1. Tìm hiểu về cây hồng hoa
Hồng hoa hay hoa rum hoặc hạt kham (có tên khoa học là Carthamus tinctorius L) là loài thực vật thuộc họ Cúc. Cây cao từ 30 – 150cm, lá mọc so le gần như không có cuống hay bẹ, đầu chót nhọn như gai, mép có răng cưa nhọn không đều, mặt lá trơn màu xanh sẫm, gân chính giữa lồi cao.
Cây hồng hoa (Nguồn: Internet)
Cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng tươi, đỏ hoặc da cam họp lại thành gù hình đầu. Trên thực tế, tại Việt Nam và Trung Quốc thường gặp loại hoa màu đỏ nên mới đặt tên là hồng hoa.
Theo nhiều nghiên cứu, thành phần hóa học trong hồng hoa gồm có:
- Trong hoa của cây hồng hoa có Carthamin, Palmitic acid, Oleic acid, Linoleic acid.
- Trong lá chứa 7 glycosid flavonoid, dẫn xuất của luteolin, 14 dẫn chất polyacetylen.
- Trong rễ có polyacetylen.
- Quả chứa protein, lipid.
- Dầu ép từ hạt có acid béo.
Trong đó, bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là hoa của cây hồng hoa.
2. Tác dụng của hồng hoa là gì?
Vị thuốc hồng hoa là hoa phơi sấy khô của loại cây này. Nó có những tác dụng dược lý như:
- Thí nghiệm trên chuột, thỏ, mèo, chuột bạch và chó cho thấy, nước sắc hồng hoa có tác dụng kích thích tử cung lâu dài. Đối với ruột của những con vật đó, nó cũng có tác dụng kích thích nhưng thời gian ngắn hơn.
- Nước sắc hồng hoa còn giúp hạ huyết áp của chó và mèo, làm tăng sự co bóp của tim, co nhỏ mạch máu thận và co cơ trơn phế quản của chuột bạch.
Theo nhiều thí nghiệm và nghiên cứu thì người ta nhận thấy hồng hoa có những tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, có thể kể như:
- Hồng hoa có tác dụng làm tăng co bóp tử cung, phù hợp cho phụ nữ sau sinh.
- Làm hạ huyết áp đối với những người bị cao huyết áp.
- Tăng co bóp tim, co mạch máu, co cơ trơn phế quản.
- Hạ lipid máu.
- Tác dụng hoạt tính miễn dịch và chống viêm.
- Tác dụng tốt đối với hệ thần kinh…
Ngoài ra, dầu hồng hoa (không màu và không mùi) có thành phần dinh dưỡng tương tự như dầu hướng dương, nên cũng được dùng làm dầu ăn (chủ yếu dùng trong các món salad trộn) hoặc dùng để chế biến bơ thực vật. Hoa của hồng hoa ngoài là vị thuốc còn được dùng làm thuốc nhuộm vải hoặc làm son môi.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ hồng hoa thường dùng
Công dụng của hồng hoa có thể chữa nhiều bệnh tật, hiệu quả được thể hiện qua các bài thuốc dưới đây:
3.1 Trị các bệnh phụ khoa
- Bài 1: Dùng 10g hồng hoa sắc với rượu, ngày uống 3 lần. Bài thuốc có tác dụng chữa đau bụng kinh.
- Bài 2: Dùng 3g hồng hoa, 15g ích mẫu thảo, 10g sơn tra sắc uống. Bài thuốc có tác dụng loại bỏ máu xấu trong tử cung chưa ra hết sau khi sinh.
- Bài 3: Dùng hồng hoa, đương quy, diên hồ sách, xích thược, ngưu tất, xuyên khung, ích mẫu mỗi lượng bằng nhau, sắc với nước còn khoảng 2 tô, chia làm 3 lần uống, uống khi còn nóng.
Hoa cây hồng hoa sấy khô dùng để sắc nước uống (Nguồn: Internet)
3.2 Trị đau sưng do chấn thương ngoại khoa
Dùng hồng hoa, đào nhân, sài hồ, đương quy, mỗi vị 10g, đại hoàng 8g sắc uống.
Dùng 60g hồng hoa, 12 quả đại táo sắc với 300ml nước còn 150ml, sau đó hòa với 60g mật ong. Mỗi ngày uống một lần.
3.3 Phòng chống bệnh ban sởi
Nhai nuốt 3 – 5 hạt hồng hoa, sau đó uống thêm nước vào.
4. Lưu ý khi dùng hồng hoa
- Mặc dù hồng hoa có tác dụng bổ huyết nhưng bạn không nên dùng nhiều, vì nếu dùng quá nhiều sẽ có tác dụng hành huyết, tiêu huyết, phá huyết.
- Không dùng hồng hoa cho phụ nữ đang mang thai.
- Cây hồng hoa trong y học cổ truyền và cây hoa hồng là 2 loại hoàn toàn khác nhau, vì vậy, khi dùng các bạn thuốc bạn cần đọc kỹ, tránh đọc nhầm “hồng hoa” thành “hoa hồng”.
- Hồng hoa thường được thu hái vào đầu mùa hè, khi hoa đang nở, cánh hoa đang chuyển từ vàng sang đỏ thì bắt đầu thu hái. Khi sơ chế thì thường để nơi thoáng gió và phơi trong bóng râm cho khô. Không nên phơi trực tiếp ngoài nắng vì làm hồng hoa biến màu.
- Trước khi dùng các bài thuốc trị bệnh từ hồng hoa thì nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, tốt nhất nên đến các cơ sở y học cổ truyền để được chỉ định thuốc và liều lượng thích hợp.