Chờ...

Đồ ăn vặt giúp cải thiện chất béo trung tính?

VOH - Mọi người có thích đồ ăn vặt không? Hầu hết các món ăn vặt đều chứa nhiều carbohydrate, là một trong những thủ phạm gây ra hội chứng chuyển hóa và béo phì.

Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng, việc thay thế đồ ăn vặt có hàm lượng carbohydrate cao bằng một món ăn khác và chọn món ăn vặt phù hợp có thể cải thiện chu vi vòng eo và chất béo trung tính, từ đó giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.

Đồ ăn vặt giúp cải thiện chất béo trung tính? 1

Chuyển sang ăn các loại hạt làm đồ ăn vặt hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa - Ảnh: TVBS

Ăn vặt thế nào cho phù hợp để giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa?

Mọi người có thói quen ăn vặt không? Chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) Mạn Mạn cho biết, một cuộc khảo sát được thực hiện ở 27 quốc gia vào năm 2022 cho thấy, có 71% người tiêu dùng thực phẩm ăn đồ ăn vặt ít nhất hai lần một ngày trên khắp thế giới.

Khảo sát chế độ ăn uống của người Mỹ cho thấy, đối với người trưởng thành từ 20 đến 39 tuổi, lượng calo trung bình từ đồ ăn vặt chiếm gần 25% tổng lượng calo hàng ngày.

Và những đồ ăn vặt thường có nhiều carbohydrate, chẳng hạn như bánh quy, bánh hạnh nhân, kem lạnh, bánh ngọt, bánh nướng, kẹo…những thứ ăn vặt này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính như hội chứng chuyển hóa, thừa cân, béo phì…

Một nghiên cứu can thiệp về chế độ ăn uống được công bố tại Mỹ vào năm 2023 cho thấy, so với việc ăn đồ ăn vặt có hàm lượng carbohydrate cao, việc chuyển sang ăn các loại hạt làm đồ ăn vặt hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa bằng cách cải thiện chu vi vòng eo, chất béo trung tính (hay còn gọi là triglyceride) và cải thiện độ nhạy insulin.

Người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 6 lần

Chuyên gia Mạn Mạn cho biết, so với người bình thường, những người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 6 lần, nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp gấp 4 lần, nguy cơ mắc bệnh mỡ máu cao gấp 3 lần và nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao gấp 2 lần, biến chúng thành những bệnh mãn tính.

Vì sao ăn các loại hạt có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa?

Theo phân tích của chuyên gia Mạn Mạn cho thấy, việc thay thế đồ ăn vặt có hàm lượng carbohydrate cao bằng các loại hạt có thể giảm thiểu rủi ro vì các loại hạt là nguồn giàu protein, chất xơ và vitamin E. Chúng cũng chứa kali, khoáng chất vi lượng, polyphenol và sterol thực vật.

Đồ ăn vặt giữa các bữa ăn chính có thể làm giảm lượng hấp thụ chất béo bão hòa và đường bổ sung, vốn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và cải thiện chất lượng chế độ ăn uống tổng thể. Các loại hạt cũng có thể mang lại cảm giác no, giảm cảm giác đói và giảm cảm giác thèm ăn.

Chuyên gia Mạn Mạn cho biết, nếu có xu hướng thèm ăn vặt, mọi người có thể chọn các loại hạt thay thế cho những món ăn vặt, điều này sẽ giúp mọi người ăn uống lành mạnh hơn, không gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng các loại hạt là loại thực phẩm béo, chứa nhiều calo và chất dinh dưỡng nên cần kiểm soát lượng ăn vào, chỉ nên ăn một gói nhỏ các loại hạt không có hương vị mỗi ngày, hoặc ăn 1 đến 2 muỗng, nếu không mọi người ăn quá nhiều có thể gây tăng cân.

Chuyên gia Mạn Mạn nói, vì các loại hạt rất giàu axit béo chất lượng cao và dễ bị ôi thiu do chất béo bị oxy hóa chậm sinh ra, nên cách xử lý tốt nhất các loại hạt là ăn chúng càng sớm càng tốt, khi các loại hạt đã có mùi dầu thì hãy tránh ăn chúng.