Trong dân gian và y học cổ truyền, nha đam được xem là thực phẩm có dược tính cao, hỗ trợ điều trị tốt các chứng bệnh như táo bón, loét dạ dày, làm lành vết thương nhanh.
Tuy nhiên các mẹ bầu thường nhận được lời khuyên không nên sử dụng nha đam trong giai đoạn mang thai để tránh gặp phải những rủi ro sức khỏe cho bản thân và em bé. Vậy mẹ bầu có cần kiêng khem tuyệt đối loại thực phẩm này không? Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Bà bầu ăn nha đam được không?
Nha đam vốn nổi tiếng là một “mỹ phẩm tự nhiên” giúp dưỡng ẩm và cải thiện làn da trắng sáng rất được các chị em phụ nữ tin dùng. Khi mang thai mẹ cũng có thể dùng nha đam để làm mặt nạ dưỡng da, giảm tình trạng nứt nẻ, khô ráp nhưng các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo rằng bà bầu không nên ăn nha đam hay các món ăn được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu này.
Bên cạnh đó, sau khi sinh nở và còn cho em bé bú, lời khuyên là mẹ không nên vội thêm nha đam vào khẩu phần ăn để tránh gây tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa của con.
2. Một số tác hại của nha đam tới sức khỏe thai kì
Ở giai đoạn mang thai, trước khi sử dụng nha đam để chế biến các món ăn, mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng dưới đây:
2.1 Co thắt tử cung
Các nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng lượng chất aloin và anthraquinone được tìm thấy từ phần gel nha đam (phần thịt trong suốt thường được sử dụng) chính là tác nhân khiến tử cung co thắt mạnh (cơn gò tử cung).
Tình trạng co thắt tử cung có thể xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong thai kì, song nếu kéo dài và diễn ra mạnh kèm đau bụng, chảy máu vùng kín thì có thể dẫn tới những tai biến sản khoa như sảy thai hay sinh non.
Xem thêm: Nhận diện 3 cơn gò tử cung khác nhau trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết
2.2 Có đặc tính như thuốc xổ
Hoạt chất anthraquinone còn có đặc tính kích thích nhu động của phần ruột già nếu tiếp nạp với liều lượng nhỏ, tuy nhiên, khi hấp thu quá mức an toàn, chất này sẽ hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng mạnh (thuốc xổ). Đây cũng là lý do vì sao bà bầu cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc sử dụng nha đang khi mang thai.
2.3 Gây hạ kali máu
Ăn nha đam sẽ khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều hoặc bị tiêu chảy, điều này có thể làm hạ kali trong máu, gây ra tình trạng mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút, ảnh hưởng tốt cho thai kỳ của mẹ bầu. Ngoài ra, khi lượng kali trong máu ở mức quá thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt cơ, mất phản xạ gân xương.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết hạ kali máu và biện pháp khắc phục
2.4 Hạ đường huyết quá mức
Trường hợp mẹ bầu đang điều trị tiểu đường thai kì thì cần cắt giảm hoàn toàn nha đam trong thực đơn hàng ngày. Theo đó khi sử dụng nha đạm, cơ thể mẹ sẽ hấp thu thêm lượng chất polysacharide rất dễ khiến nồng độ đường huyết giảm xuống đột ngột và thấp hơn mức an toàn, gây nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ lẫn em bé trong bụng.
2.5 Dị ứng ngứa ngáy
Nếu mẹ bầu từng có tiền sử dị ứng với tỏi, hành tây hoặc hành tím thì tỉ lệ mắc dị ứng với nha đam thường khá cao. Mẹ sẽ cảm thấy khó thở, phát ban ngứa ngáy, thậm chí có thể bị sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm. Do vậy, nên thận trọng xem xét trước khi sử dụng nha đam ở giai đoạn này.
Bổ sung bất cứ thực phẩm nào vào chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng cần phải tìm hiểu kĩ lượng tác động của loại thực phẩm đó tới sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi. Chính vì thế, hy vọng rằng những thông tin về nha đam trên đây sẽ nhắc mẹ bầu cẩn trọng hơn khi có mong muốn sử dụng, nhằm duy trì một thai kì khỏe mạnh và an toàn.