1. Sừng tê giác có tác dụng gì?
Theo tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới, hiện nay, tê giác là con vật được săn lùng rất nhiều vì nhiều người cho rằng sừng tê giác có thể trị bá bệnh. Vậy sừng tê giác trị được bệnh gì?
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh đã có từ rất lâu, từ khi chưa có nhiều loại thuốc chữa bệnh như hiện nay. Trước đây, khi chưa có sự xuất hiện của các loại thuốc hiện đại thì người ta thường chữa bệnh theo kinh nghiệm và sừng tê giác cũng là một trong những kinh nghiệm chữa bệnh của người xưa.
Sừng tê giác có chữa được nhiều bệnh? (Nguồn: Internet)
Theo kinh nghiệm xưa, khi bị sốt cao, có động kinh, người ta sử dụng sừng tê giác mài ra rồi nhỏ vào lưỡi, nó có tác dụng làm hạ nhiệt độ cơ thể xuống. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, sừng tê giác có một số thành phần như:
- Keratin hay chất sừng;
- Canxi cacbonat;
- Canxi photphat;
- Khi thủy phân thông thường thì thu được các axit amin;
Tuy nhiên, tất cả những chất này đều không tan được trong nước, không thể hấp thu vào cơ thể khi chúng ta ăn hay uống.
Theo Đông y, sừng tê giác có tính hàn, có tác dụng làm mát, giải độc, được xem là một vị thuốc và thường sử dụng cùng với các vị thuốc khác trong một bài thuốc chữa bệnh.
Tóm lại, bác sĩ Bay nhấn mạnh, sừng tê giác chỉ có 1 tác dụng duy nhất là trị sốt cao có co giật, đôi khi có thể sử dụng để giải độc trong một số trường hợp. Vì vậy, thông tin sừng tê giác trị bá bệnh là hoàn toàn sai, không có căn cứ và khoa học cũng chưa có chứng minh nào về tác dụng khác của sừng tê giác ngoài tác dụng hạ sốt.
2. Có nên sử dụng sừng tê giác để trị bệnh?
Theo bác sĩ Bay, sừng tê giác là một vị thuốc chứ không phải bài thuốc, vì vậy, khi sử dụng sừng tê giác trị bệnh cần phải phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Và hiện nay, chỉ có trên 20 bài thuốc có chứa vị thuốc sừng tê giác.
Có rất nhiều sừng tê giác giả được bán trên thị trường (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, hơn 80% sừng tê giác trên thị trường là sừng tê giác giả. Người ta dùng sừng trâu, sừng dê, sừng linh dương,…mài dũa sao cho giống sừng tê giác để bán nên rất khó phân biệt. Hơn nữa khi thử các loại sừng tê giác giả, chúng đều có thành phần keratin nên càng khó nhận biết. Vì vậy, đừng vì tin vào sự đồn thổi về tác dụng trị bệnh của sừng tê giác mà bỏ 1 số tiền lớn để mua chúng, trong khi hầu hết sừng tê giác trên thị trường đều là giả.
Bác sĩ Bay cho biết, sừng tê giác thật thường có độ óng ánh như đá thạch anh mà sừng của các con vật khác thì không có được điều này.
Như vậy, sừng tê giác là dược liệu nhưng có rất ít tác dụng và thực tế sừng tê giác không chữa được bệnh ung thư, tăng cường sức khỏe sinh lý nam giới hay các bệnh khó chữa như nhiều người đồn thổi.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: