Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Kiến thức chăm sóc bà bầu khoa học trong suốt thai kỳ

(VOH) – Khi mang bầu, sức đề kháng và hệ miễn dịch của người phụ nữ yếu hơn hẳn bình thường. Vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh chị em cần trang bị những kiến thức chăm sóc bà bầu an toàn, khoa học.

Bảo vệ sức khỏe cho mẹ và em bé trong bụng trong suốt thai kỳ là việc hết sức quan trọng và cần thiết. Chính vì thế, chị em cần biết cách chăm sóc sức khỏe của chính mình để cơ thể luôn khỏe mạnh và thai nhi được phát triển tốt nhất.

1. Chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ

1.1 Những thay đổi trong 3 tháng đầu tiên

Trong những tuần đầu mang thai, nhiều chị em thường không biết mình đã làm mẹ vì các dấu hiệu có thai chưa xuất hiện. Tuy nhiên, khi bước sang tuần thứ 3 – 4 trở về sau, các chị em sẽ nhận thấy những sự thay đổi của cơ thể như: chậm kinh, bầu ngực trở nên nhạy cảm, kích thước tăng lên... Có khoảng 80% mẹ bầu bắt đầu có triệu chứng ốm nghén.

Do tác động của hormone thai kỳ, tử cung cũng bắt đầu to ra gây chèn ép bàng quang khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều lần trong ngày và hiện tượng này hoàn toàn bình thường vì thế chị em không nên nhịn tiểu vì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.

Bước sang tuần 8 – 9, tử cung giãn nở nhiều hơn, một số mẹ bầu sẽ có phản ứng mang thai dữ dội (ốm nghén nặng) với những biểu hiện nôn ói nhiều, đi kèm làm sự thay đổi tâm trạng như buồn bực, bất an, lo lắng, đôi khi là thất vọng.

Da của chị em cũng bắt đầu kém tươi sáng hơn trước, thậm chí nhiều người còn xuất hiện tàn nhang, nám... Vì thế, chị em có thể tìm hiểu các cách chăm sóc da cho bà bầu từ thiên nhiên để cải thiện làn da của mình.

1.2 Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

kien-thuc-cham-soc-ba-bau-khoa-hoc-trong-suot-thai-ky-voh

Chia nhỏ bữa ăn giúp mẹ bầu hạn chế bị ốm nghén trong 3 tháng đầu (Nguồn: Internet)

Điều đầu tiên cần nhớ khi chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu chính là dinh dưỡng. Mặc dù mẹ bầu sẽ khó ăn uống hơn trong giai đoạn đầu thai kỳ nhưng khi chuẩn bị bữa ăn vẫn cần đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Để tránh hiện tượng ốm nghén, mẹ bầu có thể chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ngày. Nếu buồn nôn nhiều, mẹ có thể ăn nhẹ các loại bánh quay, kẹo gừng, cam thảo... Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần tránh một số loại thực phẩm có thể gây sảy thai, xuất huyết âm đạo...

Đặc biệt, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên bổ sung axit folic và sắt cho cơ thể. Mẹ bầu thiếu axit folic có thể khiến thai nhi bị dị tật ống thần kinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch. Còn nếu thiếu sắt, mẹ bầu sẽ càng mệt mỏi, khó chịu hơn, thậm chí có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

1.3 Chế độ sinh hoạt cho bà bầu 3 tháng đầu

Không chỉ có chế độ ăn uống, chăm sóc bà bầu trong những tháng đầu tiên cũng cần lưu tâm đến chế độ sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể:

  • Mẹ cần chú ý đến thời gian làm việc, môi trường làm việc cần thông thoáng, trong lành. Nên hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sóng điện tử...
  • Tạo cho mình thói quen tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga để giúp thư giãn tinh thần, tăng cường oxy hóa cho bào thai.
  • Sắp xếp công việc hợp lý để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

2. Chăm sóc bà bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ

2.1 Những thay đổi ở bà bầu trong 3 tháng giữa

Bước sang tháng thứ 4, bụng mẹ bầu bắt đầu xuất hiện. Cảm giác ốm nghén giảm dần và biến mất.

Tháng thứ 5, tử cung to ra đáng kể khiến phần bụng dưới nhô ra. Lúc này, ngoại hình của mẹ bầu cũng sẽ thay đổi rõ rệt như tăng cân, ngực mông nở nang. Da mặt, nách, bẹn cổ, âm hộ sẫm màu hơn so với bình thường.

Đây cũng là thời điểm mẹ bầu có thể cảm nhận thai máy rõ rệt. Một số bà bầu còn có hiện tượng bị phù chân, táo bón thai kỳ hoặc khó thở, đau nhức lưng, hông do lưu lượng máu kém lưu thông...

2.2 Chế độ dinh dưỡng của bà bầu 3 tháng giữa

Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu cần tăng thêm từ 3 – 4kg. Bữa ăn hàng ngày vẫn phải đáp ứng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như trong 3 tháng đầu. Ngoài ra, trong 3 tháng giữa mẹ bầu cần khoảng 2550 kcal mỗi ngày (cao hơn mức bình thường từ 300 – 350 kcal). Đồng thời, phải cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể để đảm bảo sự phát triển của thai nhi.

2.3 Chế độ sinh hoạt trong 3 tháng giữa

kien-thuc-cham-soc-ba-bau-khoa-hoc-trong-suot-thai-ky-1-voh

Mẹ bầu 3 tháng giữa cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn (Nguồn: Internet)

  • Do giai đoạn này bụng đã bắt đầu to dần, vì thế mẹ bầu nên sắm trang phục bầu riêng biệt để thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Tránh mang giày cao gót.
  • Có thể tham gia khóa học tiền sản để được hướng dẫn cách chăm sóc thai kỳ, cách rặn đẻ và chuyển dạ, cùng với cách chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học.

3. Chăm sóc bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ

3.1 Sự thay đổi của bà bầu trong 3 tháng cuối

Những tháng cuối thai kỳ bà bầu cần được quan tâm, chăm sóc nhiều bởi phần bụng ngày càng to nên cơ lưng của mẹ sẽ trở nên mệt mỏi, đau nhức.

Các vết rạn có màu hồng nhạt, đỏ tía hoặc trắng xuất hiện ở bụng, mông và đùi. Bầu ngực cũng ngày càng căng to. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng phải đối mặt với hiện tượng phù chân tay, khó ngủ, bị chuột rút...

Những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy xuất hiện cơn gò Braxton (chuyển dạ giả) xảy ra thường xuyên và mạnh hơn. Càng gần ngày dự sinh, mẹ bầu càng bị mệt mỏi do thiếu ngủ và sức nặng của thai nhi ngày càng lớn.

3.2 Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối

Trong những tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng của mình và cả thai nhi.

Ngoài ra, trong 3 tháng cuối mẹ bầu cũng có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.

Cần đảm bảo uống đủ nước từ 2 – 2.5 lít mỗi ngày và tránh ăn các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, đồ hộp và cả thức ăn đông lạnh.

3.3 Chế độ sinh hoạt của bà bầu 3 tháng cuối

  • Mẹ bầu có thể nhờ chồng massage chân, lưng để giảm đau nhức. Buổi tối có thể ngâm chân bằng nước ấm.
  • Mẹ bầu cần duy trì đều đặn việc tập thể dục, có thể bằng cách đơn giản là đi bộ quanh nơi ở, bơi lội… Đồng thời nên giảm bớt công việc hoặc tạm gác công việc sang một bên để nghỉ ngơi.
  • Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ lạc quan để quá trình sinh nở được thuận lợi hơn.
  • Cần hạn chế “chuyện chăn gối” vào tháng cuối thai kỳ để tránh chuyển dạ sớm.

Bản thân người chồng cần quan tâm, chăm sóc vợ nhiều hơn, đặc là trong khâu ăn uống, cùng vợ đi khám thai. Chia sẻ động viên để vợ giảm bớt tâm lý. Cùng làm việc nhà, không để bà bầu khiêng nhấc đồ nặng hoặc với đồ ở trên cao...

Như vậy, để có được một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh thì mẹ bầu ngoài việc cần được chăm sóc đúng cách còn phải tự trang bị cho mình những kiến thức về sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hằng ngày để đảm bảo “mẹ tròn con vuông” trong kỳ sinh nở.

Bình luận