Tìm hiểu về cây chuối hột và các lợi ích sức khỏe quan trọng

(VOH) – Chuối hột là một giống chuối đặc biệt bởi dù chín hay xanh cũng có vị hơi chát và rất ‘kén’ người ăn. Tuy nhiên tại sao cho tới nay loại chuối này vẫn luôn được “săn lùng” khá nhiều?

Cũng giống như các giống chuối khác, hầu hết các bộ phận của cây chuối hột đều được tận dụng tối đa để chế biến một số món ăn và điều chế thành các bài thuốc giúp cải thiện sức khỏe. Cùng tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm và những công dụng hữu hiệu của loại chuối này trong bài viết dưới đây. 

1. Đặc điểm của cây chuối hột

Chuối hột hay còn gọi là chuối chát, thuộc họ chuối Musaceae (thậm chí giống chuối này còn được coi là “tổ tiên” của các loại chuối), có tên khoa học là Musabalbisina Golla.

1.1 Đặc điểm

Cây chuối hột nằm trong nhóm cây ăn quả thân thảo, phần thân giả cao tới 3 – 4m gồm các lớp bẹ ốp vào nhau, lá có phiến dài, bề mặt dưới có màu đỏ tía, cuống xanh và sọc đỏ. Phần thân thật của cây chuối hột nằm trong lòng đất, dân gian thường gọi là củ chuối. 

Điểm khác biệt của cây chuối hột nằm ở bộ phận hoa chuối và quả chuối. Nếu như hoa chuối của giống cây thông thường sẽ mọc thõng xuống dưới thì với cây chuối hột, bạn sẽ quan sát thấy phần hoa chuối mọc thẳng đứng ở ngọn, có màu đỏ tươi. 

Trụ hoa chuối phát triển đủ độ sẽ dần trổ ra quả chuối hột. Quả chuối hột có góc cạnh, rất dễ nhận biết, khi chín cũng có màu vàng đượm nhưng thịt chuối khá ít, chủ yếu có nhiều hột màu đen với kích thước từ 4 – 5 mm. 

tim-hieu-ve-cay-chuoi-hot-va-cac-loi-ich-suc-khoe-quan-trong-voh-0
Cây chuối hột nằm trong nhóm cây ăn quả thân thảo, phần thân giả cao tới 3 – 4m

1.2 Phân bố

Theo chia sẻ của những người làm vườn, quá trình trồng chuối hột không quá vất vả bởi giống cây này cho năng suất cao và sinh trưởng không kén đất trồng. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, chuối hột chủ yếu được trồng tại các tỉnh thuộc vùng núi Tây Nguyên và Tây Bắc như Sơn La, Mộc Châu hay Phước Bình. 

2. Tác dụng của chuối hột

Theo các phân tích dinh dưỡng, quả chuối hột cung cấp khá nhiều dưỡng chất cho cơ thể như chất xơ, kali, tinh bột kháng hay tanin... Đặc biệt, hoạt chất tanin chính là yếu tố khiến chuối hột thường có vị chát nhiều hơn vị ngọt. 

tim-hieu-ve-cay-chuoi-hot-va-cac-loi-ich-suc-khoe-quan-trong-voh-1
Quả chuối hột có góc cạnh, rất dễ nhận biết, khi chín cũng có màu vàng đượm (Nguồn: Internet) 

Chuối hột thường được sử dụng để cải thiện một số tình trạng bệnh lý dưới đây: 

2.1 Hỗ trợ điều trị sỏi thận

Trong y học cổ truyền, quả chuối hột thường được ngâm cùng rượu ở nồng độ 42 – 47 để hỗ trợ làm tan sỏi thận, đồng thời ngăn ngừa hình thành thêm sỏi canxi oxalate và canxi phosphate. Rượu chuối hột có tác động hữu hiệu với các trường hợp kích thước sỏi còn nhỏ, chưa gây nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Xem thêm: Chữa sỏi thận bằng chuối hột – bài thuốc rẻ tiền, dễ thực hiện tại nhà mà hiệu quả vô cùng

2.2 Phòng ngừa tiêu chảy

Nếu bạn nằm trong nhóm người thường gặp phải vấn đề rối loạn tiêu hóa thì không nên bỏ qua quả chuối hột. Thức quả này khi còn non xanh, phần hạt có chứa nhiều tinh bột kháng – hoạt chất kích thích sản sinh lợi khuẩn cho đường ruột, giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy và mất nước. 

2.3 Ngăn ngừa viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày nằm trong nhóm bệnh lý khá nghiêm trọng của cơ quan tiêu hóa này, lúc này niêm mạc bị bào mòn và lớp dưới thành dạ dày lộ ra.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh lý này bằng cách uống bột chuối hột tán mịn, theo đó loại bột này làm giảm tiết dịch vị và tăng tiết chất nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

Xem thêm: Cảnh báo viêm loét dạ dày tái phát - con đường nhanh nhất dẫn đến ung thư dạ dày

2.4 Chữa hắc lào

Hắc lào được biết đến như một loại bệnh da liễu xảy ra do nhiễm nấm thuộc nhóm Dermatophytes, trong đó phổ biến nhất là 3 loại: trichophyton, microsporum, và epidermophyton. Bạn có thể tận dụng nhựa từ quả chuối hột xanh, xoa trực tiếp lên vùng da bị hắc lào nhằm khắc phục sớm các vết thương sưng đỏ và ngứa ngáy. 

3. Thân cây chuối hột có tác dụng gì?

Thông thường, nếu muốn sử dụng phần thân cây chuối hột, người làm vườn sẽ phải “hy sinh” toàn bộ cây. Ngoài ra, chỉ có thân của cây chuối hột còn non và có bắp chuối đang nhú mới đem lại nhiều dưỡng chất. 

tim-hieu-ve-cay-chuoi-hot-va-cac-loi-ich-suc-khoe-quan-trong-voh-2
Phần lõi non bên trong thân cây chuối hột chứa rất nhiều dưỡng chất (Nguồn: Internet) 

3.1 Giảm đau răng

Đau nhức răng thường diễn ra âm ỉ và kéo dài, sẽ khiến bạn cảm thấy đau buốt, đau nhói bên trong hoặc xung quanh hàm răng. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, kể đến như sâu răng, tuột lợi, viêm tủy răng hoặc miếng trám răng bị vỡ. 

Nếu gặp khó khăn trong việc ăn uống và muốn giảm bớt cơn đau, lời khuyên là nên cắt thân chuối, nướng chín rồi ép lấy nước, sau đó pha nước với muối rồi dùng để súc miệng sau khi đánh răng vào sáng và tối. 

Xem thêm: Nguy cơ mất răng nếu bạn chủ quan với viêm tủy răng

3.2 Cầm máu nhanh chóng

Những bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày đôi khi gây ra các vết thương chảy máu, nếu không kịp thời cầm máu thì  có thể gây choáng, ngất xỉu và thậm chí kéo dài còn gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Tuy nhiên để nhanh chóng cầm máu, hãy nghiền nhuyễn phần lõi non bên trong thân rồi đắp trực tiếp lên vùng tổn thương, nhằm thúc đẩy quá trình co mạch ban đầu. 

3.3 Tốt cho xương khớp 

Thân của cây chuối hột còn non xanh được đánh giá là bộ phận mọng nước. Đặc biệt, sau khi khoét phần lõi bên trong của thân, bạn thể sử dụng nước tiết từ thân chuối để sắc uống, nhằm giảm các cơn đau nhức xương khớp và hỗ trợ điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm.  

Xem thêm: Những điều bạn cần biết về chứng thoát vị đĩa đệm

4. Củ chuối hột có tác dụng gì?

Củ chuối hột là phần thân ngầm, bám sâu trong lòng đất và cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi lớn toàn bộ cây chuối. Cũng giống như thân chuối, người ta thường đào lấy củ chuối ở các cây chuối non, mới chỉ cao khoảng 20 – 25cm. Điều này có nghĩa rằng cây chuối hột đó không còn được sử dụng để thu hoạch quả nữa. 

tim-hieu-ve-cay-chuoi-hot-va-cac-loi-ich-suc-khoe-quan-trong-voh-3
Củ chuối hột của cây chuối non có thể trị ho ra máu, kiết lỵ ra máu (Nguồn: Internet) 

4.1 Trị ho ra máu

Ho ra máu - một trong các dấu hiệu của một số bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như giãn phế quản, lao phổi, nấm phổi, ở cấp độ nặng có thể là ung thư phế quản phổi. Để tình trạng ho thuyên giảm, nên chủ động sắc bài thuốc củ chuối, tầm gửi cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía và dùng đều mỗi ngày khoảng 2 lần. 

Xem thêm: Những căn bệnh này chính là ‘thủ phạm’ gây ho ra máu

4.2 Cải thiện tình trạng kiết lỵ ra máu

Kiết lỵ ra máu xảy ra do các nhóm vi khuẩn shigella hoặc salmonella gây nhiễm trùng ruột già, đồng thời gây viêm toàn bộ đại tràng và trực tràng. Nếu phơi khô, sao vàng hỗn hợp củ chuối, sả, vỏ táo rồi sắc nước uống thì có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi và bù nước cho cơ thể khá hiệu quả. 

4.3 Hạ sốt

Chúng ta biết rằng sốt là hiện tượng thân nhiệt cơ thể tăng cao trên mức 37 độ C, đây được xem như phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch. Song nếu cơn sốt kéo dài âm ỉ có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây mê sảng và thậm chí là co giật. 

Bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ sốt, hãy kết hợp ép củ chuối lấy nước để uống hoặc nghiền củ chuối rồi đắp lên trán. 

Xem thêm: Những lưu ý cần nắm rõ khi dùng thuốc hạ sốt tại nhà

5. Hoa chuối hột có tác dụng gì?

Nếu đã biết đến nhiều công dụng và món ngon từ hoa chuối của các giống chuối khác thì bạn cũng không nên bỏ qua hoa chuối hột. 

tim-hieu-ve-cay-chuoi-hot-va-cac-loi-ich-suc-khoe-quan-trong-voh-4
Hoa chuối hột sẽ mọc thẳng đứng ở phần ngọn, có màu đỏ tươi (Nguồn: Internet) 

5.1 Tăng tiết sữa sau sinh

Tắc tia sữa sau sinh hay “sữa chưa về” xảy ra do lòng ống dẫn sữa bị hẹp lại, sữa đông kết lại gây nên. Để sữa bị tắc dễ tan ra và mẹ không cảm thấy đau đớn khi cố gắng cho em bé bú, trong thực đơn hàng ngày, mẹ nên ăn thêm hoa chuối luộc hoặc các món nộm rau củ kèm hoa chuối. 

5.2 Chống táo bón

Theo phân tích dinh dưỡng, hoa chuối hột bổ sung cho cơ thể một lượng chất xơ dồi dào, nhằm kích thích nhu động ruột hoạt động, tăng co bóp để đào thải phân ra ngoài. Sự tác động này diễn ra hiệu quả sẽ giảm tỉ lệ mắc chứng táo bón, đặc biệt ở đối tượng người cao tuổi.    

6. Vỏ chuối hột có tác dụng gì?

Vỏ chuối hột thường khá dày và khó bóc hơn so với các loại chuối khác. Tuy nhiên, khi phơi khô phần vỏ này rồi tán thành bột và trộn với các dược liệu như quế chi, cam thảo, vỏ quả lựu cùng quả tầm xuân cũng góp phần điều trị hữu hiệu kiết lỵ. 

7. Lá chuối hột có tác dụng gì?

Lá chuối hột có đặc điểm và công dụng tương đối giống với các lá chuối thông thường, ta có thể tận dụng để đóng gói và bảo quản thực phẩm. 

Ngoài ra, công dụng của lá chuối hột đặc biệt hữu ích với những người thợ xây dựng, thường xuyên tiếp với vôi tôi. Theo đó, giã nhuyễn rồi chà lá chuối hột lên vùng tay có dính vôi sẽ giảm thiểu nguy cơ bị lở loét và tổn thường da. 

Có thể thấy chuối hột là một trong những cây ăn quả với nhiều công dụng đa dạng, loài cây này cũng được xếp vào nhóm cây thuốc dân gian quý giá giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hữu hiệu nhiều bệnh lý. Tuy nhiên trước khi sử dụng các bộ phận của cây chuối hột, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của cây trồng để đảm bảo an toàn và cải thiện sức khỏe một cách tốt nhất.