Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu trong công tác phòng chống dịch phải tiếp tục kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Tính từ 18h ngày 27/4 đến 6h ngày 28/4: Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện tổng số ca mắc ở nước ta vẫn là 2.857.
- Tính đến 6h ngày 28/4: Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 74 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
Hà Nội 70 ngày và Hải Phòng 64 ngày, Hải Dương 34 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Số ca mắc COVID- 19 của thế giới
- Cả thế giới có 149.287.369 ca mắc, trong đó 126.842.389 ca đã khỏi bệnh; 3.147.149 ca tử vong và 19.297.831 điều trị (111.026 ca diễn biến nặng)
- Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 718.326 ca, tử vong tăng 10.796 ca
- Tại Đông Nam Á, trong ngày Philippines tăng 7.204 ca, Malaysia tăng 2.733 ca, Thái Lan tăng 2.179 ca, Lào tăng 75 ca, Singapore tăng 12 ca, Myanmar tăng 18 ca
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 38.520, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.189
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.808.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.516 /2.857
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 48 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 13 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 15 ca; số ca âm tính lần 3 là 20 ca.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 27/4, các chuyên gia nhận định, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian gần đây, một số quốc gia có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam có ca nhiễm tăng cao như: Thái Lan, Lào, Campuchia.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong nước đến nay được kiểm soát tốt, cả nước đã qua hơn 1 tháng không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian qua đều là ca nhập cảnh đã được cách ly. Do đó, người dân dễ nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang.
Trên cả nước vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nếu không quản lý tốt sẽ có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, trong dịp các ngày nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 và nghỉ hè, đây là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh rất cao không chỉ từ các nước có biên giới giáp Việt Nam mà ngay cả trong nước vì chúng ta vẫn phải tiếp nhận các chuyên gia vào làm việc, đón bà con bị kẹt ở nước ngoài về. Bằng chứng mới nhất là tại Yên Bái, khi đón đoàn chuyên gia Ấn Độ vào đã lây cho một nhân viên ở khách sạn cách ly. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục có các biện pháp ngăn chặn, kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Cùng với việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, các lực lượng phòng chống dịch, cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở phải tăng cường vận động, tuyên truyền người dân ở các xã, tỉnh biên giới và trên toàn quốc nếu thấy người có biểu hiện hoặc từ nước ngoài về thì báo ngay cho chính quyền, lực lượng chức năng.
Ban Chỉ đạo đã giao cho Bộ TT&TT chỉ đạo và hỗ trợ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh ở khu vực biên giới và địa phương có vùng biên.
Sáng 28/4, Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã có 318.792 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2. Các địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đúng đối tượng.
Có thêm 59.056 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 27/04/2021.
Tính đến 16 giờ ngày 27/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 318.792 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Chi tiết 59.056 người được tiêm tại 48 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong ngày 27/04/2021 như sau:
- Đợt 1: Quảng Ninh: 393 người; Bộ Công an: 1.809 người; Bộ Quốc phòng: 2.301 người
- Đợt 2: Hà Nội: 8.668 người; Hải Phòng: 60 người; Nam Định: 900 người; Ninh Bình: 90 người; Bắc Ninh: 972 người; Phú Thọ: 1.844 người; Vĩnh Phúc: 656 người; Hải Dương: 6.411 người; Hưng Yên: 1.827 người; Thái Nguyên: 912 người; Bắc Cạn: 84 người; Quảng Ninh: 742 người; Hoà Bình: 492 người; Hà Tĩnh: 976 người; Lai Châu: 317 người; Lạng Sơn: 288 người; Tuyên Quang: 228 người; Hà Giang: 824 người; Cao Bằng: 1.006 người; Yên Bái: 770 người; Lào Cai: 2.460 người; Sơn La: 108 người; Điện Biên: 1.335 người; Quảng Bình: 295 người; Quảng Trị: 138 người; TT- Huế: 649 người; Tp. Đà Nẵng: 143 người;
Quảng Nam: 232 người; Quảng Ngãi: 313 người; Bình Định: 1.169 người; Phú Yên: 1.265 người; Khánh Hòa: 1.406 người; Bình Thuận: 990 người; Ninh Thuận: 1.057 người; Kon Tum: 1.865 người; Đắc Lắc: 2.877 người; Đắk Nông: 339 người; Lâm Đồng: 1.324 người; Cần Thơ: 1.217 người; Sóc Trăng: 1.921 người; Bến Tre: 271 người; Trà Vinh: 87 người; Vĩnh Long: 937 người; Bình Phước: 866 người; Cà Mau: 722 người; Bạc Liêu: 2.387 người; Hậu Giang: 113 người.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã có quyết định điều chuyển 20.000 liều vắc xin trong tổng số 43.700 liều vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác gồm Lào Cai và 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.
Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam đã tiêm cho 318.712 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất. Sau tiêm vắc xin các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm…Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II,III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, do khâu tổ chức tiêm chủng của nước ta hết sức bài bản với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả các nước phát triển, đó là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm