Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Dứa dầm muối đường – ‘liều thuốc’ trị chứng đầy bụng khó tiêu

(VOH) – Dứa dầm muối đường không chỉ là món tráng miệng thơm ngon mà còn có công dụng ‘đẩy lùi’ chứng đầy bụng khó tiêu sau khi ăn.

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, bên cạnh quả xoài, thì quả dứa cũng được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây nhiệt đới”. Thức quả này vừa có vị chua, vừa có vị ngọt, đồng thời cung cấp nhiều thành phần hữu ích như chất xơ, vitamin C, canxi, photpho hay kali. 

1. Lợi ích sức khỏe khi ăn dứa dầm muối đường

Dứa được tận dụng làm nguyên liệu chế biến khá nhiều món ăn hấp dẫn như mứt dừa, mực xào dứa, thịt kho dứa,…Bên cạnh đó, thức quả này còn góp mặt trong món tráng miệng vô cùng bổ dưỡng là dứa dầm muối đường. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, các hoạt chất được tìm thấy trong dứa đảm nhiệm vai trò hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, dứa cung cấp enzym bromelain giúp “dọn dẹp” các thành phần độc tố trong đường ruột và làm mềm phân. Chính vì vậy, món ăn này rất thích hợp với người thường xuyên gặp chứng đầy bụng khó tiêu hay táo bón. 

2. Cách làm dứa dầm muối đường

Dứa có vị chua cùng tính axit cao, tuy nhiên khi hòa trộn với muối cùng đường sẽ dung hòa hương vị, tạo nên một món ăn vặt thơm ngon và giàu dinh dưỡng. 

dua-dam-muoi-duong-lieu-thuoc-tri-chung-day-bung-kho-tieu-voh-0
Dứa dầm muối đường chua chua ngọt ngọt bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa tốt (Nguồn: Internet)

2.1 Nguyên liệu

  • Dứa: 1 trái 
  • Muối, đường cát trắng 

2.2 Cách làm dứa dầm muối đường

  • Gọt sạch vỏ và lọc bỏ phần mắt dứa. Sau đó tiến hành cắt dứa theo chiều ngang thành những khoanh tròn. 
  • Phết đường và muối lên bề mặt một khoanh dứa, sau đó dùng một khoanh khác ép lên. Tiếp tục thực hiện như vậy với các khoanh còn lại cho tới khi hết. 
  • Bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1 tiếng để muối đường thấm vào dứa, cũng như làm dịu tính axit của dứa. Sau thời gian trên có thể thưởng thức dứa dầm muối đường. 

Lưu ý: Bên cạnh việc ăn trực tiếp, bạn cũng có thể tận dụng phần nước dứa chảy từ hỗn hợp, đem pha với nước lọc, thêm chút đá viên để thưởng thức. 

Xem thêm: Thêm ngay bí quyết chế biến ‘nhanh, gọn, lẹ’ 7 món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng từ dứa

3. Lưu ý khi ăn dứa dầm muối đường

Để đảm bảo không gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn nên tham khảo thực hiện khi dùng món dứa dầm muối đường: 

3.1 Dùng sau bữa ăn chính

Dứa dầm muối đường là một món tráng miệng, do vậy thời điểm tốt nhất bạn có thể sử dụng nên sau bữa ăn khoảng 30 phút. Lúc này tác động của axit từ dứa lên dạ dày sẽ giảm xuống, cũng như hỗ trợ hoạt động tiêu hóa tốt hơn.  

3.2 Không nên ăn khi mắc bệnh dạ dày

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay khuyến cáo rằng nếu bạn thuộc nhóm đối tượng đang điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày thì cần hạn chế dùng món ăn. Điều này nhằm phòng tránh nguy cơ tăng nồng độ axit trong dịch vị, gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý. 

dua-dam-muoi-duong-lieu-thuoc-tri-chung-day-bung-kho-tieu-voh-1
Nếu đang điều trị bệnh lý dạ dày thì nên hạn chế dùng món dứa dầm muối đường (Nguồn: Internet) 

3.3 Không nên ăn quá nhiều

Một điều cần lưu ý khi ăn dứa dầm muối đường đó là không lạm dụng ăn quá nhiều. Mỗi lần chúng ta ăn khoảng 4 – 5 khoanh dứa sẽ đạt lợi ích tối đa, nếu dùng vượt quá liều lượng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, kích ứng da. 

Xem thêm: 8 điều lý giải vì sao bạn không nên ăn quá nhiều dứa, cần biết sớm để tránh gây hại cho sức khỏe

3.4 Thêm muối đường vừa đủ

Dứa vốn là trái cây có hàm lượng đường tương đối cao nên khi chế biến món ăn, bạn nên nêm nếm liều lượng đường vừa đủ, không cần ngọt lịm. Với muối cũng vậy, chỉ cần thêm một chút để điều hòa vị, tránh dùng quá nhiều dẫn đến dư thừa lượng muối nạp vào cơ thể trong một ngày. 

Mong rằng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lên thực đơn hàng ngày, bổ sung một món tráng miệng lạ miệng và giàu dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe của các thành viên gia đình. 

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Bình luận