Người mẹ đi tìm sự sống cho con

(VOH) - Bệnh viện Gia An 115 vừa áp dụng kỹ thuật Nội soi mật - tụy ngược dòng điều trị một trường hợp u Klatskin hay còn gọi là ung thư đường mật vùng rốn gan.

Đáng nói, đây là một trường hợp mà người mẹ đã lặn lội về Việt Nam, tìm nơi tin tưởng để có thể điều trị kéo dài sự sống cho con mình.

Trước đó, đầu năm 2022, bệnh nhân nữ 34 tuổi bất ngờ nhận được kết quả xét nghiệm mắc bệnh ung thư đường mật vùng rốn gan. Do đang sống và làm việc tại Singapore nên chị được các bác sĩ bản địa cấp cứu bằng phương pháp đặt stent, đồng thời tiên lượng thời gian sống còn lại khoảng 5 tháng.

“Người mẹ đi tìm sự sống cho con” 1
Người bệnh hồi phục sức khỏe sau can thiệp

Với mong muốn đưa con gái về Việt Nam điều trị, mẹ chị vừa thăm hỏi khắp nơi, vừa lên mạng tìm hiểu thông tin.Và rồi, từ một bài báo nhan đề “Hội thảo Nhiễm trùng đường mật” bà đã tìm thấy thông tin về Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn – Chuyên gia can thiệp đường mật – Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115 – Người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong can thiệp và điều trị các bệnh lý gan mật – tụy, với hơn 10.000 ca thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng. Bà nhanh chóng liên hệ và đưa con mình về Việt Nam điều trị.

Ngày 26/6, bệnh nhân nhập viện Gia An 115 trong tình trạng vàng da, vàng mắt kèm sốt cao 39 độ, khó thở, cơ thể suy kiệt vì nôn ói. Ghi nhận bệnh sử, bệnh nhân đã 2 lần nội soi mật tụy ngược dòng để đặt stent, 6 lần hóa trị.Trực tiếp nhận bệnh, Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn nhận định đây là ca bệnh đặc biệt. Bệnh nhân mắc bệnh này độ tuổi rất trẻ, khác với đa số người mắc bệnh trên 60 tuổi. Do vậy, bệnh tiến triển nhanh, dễ tắc mật, hư hại tế bào gan, tiên lượng thời gian sống từ 6 tháng đến 1 năm. Tình trạng bệnh nhân lại bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn vị trí từng đặt stent trước đó.

“Người mẹ đi tìm sự sống cho con” 2
ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn thực hiện can thiệp cho người bệnh

Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án, Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn tự tin với phương hướng điều trị nội soi mật tụy ngược dòng để đặt stent mới với kích thước lớn hơn.Sau gần 60 phút căng thẳng, ca can thiệp thành công. Stent cũ được thay mới rộng hơn, lưu thông đường mật trở lại bình thường. Bệnh nhân đã có thể ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt và được xuất viện sau 5 ngày điều trị và tái khám theo lịch hẹn để duy trì sức khỏe và có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

U Klatskin hay còn gọi ung thư đường mật vùng rốn gan là bệnh lý ít gặp và nguy hiểm, đặc biệt hiếm gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh khó chẩn đoán và điều trị, nhanh chóng gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nội soi mật - tụy ngược dòng (ERCP) là phương pháp hữu hiệu và ít nguy cơ tử vong giúp người bệnh u Klatskin có được cuộc sống gần với bình thường.

Để ngăn ngừa và phát hiện sớm u Klatskin mỗi người cần chú ý lắng nghe cơ thể mình, những biểu hiện không ổn khi ăn, ngủ, vận động, sốt, vàng da hoặc những cơn đau thoáng qua. Bởi việc quan tâm và thăm khám kịp thời có thể giúp phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị bệnh từ 50% đến 80%.