì loại rượu này còn có thể cải thiện sinh lý nam giới, hỗ trợ hệ tiêu hóa và điều trị chứng biếng ăn.

3. Một số lưu ý khi dùng rượu chuối hột

Rượu chuối hột là một trong những loại rượu thuốc đem đến nhiều lợi ích sức khỏe song cần sử dụng theo liều lượng nhất định để phòng tránh các tác dụng phụ nguy hiểm. 

Một số lưu ý dưới đây cần tuân thủ thực hiện: 

  • Nên chọn lựa những nguyên liệu sạch để ngâm rượu nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tốt nhất nên dùng rượu nếp để ngâm.
  • Không uống nhiều rượu cùng một lúc dẫn đến say xỉn, mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 2 lần, tốt nhất mỗi lần chỉ uống một ly nhỏ (khoảng 1ml). 
  • Dùng rượu chuối hột ngay trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn, hạn chế uống khi bụng còn đói. 
  • Không nên sử dụng rượu chuối hột liên tục quá 3 tuần để tránh tình trạng ngộ độc rượu. 
  • Chuối hột có chứa nhiều chất tanin, nếu sử dụng quá nhiều có thể làm ảnh hưởng hoạt động tiêu hóa, gây táo bón và khó tiêu. 
  • Sau khi uống rượu chuối hột, nếu quan sát có hiện tượng mặt đỏ, chóng mặt và tim đập nhanh thì nên tạm ngừng sử dụng, kịp thời liên hệ cơ sở y tế khi cần thiết. 
  • Phụ nữ có thai, sau khi sinh và người mắc các bệnh táo bón, trĩ, đau dạ dày thì không nên uống.
  • Loại rượu này có công dụng khá muộn từ 3 - 6 tháng và tác dụng phụ cũng vậy.

Có thể thấy rượu chuối hột là một bài thuốc Đông y với khá nhiều công dụng hữu ích trong việc duy trì và bảo vệ sức khỏe, nhưng hãy “tỉnh táo” khi sử dụng để hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.