Thiếu máu khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu máu, nếu không nhận biết sớm và khắc phục kịp thời, thiếu máu khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu?

Theo thống kê của WHO cho thấy, 42% phụ nữ mang thai bị thiếu máu trên toàn thế giới, 90% trong số họ đến từ các nước đang phát triển. Vậy vì sao phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu đến vậy?

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể do một trong những nguyên nhân sau đây:

thieu-mau-khi-mang-thai-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu máu (Nguồn: Internet)

  • Mang thai từ tháng thứ 3 trở đi, khi bé bắt đầu lớn hơn nhiều, máu mẹ qua nhau thai nhiều hơn để vào thai. Nhu cầu thể tích máu tăng lên đến 30% nhằm vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ qua nuôi thai. Vì vậy, nồng độ các huyết sắc tố của mẹ bị giảm đột ngột do bị pha loãng hơn so với bình thường. Điều này dễ dẫn đến thiếu máu ở bà bầu.
  • Nhiều mẹ bầu có chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, không đảm bảo lượng sắt cần thiết cũng dễ bị thiếu máu trong thai kỳ.
  • Những mẹ bầu mang đa thai, nguy cơ thiếu máu sẽ cao hơn mẹ bầu đơn thai.
  • Những mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính như thalassemia cũng có nguy cơ bị bệnh thiếu máu thalassemia khi mang thai.
  • Với những mẹ bầu mang thai gần nhau, những thai phụ có nguy cơ dọa sảy thai, xuất huyết trước sinh hay các loại xuất huyết khác, nguy cơ dự trữ sắt không đủ, thời gian tái bổ sung sắt không nhiều cũng dễ dẫn đến thiếu máu.

2. Dấu hiệu thiếu máu ở bà bầu

Biểu hiện thiếu máu ở bà bầu thường không rõ ràng. Tình trạng thiếu máu khi mang thai đôi khi không có biểu hiện nào, đặc biệt là khi chỉ bị thiếu máu nhẹ.

Dấu hiệu thường thấy nhất khi phụ nữ mang thai bị thiếu máu chỉ là mệt mỏi, cảm giác yếu trong người, chóng mặt. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu mà mẹ bầu hay gặp khi mang thai nên cũng không thể dựa vào chúng để kết luận mẹ bầu có bị thiếu máu hay không. Do đó, mẹ bầu cần phải thăm khám thai kỳ thường xuyên để sớm biết có bị thiếu máu hay không.

Một số dấu hiệu thiếu máu ở bà bầu khác cũng có thể gặp là người xanh xao (đặc biệt ở các đầu ngón tay, dưới mi mắt, môi,…). Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thấy tim đập nhanh, thở gấp, khó tập trung…

3. Thiếu máu khi mang thai có nguy hiểm không?

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, hơn 32% phụ nữ có thai bị thiếu máu. Bệnh thiếu máu thai kỳ, đặc biệt là thiếu máu khi mang thai 3 tháng cuối, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

3.1 Thứ nhất, thiếu máu làm tăng nguy cơ tử vong trong sinh nở

Các chuyên gia đã chứng minh rằng thai phụ bị thiếu máu có nguy cơ tử vong cao hơn trong thời kỳ chu sinh. Có gần 500.000 ca thai phụ tử vong trong lúc sinh hoặc sau khi sinh mỗi năm, phần lớn đều xảy ra ở các nước đang phát triển.

Nguy cơ tử vong tăng lên đáng kể ở những thai phụ thiếu máu nặng.

3.2 Thứ hai, thiếu máu trong thai kỳ có nguy cơ sinh non

Một nghiên cứu cho thấy rằng, thai phụ bị thiếu máu đều có nguy cơ sinh non cao hơn so với thai phụ không bị thiếu máu. Các dạng thiếu sắt, thiếu máu có nguy cơ cao gấp đôi so với những người thiếu máu nói chung.

3.3 Thứ ba, ảnh hưởng đến trẻ khi sinh ra

Trẻ sinh ra bởi những người mẹ thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, suy thai, tăng khả năng mắc các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu do thiếu sắt có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển trí não, từ đó làm suy giảm khả năng học tập của trẻ.

Ngoài ra, con của những mẹ bầu thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những đứa trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành.

Tuy thiếu máu khi mang thai gây nhiều nguy hiểm nhưng mẹ bầu có thể điều trị và cải thiện bằng nhiều cách khác nhau như bổ sung sắt bằng viên uống hoặc từ chế độ ăn uống hàng ngày.

4. Điều trị thiếu máu khi mang thai

Mẹ bầu bị thiếu máu khi mang thai nên tuân thủ theo những điều sau đây:

  • Bổ sung chất sắt dạng viên hoặc dạng nước. Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung sắt thông qua các loại thực phẩm hàng ngày.
  • Bổ sung axit folic phối hợp với bổ sung sắt. Nếu bà bầu có nồng độ sắt quá thấp, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đối khi phải truyền máu.
  • Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn uống.

Lưu ý: Để hấp thụ sắt tốt nhất, mẹ bầu nên uống khi đói và bổ sung kèm vitamin C. Trước và sau khi uống viên sắt thì nên uống trà, cà phê hoặc sữa vì nó cản trở sự hấp thu sắt. Đặc biệt, khi điều trị thiếu máu, các mẹ bầu tuyệt đối phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

5. Bà bầu thiếu máu nên ăn gì?

Nếu đang băn khoăn phụ nữ mang thai thiếu máu nên ăn gì thì các mẹ có thể tham khảo một số loại thực phẩm dưới đây.

5.1 Thực phẩm giàu sắt

thieu-mau-khi-mang-thai-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-2

Bà bầu thiếu máu nên ăn thực phẩm giàu chất sắt (Nguồn: Internet)

Sắt tham gia vào quá trình tạo máu cũng như vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng hemoglobin trong máu thấp. Vì vậy, những thực phẩm giàu sắt luôn đứng đầu danh sách nên ăn khi thiếu máu.

Mẹ bầu có thể tăng cường nguồn sắt thông qua các loại thịt đỏ, củ dền, đậu phụ, măng tây, gan gà, trứng, hàu, táo, lựu, mơ, dưa hấu, mận, hạt bí đỏ, hạnh nhân, nho khô...

Lưu ý: Động vật có lượng sắt cao và dễ hấp thu hơn.

5.2 Thực phẩm giàu vitamin C

Ngay cả khi đã tăng cường bổ sung thực phẩm giàu sắt, nhưng nếu cơ thể thiếu vitamin C, bạn vẫn có nguy cơ thiếu máu. Cơ thể chỉ có thể hấp thu 2 - 20% lượng sắt từ thực vật, với động vật có thể cao hơn, khoảng 15 - 35%. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin C cùng lúc với sắt, tỷ lệ hấp thu này có thể tăng gấp 6 lần

Thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, dâu tây, đu đủ, ớt chuông, bông cải xanh, bưởi và cà chua,…là những thực phẩm mà bà bầu thiếu máu không nên bỏ qua.

5.3 Thực phẩm giàu axit folic

Axit folic giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh. Điều này hẳn mẹ bầu nào cũng biết. Tuy nhiên, các mẹ có biết axit folic cũng rất quan trọng trong chế độ ăn của bà bầu thiếu máu.

Giống như sắt, axit folic cũng tham gia vào quá trình tạo ra hồng cầu. Một số nguồn thực phẩm axit folic tốt là rau lá xanh, giá đỗ, đậu khô, mầm lúa mì, đậu phộng, chuối, bông cải xanh và gan gà…

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến sự phát triển của thai nhi. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp mẹ bầu biết cách xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho mình khi chẳng may bị thiếu máu trong thai kỳ.