Mọc mụn nước ở môi là do đâu?

(VOH) - Mụn nước ở môi không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống hàng ngày mà còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.

1. Mụn nước ở môi là bệnh gì?

Mụn nước ở môi không phải là tên một căn bệnh là nó là triệu chứng đặc trưng của bệnh mụn rộp (hay còn gọi là Herpes), do virus Herpes simplex-1 gây ra. Loại virus này xâm nhập vào cơ thể và không hoạt động ngay, chúng chỉ phát triển khi cơ thể người bệnh bị nhiễm trùng, sốt hay suy giảm hệ miễn dịch do nhiều lý do khác nhau.

Virus herpes có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi người bệnh có hệ miễn dịch kém.

moc-mun-nuoc-o-moi-la-do-dau-voh-1

Mụn nước ở môi do virus herpes gây ra (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây mụn nước ở môi

Nguyên nhân chủ yếu mọc mụn nước ở môi là do virus herpes simplex (HSV) gây ra. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị nhiễm virus herpes simplex gây mụn nước ở môi:

2.1 Dùng chung đồ dùng cá nhân

Dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn, ly, chậu rửa mặt, bàn chải đánh răng,…với người đã bị nhiễm virus HSV sẽ có nguy cơ cao mọc mụn nước ở môi.

2.2 Hôn nhau

Hôn người bệnh mụn rộp sẽ bị lây nhiễm căn bệnh này và bị mụn nước ở môi.

2.3 Đi xăm môi thẩm mỹ

Xăm môi thẩm mỹ ở những cơ sở kém chất lượng bạn có nguy cơ bị mụn nước ở môi sau khi xăm. Virus HSV có thể lây qua dụng cụ và thuốc màu để xăm.

Sau khi virus Herpes xâm nhập và phát triển thì sẽ gây ra triệu chứng nổi mụn nước ở môi dưới hoặc mụn nước ở mép miệng, kèm theo triệu chứng ngứa, đau rát.

3. Trị mọc mụn nước ở môi bằng cách nào?

Mỗi đợt phát bệnh thường kéo dài 1 – 3 tuần, một năm tái phát 1 – 2 lần, cũng có khi đến 5 – 6 lần trong năm. Đối với những trường hợp có sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường lan rộng, kéo dài và có thể gây biến chứng. Những trường hợp nhẹ, có thể tự khỏi trong vài tuần.

Để giảm các triệu chứng và tránh nguy cơ tái phát thì người bệnh cần dùng kết hợp các loại thuốc. Cụ thể:

3.1 Thuốc kháng virus

Các loại thuốc gồm acyclovir, famcyclovir,valacylovir. Dù bạn bị mọc mụn nước ở môi nhẹ hay nặng cũng đều nên dùng thuốc, vì thuốc giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh và giảm tái phát. Dùng thuốc càng sớm càng tốt, nhất là sau khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên (ngứa, nóng rát, đỏ,…).

3.2 Thuốc giảm đau

Triệu chứng đau của bệnh thường không dữ dội nhưng lại kéo dài, gây khó chịu. Do đó, nếu cần hãy dùng thêm thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

3.3 Thuốc chăm sóc tại chỗ

moc-mun-nuoc-o-moi-la-do-dau-voh-2

Dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Các trường hợp mọc mụn nước ở môi nhẹ hay nặng cũng nên dùng thuốc bôi tại chỗ. Vậy bị mụn nước ở môi bôi thuốc gì?

Bạn nên dùng thuốc bôi kháng virus acyclovir 5%, thuốc bôi giảm đau xyclocain, thuốc chống bội nhiễm (dung dịch povidin, dung dịch milian). Ngoài ra, bạn cần súc miệng bằng nước muối, rửa môi bằng nước ấm hay dung dịch thuốc tím pha loãng.

Lời khuyên: Bên cạnh việc dùng thuốc, người bị mụn nước ở môi cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cần tránh các thức ăn có hàm lượng arginin cao (dừa, đậu nành, chocolate, cà rốt,…). Bởi arginin là yếu tố cần để Herpes simplex tái sinh. Đặc biệt, khi phát hiện mụn nước ở môi nên đi khám chuyên khoa da liễu để dùng thuốc theo phác đồ điều trị cụ thể.

Bình luận