Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Có nên nêm gia vị cho bé ăn dặm hay không?

(VOH) – Nhiều mẹ vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con nên đã nói 'không' với hầu hết các loại gia vị khi nấu ăn cho bé. Thế nhưng, thực tế việc cắt bỏ gia vị cho bé ăn dặm có thật sự là tốt hay không?

1. Khi nào nên nêm gia vị cho bé ăn dặm?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt hoàn toàn, tức là không nêm đường, muối và bột ngọt vào trong bữa ăn của trẻ. Việc nêm các loại gia vị cho bé ăn dặm quá sớm, nhất là khi trẻ mới 6 tháng tuổi có thể dẫn đến nhiều vấn đề như:

  • Rối loạn vị giác, góp phần gây biếng ăn ở trẻ.
  • Ảnh hưởng đến chức năng của thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.
co-nen-nem-gia-vi-cho-be-an-dam-hay-khong-voh
Cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật trong tương lai (Nguồn: Internet)
  • Ngoài ra, trẻ ăn nhiều muối ở giai đoạn dưới 1 tuổi có thể làm tăng nguy cơ tổn thương ở não bộ.

Trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể nêm gia vị (đường muối, bột ngọt, nước mắm) vào bữa ăn dặm của bé. Tuy nhiên, nên nêm gia vị theo liều lượng nhất định để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé sau này.

2. Các loại gia vị cho bé ăn dặm gồm những gì?

Nhiều người thường cho rằng, gia vị cho trẻ ăn dặm thường chỉ có đường, muối và bột ngọt mà ít ai nhớ đến các loại gia vị khác như tiêu, ớt, thì là, bột cà-ri.,...đặc biệt là dầu ăn.

Tại Việt Nam, các loại gia vị như rau thì là, bột cà-ri, húng quế, gừng,... cũng ít được sử dụng, nhất là khi chế biến món ăn cho trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan..., họ thường tập cho trẻ làm quen với các loại gia vị (trừ muối, đường, bột ngọt) từ rất sớm.

co-nen-nem-gia-vi-cho-be-an-dam-hay-khong-1-voh
Có khá nhiều loại gia vị "lành tính" dành cho trẻ ăn dặm (Nguồn: Internet)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ trên 8 tháng tuổi mẹ đã có thể cho bé tiếp xúc với thảo mộc và gia vị tự nhiên. Một số loại gia vị được cho là “lành tính” với bé là:

  • Vani (chỉ nên dùng hạt vani hoặc vani chiết xuất tinh khiết).
  • Tiêu.
  • Tỏi – nghiền nhỏ hay bột.
  • Húng quế.
  • Thì là.
  • Kinh giới.
  • Vỏ chanh.
  • Gừng.
  • Bạc hà.

Đây là những loại gia vị tự nhiên cho trẻ ăn dặm khá “hiền” và có thể dễ dàng kết hợp trong các món ăn của bé. Đặc biệt, nếu bé được nếm thử các món ăn được chế biến với nhiều gia vị tự nhiên ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé hạn chế được tình trạng kén ăn khi lớn.

Tuy nhiên, cũng giống như khi cho bé ăn món mới, khi nêm gia vị mới vào món ăn dặm của trẻ mẹ cần phải tuân theo nguyên tắc “4 ngày chờ đợi” để theo dõi các phản ứng của bé sau đó như thế nào. Tốt nhất là mẹ nên trao đổi với bác sĩ trước khi cho bé tập làm quen với các loại gia vị mới.

3. Bổ sung gia vị cho bé ăn dặm như thế nào là hợp lý?

Để nêm gia vị cho bé ăn dặm, mẹ có thể dùng muỗng để đo lường. Sử dụng muỗng có độ dài 4cm và rộng 3cm để bổ sung dầu ăn và gia vị cho bé ăn dặm hợp lý. Liều lượng được sử dụng như sau:

3.1 Trẻ dưới 1 tuổi

Không nên nêm đường, bột ngọt, muối, nước tương, bột nêm vào bữa ăn của bé. Đây là giai đoạn trẻ cần được phát triển vị giác dựa trên vị tự nhiên của thực phẩm.

Trong trường hợp bé đã ăn thức ăn có nêm gia vị trên 40 ngày sẽ khó quay trở lại mức vị giác xuất phát (như vị sữa mẹ). Tuy nhiên, mẹ có thể “chữa cháy” cho tình trạng này bằng cách:

  • Chỉ nêm gia vị vào giai đoạn ướp của thịt, cá (cá chiên không cần ướp). Liều lượng dùng là ½ muỗng trên 200g thịt sống, ướp không quá 30 phút. Rau củ quả không nên thêm gia vị.
  • Sử dụng muối giả từ thực vật.
  • Tiêu dùng 1/3 muỗng/ ngày (chỉ dùng cho trẻ trên 10 tháng tuổi)
  • Hành, tỏi băm nhuyễn: 1 muỗng/ ngày (chỉ dùng cho trẻ trên 10 tháng tuổi).
  • Rau thơm các loại băm nhuyễn : 1 muỗng/ngày.
  • Trẻ 6 tháng tuổi nên ưu tiên dùng dầu oliu (loại virgin/extra virgin) hoặc dầu hướng dương 100%, chỉ cần dùng ½ - 1 muỗng cà phê/ngày, không quá 4 ngày/tuần.
  • Trẻ từ 7 – 12 tháng: Dùng các loại dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu óc chó.... Dùng ½ muỗng/ngày, không quá 4 ngày/tuần.

3.2 Trẻ từ 1 – 3 tuổi

co-nen-nem-gia-vi-cho-be-an-dam-hay-khong-2-voh
Sử dụng gia vị cho bé cần dùng đúng liều lượng (Nguồn: Internet)
  • Muối, đường, bột ngọt: ½ muỗng/ngày
  • Nước mắm, nước tương: 1 muỗng/ngày
  • Hạt tiêu: 1/3 muỗng/ngày
  • Hành, tỏi: 1 muỗng/ngày
  • Rau thơm các loại: 1 muỗng/ngày
  • Mật ong: 1 muỗng/ngày (nếu cần).
  • Các loại dầu ăn cho bé tốt nhất là: dầu oliu, dầu đậu nành, dầu óc chó, dầu hướng dương. Không sử dụng dầu dừa và dầu thực vật tinh luyện hỗn hợp. Liều dùng 2 – 3 muỗng/ngày, một tuần dùng không quá 4 ngày. Nếu thực đơn có món chiên xào, mẹ không cần thêm dầu trực tiếp vào thức ăn.
  • Bé từ 2 tuổi bị thừa cân, béo phì nên tránh ăn mỡ và da động vật.

3.3 Bé trên 3 tuổi

Bé trên 3 tuổi có thể ăn đa dạng theo khẩu phần ăn của gia đình. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên hạn chế nêm đường, muối và nước mắm trong các món ăn để làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và ung thư dạ dày cho bé về sau.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé yêu, mẹ nên tập cho bé thói quen ăn uống hợp lý, đầy đủ nhưng khoa học ngay từ nhỏ. Không nên lạm dụng việc nêm gia vị ở độ tuổi không phù hợp để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé trong tương lai.