Chờ...

Gây tê ngoài màng cứng – phương pháp giúp bà bầu 'đẻ không đau'

(VOH) – Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau hiệu quả cho những bà mẹ sinh thường và sinh mổ. Đây là phương pháp đơn giản giúp sản phụ giảm bớt đau đớn trong quá trình vượt cạn.

Có khoảng 70% sản phụ cảm thấy đau dữ dội hoặc không thể chịu đựng nổi trong quá trình chuyển dạ, và để giảm bớt đau đớn cũng như đảm bảo cho bé yêu chào đời an toàn, nhiều bà mẹ đã chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong quá trình sinh nở.

1. Tìm hiểu sơ lược về phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê được thực hiện bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng – bộ phận nằm ở vị trí giữa dây chằng vàng và màng cứng. Bộ phận này kéo dài từ lỗ chẩm tới hõm cùng, có chứa các rễ thần kinh của tủy sống, mỡ và các mạch máu.

Để thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ tiêm vào khoang ngoài màng cứng ở thắt lưng một thuốc gây tê tại chỗ, thuốc sẽ khuếch tán dần qua màng cứng vào trong khoang dưới nhện và sẽ tác động lên vùng rễ thần kinh xương sống, tủy sống cũng như sợi thần kinh bên cột sống.

Đây là phương pháp lý tưởng nhất trong các trường hợp cần ức chế thần kinh giao cảm và sợi thần kinh cảm giác, giảm sản xuất catecholamin nội sinh, từ đó khởi phát tác dụng giảm đau.

Hiện nay, kỹ thuật này đang được ứng dụng phổ biến trong kiểm soát cơn đau cấp tính sau các phẫu thuật lớn ở các vùng cơ thể như: ngực, bụng và chi dưới để giúp bệnh nhân mất cảm giác đau hoặc giảm đau. Đặc biệt đối với bà bầu sinh thường hay sinh mổ, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được gọi là phương pháp đẻ không đau bởi nó giúp giảm đau hiệu quả cho mẹ bầu.

2. Ứng dụng gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ

Các cơn đau trong chuyển dạ ở mỗi sản phụ được cảm nhận một cách khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sinh lý và tâm lý của từng người. Cơn đau thường tăng dần lên trong quá trình chuyển dạ và đạt cường độ tối đa khi thai nhi di chuyển vào xương chậu của người mẹ.

gay-te-ngoai-mang-cung-ky-thuat-ung-dung-trong-chuyen-da-voh

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giúp sản phụ giảm đau đớn trong quá trình sinh (Nguồn: Internet)

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp hiệu quả nhất giúp sản phụ giảm đau đớn trong quá trình vượt cạn. Bác sĩ gây mê sẽ đặt một ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng của sản phụ. Ống thông này sẽ được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Thuốc gây tê sẽ được truyền qua ống thông này để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ.

2.1 Khi nào có thể thể thực hiện gây tê ngoài màng cứng

Bác sĩ sản khoa sẽ là người quyết định thời điểm tốt nhất để thực hiện gây tê. Đa phần, gây tê ngoài màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung mở từ 3 đến 8cm, nhưng cũng có thể được thực hiện sớm hơn nếu sản phụ bị đau nhiều, hay trong một số trường hợp bệnh lý của người mẹ.

Đôi khi phương pháp đẻ không đau cũng được thực hiện khi cổ tử cung của người mẹ mở hơn 8cm, miễn là em bé chưa xuống quá sâu trong khung chậu của mẹ.

3. Quy trình thực hiện gây tê màng cứng ở sản phụ

Đầu tiên, bác sĩ thăm khám trước khi thực hiện kỹ thuật. Sản phụ được hướng dẫn ngồi hoặc nằm nghiêng một bên và giữ nguyên tư thế, bác sĩ sẽ thực hiện sẽ tiến hành tìm khoang ngoài màng cứng (giữa 2 đốt sống).

Sau đó, vùng lưng của sản phụ sẽ được sát trùng và thực hiện gây tê tại chỗ với một cây kim rất nhỏ, nhằm làm cho bớt đau khi đâm kim lớn gây tê ngoài màng cứng.

Khi đã xác định được khoang ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ đặt ống thông vào đó và cố định dọc theo lưng. Thuốc tê được bơm qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, cơn đau sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 - 15 phút.

Tiêm một liều thuốc tê qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng chỉ giảm đau trong khoảng thời gian từ 45 – 70 phút. Để duy trì tiếp tục hiệu quả giảm đau cho đến khi sinh xong có thể dùng 2 phương pháp:

  • Truyền thuốc tê liên tục bằng một bơm tiêm tự động.
  • Truyền thuốc bằng một bơm tiêm đặc biệt: Sản phụ sẽ bấm nút để bơm tiêm tự động bơm một lượng thuốc tê mỗi khi sản phụ thấy đau (sản phụ sẽ chủ động điều khiển máy bơm để cắt cơn đau).

Với những sản phụ đã thực hiện đẻ không đau, nếu sau đó có chỉ định mổ lấy thai, sản phụ sẽ được tiêm thuốc tê với liều lượng và nồng độ lớn hơn để tiến hành mổ. Tác dụng của thuốc gây tê ngoài màng cứng sẽ tự mất đi sau đó 1 – 3 giờ (tùy liều thuốc).

gay-te-ngoai-mang-cung-ky-thuat-ung-dung-trong-chuyen-da-1-voh

Tác dụng của thuốc gây tê chỉ giúp giảm đau trong khoảng thời gian từ 45 – 70 phút (Nguồn: Internet)

3.1 Những trường hợp chống chỉ định gây tê ngoài màng cứng

Nếu sản phụ thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thể sản phụ sẽ không được chỉ định thực hiện phương pháp đẻ không đau bằng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng:

  • Đã và đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm loãng máu trong thai kỳ.
  • Chất lượng máu không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
  • Thai phụ bị viêm nhiễm ở vùng lưng.
  • Thai phụ mắc bệnh lý về thần kinh, bệnh cột sống, trường hợp đang chảy máu hoặc trong trường hợp cấp cứu.

4. Nguy cơ có thể gặp phải khi gây tê ngoài màng cứng

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng có tác dụng giúp cho người mẹ đẻ không đau, song giống như các thủ thuật khác, kỹ thuật này cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ nhất định. Cụ thể:

4.1 Sản phụ bị nhức đầu sau gây tê ngoài màng cứng

Nhức đầu sau gây tê ngoài màng cứng thường là do thủng màng cứng, có thể gặp phải ở các trường hợp có khó khăn trong quá trình thực hiện thủ thuật. Nguy cơ này sẽ giảm nếu sản phụ bình tĩnh và giữ yên tư thế trong khi đặt ống thông.

4.2 Đau lưng

Đây chính là điều lo lắng nhất của sản phụ cũng như người thân khi tìm hiểu về phương pháp đẻ không đau. Tuy nhiên, về phương diện khoa học, không một nghiên cứu nào chỉ ra rằng đau lưng sau sinh là do gây tê ngoài màng cứng. Trên thực tế, khoảng 50% sản phụ không áp dụng cách đẻ không đau bằng việc gây tê ngoài màng cứng khi đi sinh vẫn gặp đau lưng sau sinh.

Đau lưng sau sinh có thể do những nguyên nhân sau: sự biến đổi hình dạng cột sống khi mang thai, giãn dây chằng vùng cột sống lưng, tư thế không phù hợp trên bàn sinh do đau,… Trong trường đau do gây tê ngoài màng cứng tại vị trí tiêm, nó sẽ tự hết trong 48 giờ.

4.3 Biến chứng nhiễm trùng

Thường gây tê ngoài màng cứng sẽ bị biến chứng nhiễm trùng nhưng ít xảy ra.

4.4 Liệt chân

Một tai biến nghiêm trọng thường là do không tôn trọng các chống chỉ định.

5. Gây tê ngoài màng cứng có gây nguy hiểm cho bé không?

Các bác sĩ cho biết, thuốc tê sử dụng để gây tê ngoài màng cứng không gây nguy hiểm gì cho bé. Phương pháp này chỉ ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (cảm giác đau) ở bà mẹ, không gây độc cho bé

Ngoài ra, nhiều thống kê và nghiên cứu cho thấy gây tê ngoài màng cứng không làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát của trẻ sơ sinh được thực hiện ngay khi bé ra đời (Chỉ số Apgar). Thậm chí các em bé trong ca sinh áp dụng gây tê ngoài màng cứng còn có chỉ số Apgar cao hơn những trẻ sinh tự nhiên.

Nhìn chung, gây tê ngoài màng cứng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất có thể giúp thai phụ đẻ không đau trong quá trình sinh thường hay sinh mổ với mức độ an toàn cao. Đây cũng là một lựa chọn thích hợp giúp bà bầu đẻ không đau và cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình con yêu chào đời.