Lá cách là loại rau có mùi vị thơm ngon, dùng chế biến kèm những món ăn xào hoặc ăn sống. Là loại rau xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt. Bên cạnh giúp làm tăng hương vị cho món ăn, lá cách còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1. Cây lá cách là lá gì?
Lá cách (hay còn gọi là lá vọng cách, lá lộc cách...) có tên khoa học là Premna Integrifolia, là loài cây thường xanh, họ Hoa môi.
Cây cách thuộc cây bụi lớn, cao đến 7m, mọc thẳng đứng, có thể có gai. Lá cách là lá đơn nguyên, mọc đối chữ thập, hình trái xoan hay trái xoan bầu dục, gốc tròn hay hình tim, hơi bất xứng, chóp tù hay mũi ngắn, rìa lá có hơi khía răng ở phần trên, có ít lông ở dưới, nhất là ở các gân. Lá non có màu xanh nhạt, khi già có màu xanh đậm. Hoa màu trắng xám. Quả hình trứng, màu đen khi chín.
Cây lá cách thường mọc ở những vùng ven biển, đầm lầy đến ven suối, ven trảng rừng (ở độ cao từ 0 – 300m), những nơi có ánh sáng toàn phần đến bóng râm một phần.
Lá cách thường được sử dụng làm thuốc, pha nước uống hoặc làm rau ăn trong ẩm thực. Lá cách khi gặp nhiệt độ cao thì sẽ cho ra mùa thơm lừng và có tác dụng khử tanh của thực phẩm, biến thực phẩm trở nên thơm ngon.
2. Lá cách có tác dụng gì cho sức khỏe?
Hiện nay các nghiên cứu y học hiện đại về các công dụng của lá cách còn tương đối hiếm. Các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy trong lá cách có chứa 2 thành phần chính là chính là premnin và ganiarin, đây là chất có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau.
Ngoài ra, chất premnin và ganiarin trong lá cách có tác dụng tốt trong việc khắc phục triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu... hay xảy ra ở người bị gan nhiễm mỡ. Đồng thời cũng giúp làm tăng huyết áp đối với người huyết áp thấp (không tốt cho người huyết áp cao).
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chất premarin và ganiarin trong lá cách là những chất hơi độc. Do đó, chỉ nên sử dụng lá cách theo từng liệu trình từ 5 – 7 ngày thì tạm ngưng, không dùng liều cao và liên tục. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng lá cách như mọt dược liệu điều trị bệnh lý gan nhiễm mỡ cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
3. Công dụng của lá cách trong y học cổ truyền
Mặc dù không có nhiều các nghiên cứu y học hiện đại về tác dụng của lá cách tuy nhiên, một số sách trong Đông Y thì lại nói rất rõ về công dụng của lá cách cũng như các bài thuốc chữa bệnh từ lá cách.
Trong sách Cây rau làm thuốc của TS Võ Văn Chi có viết, lá cách có mùi hơi hôi và hăng, vị ngọt nhẫn, tính mát. Có tác dụng hỗ trợ tỳ can, làm mát gan, sáng mắt, tiêu độc, lợi tiểu, trị phù do gan, xơ gan. Trong khi rễ lá cách có tác dụng làm thông kinh mạch, tán ứ kết, bại liệt và trị được chứng xuất huyết não.
Dưới đây là một số bài thuốc từ lá cách theo Đông y và y học dân gian:
3.1 Phòng đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy
Dùng lá cách ăn cùng với nem để tạo cảm giác vừa đắng nhẹ vừa thơm ngon và giúp phòng ngừa được chứng đau bụng, sôi bụng hoặc bị tiêu chảy.
3.2 Chữa viêm gan vàng da
Lá cách 40g, nhân trần 50g, diệp hạ châu 20g, cam thảo 12g. Đem tất cả các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang, uống trong vài tuần cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
3.3 Gan nhiễm mỡ
Lá vọng cách (làm chủ vị) 30g, lá dành dành hoặc chi tử 20g (nếu đầy bụng gia vỏ quýt lâu năm 15g), đậu đen 5g, cỏ mần trầu 10g, nhân trần 20g, râu ngô 10g. Các vị trên sao vàng hạ thổ, đổ nước vừa phải, sắc uống ấm, trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Bệnh cấp tính uống 20 ngày; bệnh mạn tính uống 1-3 tháng để bệnh khỏi tái phát lại.
3.4 Chữa đau bụng, đau quặn bụng (nhất là khi đại tiện)
Dùng 40g lá cách tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày 2 lần, trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Uống trong vài ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Ngoài ra có thể lấy lá cách phơi khô (20 – 30g), cỏ sữa (20g) sắc uống hàng ngày. Với trẻ nhỏ, tùy theo độ tuổi để gia giảm lượng dùng, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.
3.5 Chữa nhức mỏi
Lá cách có tính hành khí hoạt huyết, nên uống nước sắc từ lá cách hoặc sử dụng lá cách làm rau ăn sẽ giúp giảm tình trạng nhức mỏi cơ thể do tuổi tác.
3.6 Thông tiểu tiện sạn thận
Các thuốc thông tiểu đều có khả năng tống những hòn sỏi nhỏ. Kết quả trị liệu tùy thuộc loại sạn, thể tích và vị trí sạn. bạn có thể đi chẩn đoán và siêu âm để định bệnh. Trong lúc đó, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc lấy lá cách làm thức ăn, nấu nước uống để hỗ trợ thông tiểu sạn thận.
Xem thêm: Bệnh sỏi thận là gì? Tìm hiểu những thông tin chi tiết về bệnh sỏi thận
Lưu ý: Các bài thuốc dân gian chữa bệnh từ lá cách chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi dùng bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc Đông Y để được hướng dẫn cách dùng phù hợp.
4. Cách nấu lá cách làm nước uống
Dùng cây lá cách có thể nấu nước uống trà như bình thường. Nhưng nếu muốn ngon hơn bạn có thể thêm chút đường vào có thể giúp vị được thay đổi và dễ uống.
Trong trường hợp muốn dùng lá cách tươi pha nước uống, bạn có thể hái một nắm lá đem rửa sạch, sau đó để vào máy xay, thêm ít đường để nước dịu hơn. Sau đó lọc lấy nước cốt uống.
Vì lá cách tươi mùi hơi hăng nên bạn có thể sử dụng cây khô, chỉ cần lấy một ít sắc nước, hoặc đem hãm uống như trà bình thường. Cây khô có mùi thơm và dễ uống hơn.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc sử dụng nước lá cách thay cho nước uống mỗi ngày có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm, khiến huyết áp tăng cao. Nói theo Đông Y, uống nhiều nước lá cách sẽ gây mất cân bằng Âm Dương và làm rối loạn chức năng của tạng phủ, từ đó gây ra những chứng bệnh khó lường.
5. Bà bầu ăn lá cách được không?
Không có nhiều thông tin về tác dụng của lá cách đối với phụ nữ mang thai cũng như những mối nguy hại của lại rau này đối với sức khỏe mẹ bầu. Do đó, nếu yêu thích lá cách, mẹ bầu có thể ăn kèm chúng trong các món ăn như một loại rau giúp làm tăng hương vị món ăn, không sử dụng lá cách như một loại dược liệu chữa bệnh.
Với phụ nữ mang thai, công dụng của lá cách còn hạn chế, tuy nhiên, với phụ nữ sau sinh lá cách mang lại khá nhiều lợi ích như:
5.1 Giúp chữa da vàng, kém ăn
Tác dụng của lá cách đối với phụ nữ sau sinh là giúp chữa tình trạng vàng da, kém ăn. Sản phụ sau sinh bị vàng da, ăn uống kém có thể dùng lá cách, nhân trần, lá cối xay mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
5.2 Chữa tắc tia sữa
Lá cách khi kết hợp với lá bồ công anh mỗi thứ từ 30 – 40g, đem đi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Phần bã đem đắp bên ngoài, ngày 1 lần. Sau một vài ngày sẽ thấy công hiệu.
5.3 Cải thiện tình trạng sữa ít hoặc các trường hợp tiểu tiện khó khăn
Với những trường hợp trên có thể dùng khoảng 30g lá cách sắc lấy nước uống. Hoặc có thể phối hợp với thông thảo 12g, sắc uống ngày 1 thang cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Xem thêm: Bí quyết giúp ‘sữa về như suối’ cho bé ti thoải mái, không lo thiếu sữa
6. Lá cách làm món gì ngon?
Công dụng của lá cách ngoài việc điều trị bệnh thì loại lá này còn được sử dụng làm rau gia vị trong ẩm thực, trong đó có thể kể đến các món sử dụng lá cách như một loại rau sống để ăn kèm: món gỏi cá, bánh xèo...
Các món um lá cách như lươn um lá cách hoặc nhiều người còn dùng lá cách để xào với thịt gà, thịt rắn, lươn, ếch,... đều rất thơm ngon, do lá cách khi gặp nhiệt độ cao sẽ có hương thơm lừng và có tác dụng khử mùi tanh của thực phẩm.
Xem thêm: Học làm 6 món ngon từ lá cách đơn giản nhưng hấp dẫn bữa cơm nhà
Nhìn chung, lá cách là loại rau ăn được dùng khá phổ biến, loại rau này có thể dùng làm dược liệu chữa bệnh theo Đông y, nhưng bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp thông thường, hãy sử dụng lá cách như một rau ăn kèm trong các bữa ăn để nâng cao sức khỏe.